Kinh tế thế giới

Cơ hội "hạ nhiệt" căng thẳng thương mại toàn cầu

Nam Trần 06/05/2025 04:02

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẵn sàng giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc "vào một thời điểm nào đó" trong tương lai.

Tổng thống Trump thừa nhận Mỹ và Trung Quốc "khó lòng giao thương" với mức thuế hiện nay (Ảnh: Business Insider)

Lý do được ông Trump đưa ra là mức thuế hiện tại quá cao – lên tới 145% với hàng Trung Quốc nhập khẩu và 125% với hàng Mỹ xuất sang Trung Quốc – khiến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gần như ngừng giao thương.

“Ở một thời điểm nào đó, tôi sẽ phải giảm thuế, vì nếu không sẽ không thể tiếp tục làm ăn với họ – mà họ thì rất muốn làm ăn với chúng tôi,” ông nhấn mạnh trong chương trình Meet the Press của NBC.

Tín hiệu hạ nhiệt đúng lúc

Những tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh cả hai nền kinh tế bắt đầu cảm nhận rõ những hệ lụy từ cuộc chiến thuế quan kéo dài.

Tại Trung Quốc, lĩnh vực sản xuất đang lao dốc nghiêm trọng. Theo chỉ số PMI chính thức, sản lượng sản xuất đã rơi vào giai đoạn suy giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2023. Xuất khẩu cũng giảm mạnh, xuống mức thấp nhất từ cuối năm 2022.

Kinh tế Mỹ cũng không nằm ngoài ảnh hưởng. Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA) vừa công bố số liệu cho thấy GDP quý đầu năm tăng trưởng âm 0,3%, lần đầu tiên kể từ 2022. Một phần nguyên nhân là do các doanh nghiệp Mỹ tăng cường nhập khẩu hàng hóa trước khi các mức thuế mới có hiệu lực, dẫn đến tồn kho tăng cao. Tuy nhiên, lo ngại giá cả leo thang khiến hoạt động đầu tư và tuyển dụng trở nên thận trọng hơn.

Trong bối cảnh này, Trung Quốc phát đi tín hiệu nhượng bộ. Tuần qua, Bắc Kinh tuyên bố đang “đánh giá khả năng” nối lại đàm phán thương mại với Washington – dấu hiệu đầu tiên cho thấy cánh cửa đối thoại có thể được mở lại sau nhiều tháng gián đoạn.

Dù ghi nhận một số phát biểu từ Trung Quốc là “tích cực”, ông Trump vẫn duy trì lập trường cứng rắn. Ông khẳng định rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải “công bằng”, và tiếp tục cáo buộc Trung Quốc “đã lợi dụng Mỹ trong nhiều năm”.

Bên cạnh đó, ông Trump cũng đề cập đến TikTok – ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc – cho biết ông sẵn sàng gia hạn thời gian để hoàn tất thương vụ bán lại TikTok cho một bên Mỹ, nếu điều đó giúp đạt được một thỏa thuận tốt hơn. TikTok hiện đang là điểm nóng trong cuộc đối đầu kinh tế – công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, khi Quốc hội Mỹ yêu cầu công ty mẹ ByteDance phải thoái vốn vì lo ngại rủi ro an ninh quốc gia.

Thị trường việc làm Mỹ trầm lắng hơn trong tháng 4 dù đây thường là mùa tuyển dụng cao điểm chuẩn bị cho mùa hè (Ảnh: Getty Images)
Nền kinh tế Mỹ bắt đầu chịu tác động tiêu cực trước chính sách thuế quan của ông Trump (Ảnh: Getty Images)

Cơ hội cho các thỏa thuận mới

Không chỉ tập trung vào Trung Quốc, ông Trump cũng tiết lộ rằng Mỹ đang tích cực tìm kiếm các thỏa thuận thương mại mới với nhiều quốc gia, trong đó có Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu.

Theo Phó Tổng thống Mỹ JD Vance, một thỏa thuận với Ấn Độ có thể là một trong những thỏa thuận đầu tiên được ký. Nhật Bản cũng đang hướng tới việc hoàn tất đàm phán vào tháng 6, sau vòng trao đổi mới nhất tại Washington.

Các nền kinh tế châu Á – vốn đang gánh chịu mức thuế "trả đũa” cao từ Mỹ – tỏ ra chủ động hơn so với nhiều nước phương Tây trong việc thúc đẩy đàm phán với chính quyền Trump. Trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản, ông Ryosei Akazawa, đã thể hiện rõ kỳ vọng sẽ sớm đạt được tiến triển cụ thể.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam bắt đầu được chú ý nhiều hơn như một đối tác tiềm năng. Phát biểu tại kỳ họp Quốc hội ngày 5/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đoàn đại diện Việt Nam sẽ bắt đầu đàm phán thương mại với Mỹ từ ngày 7/5. Đây là cơ hội quan trọng để tháo gỡ các vướng mắc tồn đọng và nâng tầm quan hệ kinh tế song phương giữa hai quốc gia.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dấu hỏi đặt ra về tính thực chất và hiệu quả trong ngắn hạn của các thỏa thuận sắp tới. Kể cả khi Mỹ hoàn tất các thỏa thuận, các chuyên gia thương mại quốc tế vẫn hoài nghi, bởi các hiệp định thương mại toàn diện thường mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để hoàn tất – đặc biệt trong bối cảnh chính trị và lợi ích kinh tế đan xen như hiện nay.

Nam Trần