Xã hội

Tiếng kêu cứu “mắc kẹt” sau cánh cửa thu ngân

Nguyễn Giang 06/05/2025 04:27

Một bé trai nguy kịch được đưa đi cấp cứu. Nhưng lời đầu tiên người thân nghe thấy không phải là tiếng gọi bác sĩ, mà là yêu cầu nộp tiền. Giữa ranh giới sống – chết, y đức đã ở đâu?

Một bé trai 4 tuổi bị tai nạn nghiêm trọng. Người thân hối hả đưa em đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định mong cứu được sự sống mong manh. Nhưng giữa lằn ranh sinh tử ấy, thứ họ nghe đầu tiên không phải là câu hỏi về tình trạng bệnh nhi, mà là yêu cầu... đóng viện phí.

Đoạn video được quay lại, lan truyền trên mạng xã hội ghi lại tiếng gào khóc hoảng loạn. Và nó đã chạm đến một câu hỏi nhức nhối mà xã hội không thể làm ngơ: tại sao thủ tục lại được ưu tiên hơn tính mạng?

tieng-keu-cuu-mac-ket-sau-canh-cua-thu-ngan-1.png
Hình ảnh bác sĩ bị người dân tố thờ ơ trong việc cấp cứu cho cháu bé. Ảnh: MXH

Bệnh viện lên tiếng phủ nhận việc trì hoãn cấp cứu, cho rằng đây chỉ là “hiểu nhầm trong giao tiếp”. Một số nhân viên bị tạm đình chỉ để điều tra, quy trình tiếp nhận bệnh nhân được yêu cầu rà soát. Nhưng những phản ứng hành chính ấy không thể xoa dịu cảm giác bức bối của dư luận. Bởi dù thế nào đi nữa, khi một người mẹ phải quay clip để kêu cứu trong bệnh viện, nơi đáng lẽ là điểm tựa cuối cùng thì dường như đã có điều gì đó không đúng tại nơi này.

Khi hóa đơn cản đường sự sống

Thực tế, câu chuyện này không phải cá biệt. Nó khơi gợi nỗi lo đã âm ỉ lâu nay: rằng một bộ phận trong hệ thống y tế công đã để thủ tục hành chính, áp lực tài chính lấn át nhiệm vụ tối thượng là cứu người. Cảm giác bị “đong đếm” bằng hóa đơn khi vừa mới vào phòng cấp cứu không phải là cảm giác của một xã hội nhân văn.

Người dân không cần một hệ thống y tế hoàn hảo, nhưng cần một niềm tin: rằng khi rơi vào hoạn nạn, họ sẽ được cứu chữa trước rồi mới tính đến giấy tờ, tiền bạc. Một bệnh viện không thể trở thành nơi mà câu đầu tiên người ta nghe được lại là: “đóng tiền chưa?”. Và càng không thể để những đứa trẻ, những sinh mạng chưa thể tự bảo vệ mình trở thành nạn nhân của sự vô cảm có hệ thống.

Dư luận phẫn nộ không chỉ vì một vụ việc, mà vì họ nhận ra ranh giới giữa “quy trình đúng” và “sai về đạo đức” đôi khi mong manh đến đáng sợ. Một lời yêu cầu tài chính thốt ra không đúng lúc có thể trở thành nhát kéo cắt ngang cơ hội sống của một con người. Bởi, trong thế giới của bác sĩ, thời gian không chỉ là vàng, mà là sự sống. Và bất kỳ giây nào trôi qua vì thủ tục đều có thể đổi bằng cái chết.

Không ai phủ nhận bệnh viện cần duy trì vận hành, cần nguồn thu. Nhưng cách hệ thống hóa vai trò “thu ngân” trong cấp cứu dù gián tiếp vẫn là điều không thể chấp nhận. Bác sĩ không thể là người vừa cầm ống nghe, vừa phải canh… biên lai viện phí. Và người bệnh không thể là khách hàng bị mặc cả ngay tại cửa sinh tử.

Một đứa trẻ không chọn được hoàn cảnh mình gặp nạn. Nhưng xã hội này có quyền chọn cách đối xử với em. Nếu chọn đúng, đó là hành động cứu người không điều kiện. Nếu chọn sai, đó là để thủ tục “lạnh lùng” hơn cả những cơn đau.

Tiếng kêu cứu hôm ấy đã không vang vọng được vào phòng cấp cứu. Nhưng nó đang vang lên trong lương tri của cả xã hội. Và nếu y đức không còn đứng ở trung tâm mỗi hành động chuyên môn, thì ngành y sẽ phải đối diện với cuộc khủng hoảng lớn hơn bất kỳ con virus nào: khủng hoảng niềm tin.

Nguyễn Giang