Du lịch

Quảng Nam nỗ lực cân đối mật độ khách du lịch

Tuấn Vỹ 08/05/2025 03:26

Sắp đến mùa cao điểm của du lịch, Quảng Nam đang tập trung thực hiện các giải pháp để thu hút lượng lớn du khách đến địa phương, cân bằng các điểm đến.

Theo thông tin công bố từ Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam, trong dịp lễ 30/4 - 1/5 vừa qua lượng khách tham quan và lưu trú du lịch ước đạt 282 nghìn lượt (tăng 21% so với cùng kỳ năm 2024). Trong đó, khách quốc tế ước đạt 143 nghìn lượt, khách nội địa ước đạt 139 nghìn lượt.

Chênh lệch lớn giữa các vùng

Qua số liệu so sánh, lượng khách nội địa đến Quảng Nam trong dịp nghỉ lễ vừa qua tăng 40% so với cùng kỳ năm 2024, được xem là tín hiệu tích cực với địa phương sau hàng loạt ưu đãi, chính sách kích cầu,... Theo thống kê, trong dịp lễ vừa qua bình quân mỗi ngày Quảng Nam đón hơn 30 nghìn lượt khách nội địa tham quan, lưu trú.

6e2b75c07e3acc64952b.jpg
Các điểm đến quen thuộc tại Quảng Nam như phố cổ Hội An luôn thu hút được lượng lớn khách du lịch.

Phần lớn, lượng khách du lịch tập trung ở các điểm đến quen thuộc như phố cổ Hội An, biển An Bàng, Cù Lao Chàm (TP Hội An), Vinwonders Nam Hội An (Thăng Bình), Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang (Đông Giang),... Các doanh nghiệp đánh giá rằng việc khách nội địa tăng vọt xuất phát từ nguyên nhân ngành du lịch Quảng Nam đã tích cực quảng bá, xúc tiến điểm đến, sản phẩm đặc trưng ở nhiều sự kiện mới đây. Cùng với đó, chương trình kích cầu giai đoạn 1 “Quảng Nam - cảm xúc mùa hè” được kích hoạt sớm hơn mọi năm và nhiều ưu đãi hơn cũng góp phần thu hút sự quan tâm của du khách.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn quan ngại rằng để thực sự khai thác thị trường khách này hiệu quả, bền vững là vấn đề cần có giải pháp riêng biệt. Bởi lẽ, hiện nay Quảng Nam đang đối mặt với hiện trạng mất cân đối mật độ khách, thể hiện rõ ở hay vùng là Đông và Tây.

Cụ thể, lượng khách phần lớn tập trung về về không gian phân bổ chính như khu phố cổ Hội An, một số bãi biển và khu vui chơi, giải trí. Còn lại, các khu vực xa hơn về phía Nam như Núi Thành, hoặc phía Tây như Cổng trời Đông Giang thì ngày thường khá thưa thớt.

Ngay cả Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cũng đã từng thừa nhận về vấn đề này. Ông Hồng cho rằng du lịch Quảng Nam đã phát huy thế mạnh du lịch biển, du lịch di sản ở vùng Đông mà chưa phát triển mạnh du lịch phía Tây, chưa phát huy hết các giá trị văn hóa bản địa cùng vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

“Vì vậy, ông Hồng cho rằng Quảng Nam cần thêm các giải pháp phát triển sản phẩm, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, trong đó có các thị trường quan trọng như Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc, Đông Nam Á và châu Âu… Bên cạnh đó, địa phương cũng muốn tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các điểm du lịch trong tỉnh, giữa các đối tác trong nước và quốc tế trong ngành du lịch,...”, ông Nguyễn Thanh Hồng nói.

Tận dụng mùa cao điểm

Để gia tăng lợi thế trong chương trình kích cầu du lịch nội địa, thời gian qua ngành du lịch Quảng Nam đã thực hiện quảng bá tại nhiều địa phương lớn như Hà Nội, TP HCM, Huế, Ninh Thuận,... Từ sự phối hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp, cùng với hàng loạt ưu đãi mang theo kỳ vọng địa phương sẽ đón được lượng lớn du khách trong thời gian tới.

a7f6d599848335dd6c92.jpg
Cân đối mật độ du khách tại các điểm đến sẽ giúp ngành du lịch Quảng Nam phát triển bền vững.

Theo các doanh nghiệp, mùa cao điểm của du lịch sắp đến nên công tác xúc tiến, quảng bá cần được chú trọng nhiều hơn. Có thể thị trường nội địa không phải là thị trường chủ lực truyền thống nhưng ngành du lịch Quảng Nam, tuy nhiên công tác mở rộng thu hút khách nội địa vẫn cần được chú trọng triển khai. Đặc biệt, các điểm đến “vệ tinh” của phố cổ Hội An cần có thêm các ưu đãi đặc biệt, riêng có để du khách lựa chọn trải nghiệm, lưu trú.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Sơn Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Duy Nhất Đông Dương nhìn nhận sở thích của của khách nội địa cơ bản là thích trải nghiệm sôi động, có nơi “check-in” đẹp, thưởng thức ẩm thực hấp dẫn,... Vì vậy các địa phương, doanh nghiệp cần chú trọng phát triển sản phẩm phù hợp. Với các điểm đến ở xa hơn, lấy ví dụ từ doanh nghiệp của mình ông Thủy cho rằng cần chủ động vào nhóm thị trường khách nhất định.

“Nếu như ở các vùng cao, doanh nghiệp có thể tập trung vào nhóm khách thích trải nghiệm, khám phá. Từ đó đưa ra chiến lược quảng bá, thu hút khách du lịch có hiệu quả”, ông Thủy nói.

Để thúc đẩy ngành du lịch phát triển, vừa qua UBND tỉnh Quảng Nam có công văn giao các sở, ban ngành, địa phương về việc xây dựng kế hoạch hành động cho lĩnh vực này nhằm bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 con số. Cụ thể, tỉnh Quảng Nam đã giao Sở VH-TT&DL chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch hành động cụ thể của tỉnh để thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Công điện số 34 ngày 10/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, các đơn vị liên quan phải theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác quản lý nhà nước toàn diện về du lịch, quản lý điểm đến du lịch trên địa bàn. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền ứng xử văn minh du lịch tại các khu, điểm du lịch, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, niêm yết giá và bán đúng giá, chống đeo bám, lừa đảo du khách,...

Tuấn Vỹ