Kinh tế thế giới

Can thiệp thị trường trái phiếu Mỹ, FED đang lo ngại điều gì?

Nam Trần 08/05/2025 03:21

Đợt chào bán trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm hôm 6/5 chứng kiến sự tham gia của FED với vai trò người mua, phản ánh lo ngại của cơ quan này về triển vọng kinh tế Mỹ.

FED 1
Thông qua SOMA, FED mua vào khoảng lượng lớn trái phiếu chính phủ Mỹ vừa phát hành

Bộ Tài chính Mỹ đã hoàn tất phiên đấu giá trái phiếu kỳ hạn 10 năm với quy mô 56,83 tỷ USD, trong đó đáng chú ý là việc Cục Dự trữ Liên bang (FED) mua vào tới 26% lượng phát hành – một tỷ lệ cao bất thường, phản ánh sự can thiệp trực tiếp nhằm ổn định thị trường nợ chính phủ giữa lúc nền kinh tế Mỹ xuất hiện những dấu hiệu chững lại.

Vai trò bất ngờ của FED

Phiên đấu giá trái phiếu có kỳ hạn đến năm 2035, kết thúc với lãi suất trúng thầu cao nhất ở mức 4,342%, cao hơn mức lãi suất danh nghĩa cố định là 4,25%.

Trái phiếu được phát hành dưới mệnh giá, ở mức giá 99,2601 USD, cho thấy nhà đầu tư yêu cầu lợi suất thực tế cao hơn – một chỉ báo cho thấy họ chưa tin tưởng hoàn toàn rằng lạm phát đã được kiểm soát.

Điểm bất ngờ lớn nhất là sự hiện diện của SOMA – tài khoản thị trường mở của FED - với khối lượng mua lên đến $14.83 tỷ, tương đương 26% tổng trái phiếu được bán ra.

Đây là mức can thiệp lớn hiếm thấy trong một phiên đấu giá sơ cấp, gợi nhắc đến các giai đoạn căng thẳng tài chính trước đây khi FED buộc phải mua trái phiếu để đảm bảo thanh khoản.

Trái phiếu kho bạc là công cụ vay nợ của chính phủ Mỹ, với trái phiếu kỳ hạn 10 năm là một trong những thước đo phổ biến nhất và thường được dùng làm tham chiếu cho lãi suất dài hạn trên thị trường, từ vay thế chấp đến chi phí đi vay của doanh nghiệp.

Tổng cộng, Bộ Tài chính Mỹ nhận được lượng đặt mua lên tới 124,2 tỷ USD, cao gấp gần 3 lần khối lượng chấp nhận. Trong đó, đấu giá cạnh tranh chiếm tỷ trọng lớn (109,2 tỷ USD đặt mua), còn lại là các lệnh không cạnh tranh (147 triệu USD). Các nhà đầu tư nước ngoài, thông qua kênh FIMA, không tham gia trong phiên này.

Các nhà phân tích cho rằng, hành động này cho thấy FED đang âm thầm giảm tốc quá trình thu hẹp bảng cân đối kế toán (Quantitative Tightening) – một tín hiệu hỗ trợ ngầm giữa lúc các dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy rủi ro suy thoái bắt đầu hiện diện trở lại.

Nền kinh tế Mỹ bắt đầu chịu tác động tiêu cực trước chính sách thuế quan của ông Trump (Ảnh: Getty Images)
Phản ứng mềm của FED được cho là nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế Mỹ đang bắt đầu chịu tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan của ông Trump (Ảnh: Getty Images)

Tăng trưởng giảm, lạm phát "cứng đầu"

Theo báo cáo của BEA tuần trước, GDP của Mỹ quý I/2025 đã giảm 0,3%, đánh dấu lần suy giảm đầu tiên sau 3 năm. Tỷ lệ thất nghiệp giữ ở mức 4,2%, nhưng số người thất nghiệp dài hạn tăng mạnh. Trong khi đó, chỉ số PCE – thước đo lạm phát ưa thích của FED – vẫn đang neo cao ở 2,6%, vẫn còn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2%.

Trong bối cảnh đó, FED không thể nhanh chóng hạ lãi suất điều hành, nhưng cũng không thể để lãi suất dài hạn tăng quá mức – bởi điều đó sẽ đẩy chi phí vay mượn của chính phủ và doanh nghiệp lên cao, kìm hãm tăng trưởng.

Việc FED mua một phần lớn trái phiếu mới phát hành có thể là cách để "neo" lại lợi suất dài hạn, duy trì sự kiểm soát trong thời điểm bất định. Không có tuyên bố chính thức nào đi kèm từ phía FED, nhưng động thái này cho thấy một sự chuyển hướng mềm dẻo hơn về chính sách tiền tệ – mà không cần phải phát tín hiệu rõ ràng qua công cụ lãi suất.

Thông thường, FED không trực tiếp mua trái phiếu trong các phiên đấu giá sơ cấp. Động thái hiếm gặp này thường chỉ xảy ra trong các thời kỳ biến động lớn như đại dịch hay khủng hoảng tài chính. Những đợt mua vào lớn nhất gần đây của FED là khi xảy ra khủng hoảng tài chính 2008 (kéo dài từ 2008 tới 2014) hay đại dịch Covid-19.

Nam Trần