Nhà đầu tư Trung Quốc tăng mua, giá vàng tăng thẳng đứng
Nhu cầu mua vàng mạnh mẽ từ các nhà bán lẻ Trung Quốc đã kéo giá vàng thế giới tăng dựng đứng, qua đó, giá vàng trong nước cũng tăng mạnh theo.
Trên thị trường thế giới, thời điểm lúc 9 giờ sáng nay, giá vàng thế giới tăng thẳng đứng lên mức giá 3.383 USD/ounce, tăng 142 USD/ounce so với cùng giờ sáng qua, tương ứng với mức tăng 4,37%.

Giá vàng thế giới tăng mạnh do nhu cầu trú ẩn, đặc biệt từ nhà đầu tư Trung Quốc. Theo báo cáo phân tích của Saxo Bank, nhu cầu mua vàng mạnh mẽ từ các nhà bán lẻ Trung Quốc đang giữ cho kim loại quý này ổn định, bất chấp hoạt động bán ra từ các nhà đầu cơ phương Tây. Điều này cho thấy có thể người dân Trung Quốc đang lo ngại về sức khỏe nền kinh tế và tìm kiếm vàng như một kênh trú ẩn an toàn.
Chuyên gia Ole Hansen, nhà phân tích tại Saxo Bank cho rằng, nhu cầu mua vàng từ Trung Quốc tăng đột biến là yếu tố chính đẩy giá kim loại quý này đi lên, bất chấp mọi biến động tốt hay xấu trên thị trường tài chính toàn cầu.
Đồng quan điểm, chiến lược gia thị trường cấp cao tại Hội đồng Vàng Thế giới Joseph Cavatoni cho biết, dữ liệu sơ bộ cho thấy dòng tiền đầu tư vào các quỹ ETF vàng được niêm yết tại Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục.
“Các nhà đầu tư phương Đông đã quay trở lại. Chúng tôi đã ghi nhận dòng tiền đổ vào Trung Quốc trong tháng Tư nhiều hơn cả tại Mỹ", chuyên gia Joseph Cavatoni cho biết.
Trong khi đó, ông Tim Waterer - Trưởng bộ phận phân tích thị trường của KCM Trade, lưu ý trọng tâm của thị trường sẽ là quyết định chính sách của Fed và bài phát biểu của một số quan chức Fed trong tuần này. Nhà đầu tư chờ đợi để hiểu rõ hơn chính sách tiền tệ trong tương lai.
Phản ứng với đà tăng mạnh của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước sáng nay cũng cùng chiều, tăng lên đến 3 triệu đồng mỗi lượng.

Cụ thể, giá vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Tập đoàn DOJI và Công ty Bảo Tín Minh Châu được điều chỉnh tăng mạnh 3.000.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với giá chốt phiên giao dịch trước đó, lên mức giá 120.800.000 đồng/lượng mua vào và 122.800.000 đồng/lượng bán ra.
Cũng với mức tăng 3.000.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với giá tại thời điểm chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, nhưng tại Công ty Phú Quý SJC, giá mua vào thấp hơn các doanh nghiệp trên 1 triệu đồng/lượng. Theo đó, Phú Quý SJC niêm yết vàng miếng SJC với mức giá 119.800.000 đồng/lượng mua vào và 122.800.000 đồng/lượng bán ra.
Cùng chung với đà tăng giá mạnh của vàng miếng SJC, giá vàng nhẫn thương hiệu PNJ của Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) điều chỉnh tăng mạnh 2.500.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 2.600.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với thời điểm chốt phiên giao dịch trước đó. Hiện tại giá niêm yết của PNJ tại cả hai thị trường Hà Nội và TP HCM là 115.000.000 đồng mua vào và 118.000.000 đồng/lượng bán ra.
Tương tự, giá vàng nhẫn của Công ty SJC loại 1-5 chỉ được niêm yết với mức giá 115.500.000 đồng/lượng mua vào và 118.000.000 đồng/lượng bán ra, tăng 3.000.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với giá chốt phiên ngày hôm qua.
Tập đoàn DOJI cũng nâng giá vàng nhẫn 9999 lên thêm 3.000.000 đồng/lượng ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay, lên mức giá 115.500.000 đồng/lượng mua vào và 118.000.000 đồng/lượng bán ra.
Như vậy, với mức giá bán ra là 122,8 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng thế giới quy đổi tương đương khoảng 106 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC trong nước vẫn còn cao hơn giá vàng thế giới 16,8 triệu đồng/lượng.
Lý giải tình trạng chênh lệch giá vàng giữa thị trường trong nước và thế giới bị nới rộng trở lại trong thời gian gần đây, trong Báo cáo gửi tới Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước chỉ ra các nguyên nhân chính.
Thứ nhất, tâm lý kỳ vọng việc giá vàng thế giới tiếp tục tăng trong bối cảnh các chính sách thuế quan của Chính quyền Tổng thống Trump dự kiến tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu; lộ trình chính sách tiền tệ khó lường của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed); diễn biến địa chính trị thế giới căng thẳng; các cú sốc giá cả hàng hóa có thể phát sinh khiến nhu cầu mua vàng tăng.
Thứ hai, nguồn cung vàng miếng trên thị trường chưa được tăng thêm từ đầu năm 2025 đến nay, thị trường ngoại hối và thị trường vàng tương đối ổn định nên từ đầu năm 2025 đến nay Ngân hàng Nhà nước không phải can thiệp thị trường.
Ngoài các nguyên nhân trên, Ngân hàng Nhà nước cho rằng không loại trừ nguyên nhân có một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng tình hình biến động của thị trường để đầu cơ, thổi giá, trục lợi.