Tín dụng - Ngân hàng

OCB phát triển bền vững với nền tảng quản trị rủi ro hiệu quả

M.Lê 06/05/2025 08:00

Đặc biệt chú trọng đầu tư và nâng cấp các mô hình quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế vào quy trình vận hành giúp đảm bảo hoạt động của ngân hàng luôn ổn định, an toàn và hiệu quả...

Các yếu tố đã tạo nền tảng vững chắc cho chiến lược phát triển bền vững của ngân hàng Phương Đông (OCB) trong thời gian vừa qua.

Là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc nâng cao năng lực quản trị rủi ro, thông qua hàng loạt các dự án trọng điểm về cải thiện khung quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế, ngay từ năm 2018, OCB đã được Ngân hàng Nhà nước công nhận là một trong ba ngân hàng đầu tiên hoàn thành các hạng mục quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế Basel II. Đến 2022, OCB đã triển khai thành công chuẩn mực Basel III trong quản lý rủi ro thanh khoản và Basel II theo phương pháp mô hình nội bộ (IMA) cho quản lý rủi ro thị trường cùng với việc áp dụng chuẩn mực “Đánh giá nội bộ về an toàn thanh khoản theo quy định của Ngân hàng trung ương Châu Âu (ILAAP)”.

ocb.jpg

Năm 2023, OCB tiếp tục công bố hoàn thành triển khai và áp dụng nền tảng tính vốn điện toán đám mây theo Basel II Nâng cao (phương pháp tiếp cận nội bộ - IRB), trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam hoàn thành tất cả các yêu cầu tiên tiến của Basel trong chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế. Sau 2 năm triển khai áp dụng, OCB không ngừng nâng cao các chỉ số về đảm bảo dự phòng vốn an toàn hoạt động và tăng cường sức chịu đựng thanh khoản trước các biến cố. Cụ thể, năm 2024, tỷ lệ an toàn vốn (CAR), tỷ lệ dự trữ thanh khoản (LRR), tỷ lệ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn luôn tuân thủ theo quy định của NHNN. Ngoài ra, OCB còn nắm giữ tài sản thanh khoản cao như tiền mặt, trái phiếu Chính phủ, cho vay liên ngân hàng để đảm bảo tỷ lệ dự trữ thanh khoản (LRR) tuân thủ theo quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, ngân hàng còn thực hiện theo dõi tỷ lệ an toàn vốn (CAR), các hạn mức LCR và NSFR định kỳ hàng tháng nhằm hướng đến việc tuân thủ quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế Basel. Việc này đã định hình hướng phát triển theo hướng bền vững, minh bạch, hiệu quả và an toàn của OCB.

“Năm 2024, chúng tôi thường xuyên triển khai thực hiện đánh giá nội bộ về mức đủ về vốn (ICAAP) và thanh khoản (ILAAP) theo các kịch bản phức tạp, từ đó khẳng định được năng lực của OCB đối với các nghĩa vụ tài chính cho khách hàng và đối tác trong những tình huống có thể xảy ra, đảm bảo luôn duy trì ổn định hoạt động kinh doanh trong ngắn hạn, cũng như có kế hoạch nguồn vốn ổn định đáp ứng yêu cầu phát triển kinh doanh”. Đại diện Lãnh đạo OCB chia sẻ.

Được biết, tại OCB, khẩu vị rủi ro năm 2024 được xây dựng với các mục tiêu kiểm soát rủi ro chặt chẽ và linh hoạt hợp lý để đảm bảo an toàn tài chính cho ngân hàng nhưng vẫn phù hợp với chiến lược kinh doanh. Do vậy, các chỉ tiêu kiểm soát rủi ro trọng yếu luôn được duy trì và thường xuyên rà soát, đánh giá, điều chỉnh kịp thời, vừa tạo điều kiện để OCB có thể phát triển quy mô, vừa đảm bảo kiểm soát rủi ro chặt chẽ.

Nhờ hoạt động an toàn, hiệu quả, minh bạch trên nền tảng QLRR vững chắc theo chuẩn quốc tế, cùng với việc không ngừng cải tiến trong hoạt động này qua từng giai đoạn, OCB nhiều năm liên tiếp được Moody’s xếp hạng ở mức cao. Cụ thể năm 2024, xếp hạng tín nhiệm của ngân hàng ở mức Ba3 và nâng triển vọng lên mức "ổn định". Mức xếp hạng này phản ánh năng lực tài chính ổn định của OCB trong suốt chu kỳ của nền kinh tế, tỉ lệ an toàn vốn ở mức tốt và kỳ vọng cải thiện chất lượng tài sản trong thời gian tới. Ngoài ra, Moody's cũng giữ nguyên đánh giá rủi ro đối tác (CRRs) dài hạn với đồng ngoại tệ và nội tệ ở mức Ba3, xếp hạng rủi ro đối tác dài hạn ở Ba3 (cr).

Điều này mở ra nhiều cơ hội để OCB liên tục đón dòng vốn ngoại từ các tổ chức Tài chính quốc tế khi đã trải qua quá trình kiểm duyệt, thẩm định cực kỳ gắt gao theo tiêu chuẩn của từng tổ chức, về chất lượng hoạt động, quản trị rủi ro vững chắc, nhằm đảm bảo quá trình phát triển an toàn, minh bạch và hiệu quả. Ngoài ra, trong suốt quá trình duy trì khoản vay, ngân hàng phải nghiêm túc tuân thủ cam kết các chỉ số “sức khỏe” tài chính về an toàn vốn, chất lượng tài sản, thanh khoản,...

Nguồn vốn này đã và đang giúp nhóm khách hàng thuộc phân khúc SME, đặc biệt là những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ của ngân hàng được tiếp cận khoản vay với lãi suất ưu đãi, phục vụ đầu tư và phát triển sản xuất - kinh doanh, đúng với chiến lược phát triển bền vững mà OCB đã xây dựng.

Năm 2025, với mục tiêu phấn đấu đưa OCB vào Top 5 ngân hàng TMCP tư nhân hàng đầu tại Việt Nam về hiệu quả và ESG, bên cạnh các định hướng hoạt động về mục tiêu kinh doanh, sản phẩm dịch vụ, chuyển đổi số, nhân sự,… OCB sẽ tiếp tục tối ưu hóa quản trị, tái cơ cấu mô hình tổ chức và quản lý nguồn vốn theo hướng bền vững, bên cạnh việc củng cố nền tảng quản trị rủi ro.

M.Lê