Nghiên cứu - Trao đổi

Khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển: Mở đường cho khát vọng vươn mình

Gia Nguyễn 08/05/2025 11:05

Với hàng loạt điểm nhấn nhằm đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật , Nghị quyết số 66-NQ/TW được ví như bước mở đường cho khát vọng vươn mình.

Ngày 30/04/2025, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư - Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”. Mục tiêu chính của Nghị quyết là tạo ra một xã hội thực sự dân chủ, bình đẳng, an toàn, minh bạch; Nhân dân thực sự làm chủ; quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước...

quoc hoi2
Nghị quyết số 66-NQ/TW khẳng định: Đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển. Ảnh minh hoạ

Nhiều đột phá chiến lược

Trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thời cơ và thách thức đan xen, Nghị quyết số 66-NQ/TW đã xác định mục tiêu rõ ràng: đến năm 2030, Việt Nam sẽ xây dựng được hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch và khả thi, gắn với cơ chế tổ chức thực hiện nghiêm minh, hiệu quả. Tầm nhìn đến năm 2045, hệ thống pháp luật nước ta đạt trình độ hiện đại, chất lượng cao, tiệm cận thông lệ quốc tế, thực sự trở thành nền tảng bảo đảm quyền con người, quyền công dân, cũng như chuẩn mực ứng xử chung của mọi chủ thể trong xã hội.

Để hiện thực hóa, Nghị quyết cũng đưa ra lộ trình cụ thể: năm 2025, cơ bản tháo gỡ các “điểm nghẽn” pháp lý đang cản trở quá trình phát triển; năm 2027, hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền 3 cấp; năm 2028, cải thiện mạnh mẽ hệ thống pháp luật về đầu tư - kinh doanh, đưa Việt Nam vào nhóm dẫn đầu ASEAN về môi trường đầu tư.

Bên cạnh đó, Nghị quyết nêu rõ 5 quan điểm chỉ đạo cốt lõi. Đồng thời, đề ra nhiều giải pháp mang tính thực thi như: chuyển đổi số toàn diện trong công tác pháp luật; tăng chi ngân sách cho hoạt động xây dựng pháp luật (tối thiểu đạt 0,5% tổng chi hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển); tạo cơ chế tài chính đặc biệt để hỗ trợ quá trình này.

Đặc biệt, một điểm nhấn xuyên suốt Nghị quyết là việc khẳng định lại nguyên tắc pháp lý tiến bộ, không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, hành chính; không dùng biện pháp hành chính để giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh tế. Đây được cho là nền tảng để xây dựng môi trường pháp lý an toàn, thân thiện với người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Ngoài ra là tư tưởng xuyên suốt “Người dân, doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm”, thể hiện bước chuyển từ tư duy kiểm soát sang tư duy phục vụ, kiến tạo và đồng hành. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vì vậy phải đổi mới tư duy, phát huy tinh thần trách nhiệm, hành động vì lợi ích chung, khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm.

Để đảm bảo triển khai đồng bộ, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật do Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Cơ cấu thực hiện được phân công cụ thể.

Bản thiết kế tái cấu trúc nền tảng thể chế

Nhìn nhận về những đột phá chiến lược của Nghị quyết số 66-NQ/TW, nhiều ý kiến cho rằng, Nghị quyết không chỉ là động lực mạnh mẽ khơi thông các điểm nghẽn về thể chế, xây dựng và thực thi pháp luật, mà còn thúc đẩy các đột phá khác có thể phát huy hiệu quả.

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá, Nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ là một định hướng về kỹ thuật lập pháp, mà là một bản thiết kế chiến lược để tái cấu trúc nền tảng thể chế quốc gia. Với sự hoàn thiện xây dựng chính sách và thực thi pháp luật, một hệ thống pháp luật hiện đại, khả thi, minh bạch sẽ là lợi thế phát triển đặc biệt quan trọng bệ phóng cho đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, văn minh và giàu mạnh.

Vị chuyên gia này cho rằng, trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hội nhập sâu rộng, vai trò kiến tạo của pháp luật càng trở nên cấp thiết.

“Khi pháp luật trở thành “đột phá của đột phá”, đó cũng là lúc Nhà nước thực sự trở thành Nhà nước pháp quyền và xã hội phải luôn kỷ cương, sáng tạo và phát triển bền vững”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Còn theo TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, đột phá về thể chế là “đột phá của đột phá”, phải đi sớm, đi trước mở đường cho phát triển. Việc hoàn thiện thể chế, đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của đất nước hiện nay và trong thời gian tới.

“Với quyết tâm rất lớn của Đảng, Chính phủ và cả những áp lực, chúng ta đang có một cơ hội chưa từng có để cải cách, hoàn thiện thể chế”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Thực tế, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc ngày 05/5 vừa qua cũng được cho là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử, thực hiện đột phá về thể chế để đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên của hiện đại hóa, số hóa, xanh hóa và phát triển bền vững.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội - Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 9 có khối lượng công việc lớn nhất với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Kỳ họp này sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược cả về chính trị và pháp lý, nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát thực tiễn.

“Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 34 Dự án Luật, 14 Dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật khác, thuộc lĩnh vực then chốt như: tổ chức bộ máy nhà nước, quốc phòng – an ninh, tư pháp, tài chính – ngân sách, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.

Đồng thời đề nghị, các vị đại biểu Quốc hội tập trung cao độ, tiếp tục phát huy trí tuệ, bản lĩnh, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới thảo luận sâu sắc, quyết định sáng suốt. Cùng với cơ quan, tổ chức có liên quan quán triệt thực hiện nghiêm Nghị định số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Gia Nguyễn