Chuyên đề

Ngân hàng dẫn đầu các lĩnh vực hưởng lợi nhất từ động lực tiêu dùng

L.Mỹ 07/05/2025 14:00

Việc tái cấu trúc bộ máy hành chính và hướng tới một hệ thống quản lý tinh gọn sẽ có tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam, đồng thời ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư của quỹ.

Nhận nhận định về cuộc "Đổi mới 2.0 mở ra kỷ nguyên phát triển mới cho Việt Nam", ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường chứng khoán VinaCapital cho biết, sau gần 40 năm kể từ khi Chính phủ Việt Nam thực hiện cải cách kinh tế Đổi mới năm 1986 hay còn gọi là Đổi mới 1.0, Việt Nam đã đạt được những điều kiện chín muồi để thực hiện cuộc "Đổi mới 2.0" với mục tiêu thúc đẩy đất nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.

Hiệp hội Ngân hàng đề nghị Bộ Tài chính, Cục Thuế sớm có văn bản hướng dẫn rõ các NHTM xử lý trong trường hợp lệnh chuyển tiền/nội dung thanh toán không có website; cung cấp các thông tin để NHTM xác định đúng đối tượng khấu trừ. Ảnh minh hoạ
Ngành ngân hàng vốn có sự gắn kết chặt chẽ với mọi hoạt động kinh tế và được đánh giá là hưởng lợi nhiều nhất. (Ảnh minh hoạ)

Kế hoạch tái cơ cấu và tinh gọn bộ máy chính quyền đã hoàn thành sắp xếp các bộ, ngành ở cấp trung ương với việc giảm số lượng bộ và cơ quan ngang bộ từ 22 xuống 17, sẽ giảm số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh/thành phố từ 63 xuống còn 34 và tổ chức chính quyền địa phương từ 3 cấp thành 2 cấp tỉnh/thành phố - xã/phường.

Mục tiêu của kế hoạch cải cách toàn diện này nhằm trao nhiều quyền tự chủ hơn cho các lãnh đạo cấp địa phương và giảm bớt thủ tục hành chính, bao gồm quá trình phê duyệt các dự án đầu tư công hay bất động sản. Do vậy, các công ty tham gia vào các ngành này có thể sẽ được hưởng lợi trực tiếp, chuyên gia nhận định.

Việc mở rộng các chính sách đặc thù đã được thí điểm ở một số địa phương lên phạm vi toàn quốc và tham khảo mô hình cho phép các lãnh đạo địa phương có thể điều chỉnh chính sách để phù hợp với khu vực họ đang quản lý.

Kế hoạch tinh gọn bộ máy đang được đẩy mạnh vì nhiều lý do. Đầu tiên, là cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc cải cách thúc đẩy tăng trưởng cũng như niềm tin của các nhà hoạch định chính sách cho rằng thập kỷ tới là cơ hội vàng để Việt Nam đạt được mức tăng trưởng GDP nhanh chóng. Sau giai đoạn này, các thách thức về nhân khẩu học.

Kế đến, những nỗ lực đồng bộ cùng với sự tập trung mạnh mẽ của Chính phủ vào định hướng phát triển kinh tế dựa trên công nghệ có thể xem là một phần trong chiến lược giúp Việt Nam tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Một yếu tố quan trọng giúp Việt Nam triển khai kế hoạch này thành công là nhờ quá trình chuyển đổi số và xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia, từ đó tạo điều kiện sắp xếp và tinh gọn bộ máy nhưng không gây gián đoạn dịch vụ công - điều từng xảy ra ở Hy Lạp vào năm 2010 khi nước ngày cũng thực hiện tái cấu trúc hành chính nhưng không thành công, theo VinaCapital.

Việc sắp xếp lại bộ máy nhà nước được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh quá trình phê duyệt các dự án phát triển hạ tầng và bất động sản. Việc tập trung quyền lực vào ít đầu mối hơn sẽ giúp quá trình ra quyết định và xử lý nhanh chóng hơn, còn việc tái cấu trúc mạnh mẽ chính quyền địa phương sẽ thúc đẩy sự cấp bách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc hiệu quả hơn.

Ngoài ra, có nhiều kỳ vọng rằng việc đẩy nhanh phát triển hạ tầng sẽ thúc đẩy mô hình đô thị Phát triển theo định hướng giao thông tại Việt Nam tương tự như Nhật Bản đã làm trong giai đoạn 1960-1970. TP.HCM dự kiến sẽ mở rộng diện tích bao gồm các việc sáp nhập các tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu và việc sáp nhập sẽ tăng cường khả năng phối hợp phát triển hạ tầng giữa các khu vực hiện thuộc quản lý của các đơn vị hành chính khác nhau.

Cụ thể, TP.HCM từ quy mô dân số khoảng 9 triệu người và diện tích 2.300 km2 sẽ mở rộng lên khoảng 13 triệu người và diện tích 6.800km2. Điều này sẽ thúc đẩy phát triển đô thị định hướng giao thông tại các khu vực ngoại thành và từ đó sẽ đẩy giá đất ở những khu vực này tăng cao hơn.

"Việc tái cấu trúc bộ máy hành chính và hướng tới một hệ thống quản lý tinh gọn sẽ có tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam, đồng thời ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư của quỹ", ông Michael Kokalari nhấn mạnh.

Dinh gia CP NH
Định giá cổ phiếu ngân hàng của VinaCapital

Trong bối cảnh Việt Nam tập trung vào các động lực tăng trưởng nội địa giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, VinaCapital đang chọn lọc mở rộng cơ hội đầu tư vào những lĩnh vực được kỳ vọng hưởng lợi lớn như hạ tầng, bất động sản, vật liệu xây dựng, logistics, năng lượng và ngân hàng. Ngành ngân hàng vốn có sự gắn kết chặt chẽ với mọi hoạt động kinh tế và được đánh giá là hưởng lợi nhiều nhất.

Ngoài ra, đầu tư hạ tầng mạnh được cho là sẽ giúp củng cố niềm tin tiêu dùng và kích thích người dân mua sắm, qua đó hỗ trợ tăng trưởng GDP trong bối cảnh xuất khẩu sang Mỹ dự kiến sẽ giảm tốc trong năm nay.

VinaCapital cho biết Cty quản lý quỹ đang thực hiện các dự án thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, bao gồm hợp tác với các đối tác chiến lược để xây dựng các trung tâm dữ liệu. "Với nguồn nhân lực chất lượng cao, Việt Nam đang nổi lên như một nhân tố quan trọng trong lĩnh vực AI toàn cầu", VinaCapital nhận định.

L.Mỹ