Tài chính doanh nghiệp

Gỗ Trường Thành thoát lỗ nhờ đâu?

Đình Đại 06/05/2025 04:09

Nhờ khoản lợi nhuận khác tăng đột biến, Gỗ Trường Thành thoát lỗ trong quý đầu năm, nhưng lợi nhuận cũng chỉ đạt vỏn vẹn 1,6 tỷ đồng, giảm 86% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025 mới công bố, Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) ghi nhận doanh thu sụt giảm 45% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn gần 179 tỷ đồng. Giá vốn trong kỳ cũng giảm 41% so với cùng kỳ, xuống hơn 165 tỷ đồng. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp của TTF còn hơn 13 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ năm 2024.

Gỗ Trường Thành thoát lỗ quý đầu năm nhờ lợi nhuận khác - Ảnh: TTF.
Gỗ Trường Thành thoát lỗ quý đầu năm nhờ lợi nhuận khác - Ảnh: TTF.

Trong kỳ này, ngoại trừ chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 8% so với cùng kỳ, lên 27,3 tỷ đồng; các chi phí khác như chi phí tài chính và chi phí bán hàng đều được tiết giảm mạnh, lần lượt là 27% và 30% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của TTF vẫn ghi nhận lỗ 52,4 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong kỳ này khoản lợi nhuận khác của doanh nghiệp tăng đột biến lên gần 54 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ ghi nhận hơn 79 triệu đồng. Doanh nghiệp không thuyết minh về khoản lợi nhuận này. Đây cũng là nguyên nhân đã “cứu” doanh nghiệp ngành gỗ này khỏi một quý kinh doanh thua lỗ, với mức lợi nhuận sau thuế đạt 1,6 tỷ đồng, giảm 86% so với cùng kỳ năm 2024.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp, lợi nhuận quý đầu năm giảm do thị trường bất động sản trong nước chưa triển khai mạnh sau Tết Nguyên Đán dù có dấu hiệu khởi sắc vào cuối năm 2024.

Các công ty con của TTF đang trong giai đoạn đầu thâm nhập thị trường mới phát triển gồm Ấn Độ, Trung Đông, nên phát sinh chi phí nhưng sản lượng chưa tăng mạnh; Thị trường xuất khẩu diễn biến chậm và chờ thông tin thuế quan từ Mỹ.

Lãnh đạo TTF cho biết, trong quý I/2025, Công ty đã tiếp tục chủ động xử lý các vấn đề tồn đọng liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhờ các biện pháp quyết liệt, quá trình hoàn thuế GTGT đã được khôi phục bình thường, giúp dòng tiền cải thiện đáng kể, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn và giảm đáng kể lượng hàng tồn kho.

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế thế giới trong đầu năm 2025 tiếp tục có nhiều biến động, bao gồm tình trạng lạm phát cao, lãi suất USD vẫn đang neo ở mức cao, giá nguyên vật liệu biến động và chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố địa chính trị. Những thách thức này đã gây áp lực lên hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu.

cpttf.jpg
Trên thị trường, cổ phiếu TTF hiện chỉ có giá 2.480 đồng/cp, giảm 24% so với hồi giữa tháng 2 và hiện vẫn đang trong diện cổ phiếu bị cảnh báo.

Khó khăn của TTF trong quý đầu năm cũng không nằm ngoài những biến động của thị trường, khi ngành gỗ mặc dù có sự tăng trưởng, nhưng được đánh giá là vẫn còn nhiều khó khăn do biến động của kinh tế thế giới và chính sách thuế quan mới của Mỹ.

Theo thống kê của Cục Hải quan, trong tháng 3/2025, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 1,47 tỷ USD, qua đó nâng mức trị giá xuất khẩu của nhóm hàng này trong quý I/2025 đạt 3,93 tỷ USD, tăng 11,1% (tăng 394 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước. Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, với 2,14 tỷ USD, tăng 12,9% (tăng 244 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước và chiếm 54% trong tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Mặc dù xuất khẩu gỗ của Việt Nam đạt 3,95 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm 2025, đánh dấu mức tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2024, nhưng ngành gỗ vẫn đang đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là chính sách thuế quan của Mỹ.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng mức thuế quan đối ứng 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, sẽ tác động trực tiếp đến xuất khẩu nông sản và gỗ của Việt Nam sang Mỹ - thị trường xuất khẩu có giá trị lớn nhất của Việt Nam đối với các sản phẩm nông, lâm nghiệp và hải sản.

Năm 2025, ngành nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là 18 tỷ USD, tăng 2 tỷ USD so với năm 2024. Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường mục tiêu cho phần lớn sự tăng trưởng này. Tuy nhiên, chính sách thuế quan mới của Mỹ sẽ là thách thức lớn đối với mục tiêu này.

Hiện ngành gỗ có mức độ cạnh tranh đặc biệt cao, tạo ra thặng dư thương mại lớn nhất trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Cụ thể, trong 4 năm qua, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam vào Mỹ luôn dao động từ 7-9 tỷ USD và chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Tuy nhiên, hàng năm Việt Nam chỉ nhập khẩu khoảng 300 triệu USD các sản phẩm gỗ từ Mỹ.

Ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, ngành gỗ phải trang bị tư duy mới để thích ứng với những khó khăn trước mắt. Doanh nghiệp cần giữ vững bình tĩnh, đồng thời đặt niềm tin vào nỗ lực đàm phán của Chính phủ.

VIFOREST kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ tài chính, tài khóa tiền tệ như đã từng áp dụng thời COVID như: hoãn nợ, giãn thuế, giảm tiềm thuê đất... đã và đang được Chính phủ áp dụng, sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Đình Đại