Nghiên cứu - Trao đổi

Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Cân nhắc điều chỉnh một số khái niệm

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn 06/05/2025 04:30

Được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt cho sự phát triển, tuy nhiên, để Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hoàn thiện, không ít ý kiến đề xuất, cân nhắc điều chỉnh một số khái niệm.

Theo đó, sau tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gồm 8 Chương và 95 Điều (tăng 14 Điều so với Luật hiện hành do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo và cấu trúc lại nên về hình thức có nhiều thay đổi).

Cụ thể, Dự thảo Luật có sửa đổi lớn đối với 26 Điều, bổ sung 23 Điều, bám sát các nội dung chính sách tại Nghị quyết 118/NQ-CP ngày 03/8/2024 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2024.

dua-thao-luat-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-5.5.1.jpg
Với hàng loạt các điều chỉnh lớn, Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đem đến nhiều kỳ vọng - Ảnh minh họa

Với hàng loạt điều chỉnh như đã nêu, Dự thảo Luật này được kỳ vọng khi ban hành và áp dụng sẽ tạo ra điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, đồng thời thúc đẩy ứng dụng đổi mới sáng tạo vào thực tiễn.

Đánh giá cao những đề xuất chính sách của cơ quan soạn thảo, tuy nhiên, để nâng cao chất lượng các điều khoản trong Dự thảo Luật, không ít ý kiến đề xuất, cần cân nhắc điều chỉnh một số khái niệm. Theo đó, các khái niệm nền tảng cần bao quát, phù hợp với xu hướng quốc tế và tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW, nhấn mạnh vai trò của đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Góp ý xây dựng và hoàn thiện Dự thảo, ông Phạm Thế Bình - Phó cục trưởng Cục Chuyển đổi số cơ yếu, Văn phòng Trung ương Đảng cho rằng, khái niệm đổi mới sáng tạo trong Dự thảo hiện tại thiên về công nghệ, chưa bao quát hết các khía cạnh đổi mới sáng tạo phi công nghệ, đặc biệt là vai trò của khoa học xã hội và nhân văn.

Từ đó, ông Bình đề xuất, đổi mới sáng tạo là quá trình tạo ra hoặc cải tiến sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh, quy trình quản lý, dựa trên công nghệ hoặc phi công nghệ, mang lại giá trị gia tăng và ứng dụng thực tế.

dua-thao-luat-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-5.5.2.jpg
Để Dự thảo Luật được hoàn thiện, tham gia góp ý, không ít ý kiến đề xuất, cân nhắc điều chỉnh một số khái niệm - Ảnh minh họa

Ngoài ra, vị này cũng đề xuất, điều chỉnh một số khái niệm khác để phù hợp hơn với thực tiễn, như “tổ chức khoa học, công nghệ” cần mở rộng bao gồm cả trường đại học và các trung tâm nghiên cứu.

“Việc làm rõ các khái niệm sẽ giúp Dự thảo Luật không chỉ mang tính lý thuyết mà còn có thể áp dụng hiệu quả vào thực tiễn”, ông Phạm Thế Bình nhấn mạnh.

Cùng với những nội dung đã nêu, tham gia góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, không ít ý kiến cũng đề xuất, Dự thảo Luật cần làm rõ vai trò của các chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, bao gồm doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu và các trường đại học.

Đặc biệt, cần có cơ chế mạnh mẽ để thúc đẩy hợp tác giữa các bên, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Tạo cơ chế đồng sáng tạo và đặt hàng từ doanh nghiệp đối với các nghiên cứu khoa học để đảm bảo tính thực tiễn và hiệu quả trong quá trình triển khai.

Về vấn đề tài chính, Dự thảo cần có cơ chế tài chính linh hoạt và đột phá, giúp huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả cho các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, việc xây dựng các quỹ hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo và các hoạt động nghiên cứu cần được chú trọng hơn…

Xoay quanh nội dung của Dự thảo Luật này, cho ý kiến thẩm tra mới đây, đại diện Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị, Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bám sát hơn nữa và thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW, trong đó nhấn mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, thúc đẩy kinh tế - xã hội, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển, đặc biệt là thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược, phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo.

Thực hiện đầy đủ chỉ đạo của các Đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Theo đó, các quy định phải ngắn gọn, rõ ràng, chú trọng phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội; đối với những vấn đề cụ thể còn đang trong quá trình vận động, chưa ổn định, thì chỉ quy định khung và giao Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực thi, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn.

Thể chế hóa chủ trương của Đảng về vai trò của doanh nghiệp, kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó kinh tế tư nhân là động lực hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo; tạo cơ chế đột phá để doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo và thương mại hóa kết quả nghiên cứu; thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu cơ giữa trường, Viện, doanh nghiệp và cơ quản quản lý trong hoạt động nghiên cứu và ứng dụng…

Được biết, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, tại phiên họp sáng nay 06/5, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là một trong 34 Luật dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn