VCCI

PCI 2024: Nỗ lực không ngừng nghỉ của các địa phương

Bài: Yến Nhung - Ảnh: Kiên Giang 06/05/2025 14:01

Báo cáo PCI 2024 tiếp tục là minh chứng cho nỗ lực cải cách không ngừng nghỉ của các địa phương trên cả nước trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Lần đầu tiên kể từ khi Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được công bố tại Việt Nam, TP Hải Phòng đã vươn lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng PCI năm 2024 với 74,84 điểm. Thành quả này phản ánh nỗ lực mạnh mẽ và bền bỉ của thành phố Cảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, qua đó tạo lập hình ảnh một chính quyền năng động, đồng hành cùng doanh nghiệp.

4m8a3677(1).jpg
Báo cáo PCI 2024 tiếp tục là minh chứng cho nỗ lực cải cách không ngừng nghỉ của các địa phương trên cả nước trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Theo Báo cáo PCI 2024 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, Hải Phòng đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt trong cải cách thủ tục hành chính, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp. Trước khi vươn lên ngôi đầu, Hải Phòng đã có ba năm liên tiếp nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước, cho thấy sự ổn định và quyết tâm trong cải cách.

Xếp ở vị trí thứ hai là tỉnh Quảng Ninh với 73,20 điểm, tăng 1,95 điểm so với năm 2023. Dù giảm một bậc so với năm ngoái, Quảng Ninh vẫn duy trì sự hiện diện ấn tượng trong nhóm dẫn đầu suốt 12 năm liên tiếp kể từ 2013. Báo cáo ghi nhận Quảng Ninh tiếp tục cải thiện ở 5/10 lĩnh vực điều hành.

Đứng thứ ba là tỉnh Long An – địa phương đã ba năm liên tiếp nằm trong top 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất. Long An được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao ở tính cạnh tranh bình đẳng và sự thuận lợi trong gia nhập thị trường. Theo sau là tỉnh Bắc Giang với vị trí thứ tư. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp Bắc Giang nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu PCI, được ghi nhận bởi những nỗ lực trong hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và đào tạo lao động.

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giữ vững vị trí thứ năm, tiếp tục duy trì trong top 10 PCI từ năm 2021. Doanh nghiệp đánh giá cao chính quyền tỉnh ở các chính sách hỗ trợ thiết thực, hành chính công hiệu quả và cải thiện môi trường pháp lý.

Thành phố Huế giữ vị trí thứ sáu, nối dài chuỗi bốn năm liên tiếp nằm trong top 10 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế cao nhất. Trong năm 2024, doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận nỗ lực của chính quyền trong việc cắt giảm chi phí không chính thức, tăng cường minh bạch thông tin và đảm bảo an ninh kinh doanh.

4m8a3669.jpg
TP Hải Phòng đã vươn lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng PCI năm 2024 với 74,84 điểm

Tỉnh Hậu Giang vươn lên vị trí thứ bảy, cải thiện hai bậc so với năm 2023. Đây là dấu mốc quan trọng trong chuỗi tăng hạng liên tục kể từ năm 2017. Chính quyền Hậu Giang được đánh giá là năng động, tiên phong trong giải quyết khó khăn, đặc biệt là trong việc giảm thời gian xử lý thủ tục cho doanh nghiệp.

Tỉnh Phú Thọ đứng ở vị trí thứ tám với 70,35 điểm, tiếp tục duy trì trong top 10 trong hai năm liên tiếp. Báo cáo ghi nhận Phú Thọ đạt điểm số tốt ở các chỉ số cạnh tranh bình đẳng, đào tạo lao động và chi phí thời gian – những yếu tố quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng hoạt động.

Vị trí thứ chín thuộc về tỉnh Đồng Tháp – một địa phương được xem là hình mẫu cải cách bền bỉ trong suốt 18 năm liên tiếp nằm trong nhóm 10 địa phương có điểm số PCI cao nhất. Đồng Tháp xây dựng hình ảnh chính quyền gần dân, chủ động sáng kiến ở cấp cơ sở, nhấn mạnh vào cải cách hành chính, tiết kiệm thời gian và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

4m8a3593.jpg
Tỉnh Hưng Yên lần đầu tiên lọt vào top 10

Lần đầu tiên lọt vào top 10, tỉnh Hưng Yên xếp thứ mười. Đây là kết quả của quá trình cải thiện liên tục trong ba năm gần đây, từ vị trí thứ 14 năm 2022 lên thứ 12 năm 2023 và nay chính thức bước vào nhóm đầu. Hưng Yên được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao ở tính năng động, tiên phong trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và tháo gỡ rào cản đầu tư.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định, đây là kết quả của sự bền bỉ, kiên trì cải cách của nhiều địa phương và sự giám sát tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp. Việc Hải Phòng lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu là minh chứng cho một quá trình tăng trưởng năng động, cải cách quyết liệt và nỗ lực tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn.

Đứng trên vai trò là một người đã đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong một thời gian rất dài, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, Ủy viên Ban chấp hành VCCI, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, thành viên Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC) đánh giá cao những giá trị mà báo cáo PCI đem lại. Chỉ số này thể hiện đánh giá của doanh nghiệp về mức độ thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh tại các tỉnh, thành phố. Đây là tiếng nói rõ ràng nhất của doanh nghiệp đối với hoạt động của chính quyền Trung ương và địa phương.

Chủ tịch Tập đoàn BRG cũng cho rằng đây là báo cáo được các địa phương rất mong chờ mỗi năm, bởi nó là động lực để điều chỉnh chính sách, phát triển sáng kiến cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư. PCI không chỉ là công cụ giám sát, mà còn là nguồn dữ liệu quý giúp chính quyền đưa ra giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

“Các doanh nghiệp cũng sẽ nêu ra các kỳ vọng về môi trường kinh doanh, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi việc sáp nhập các tỉnh, thành đang được gấp rút thực hiện, đem lại những thay đổi lớn cho bức tranh kinh tế tại Việt Nam. Chính quyền các địa phương cần có biện pháp đảm bảo sự nối tiếp, chuyển giao và hỗ trợ liên tục cho doanh nghiệp, để việc sản xuất, kinh doanh không bị gián đoạn và đạt kết quả tốt nhất”, bà Nguyễn Thị Nga nhấn mạnh.

Bài: Yến Nhung - Ảnh: Kiên Giang