Thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia, thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW
Diễn đàn Phát triển xung lực mới cho quốc gia & Lễ ra mắt liên minh nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW diễn ra tại Hà Nội, ngày 7/5/2025.
Đây là sự kiện quan trọng, góp phần phát triển nguồn nhân lực đảm bảo thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW, do Tập đoàn FPT phối hợp các bộ ban ngành, đơn vị tổ chức.
Nhân lực là nòng cốt cho sự phát triển quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình
Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT chia sẻ một thông điệp mạnh mẽ từ Nghị quyết 68-NQ/TW của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Doanh nhân là chiến sĩ trên mặt trận kinh tế”. Tuy nhiên, theo ông Bình, cuộc chiến ngày nay không còn là chiến tranh bằng vũ khí quân sự như quá khứ, mà là cuộc chiến về tri thức, công nghệ và đặc biệt là nhân lực AI.

Ông Trương Gia Bình nhấn mạnh, nếu thời 1945, Việt Nam cần bình dân học vụ để mọi người dân biết đọc, biết viết, thì ngày nay mỗi người đều cần biết sử dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo để có thể bắt kịp sự phát triển của thế giới. Mỗi học sinh, sinh viên Việt Nam hôm nay cần trang bị kiến thức về công nghệ, kỹ năng về AI, và khả năng làm việc cùng chuyên gia quốc tế.
“Đảng đã chỉ ra ‘bộ tứ chiến lược’ như Thủ tướng đã nói: Chúng ta phải tạo ra những thế hệ trẻ có kiến thức, kỹ năng về trí tuệ nhân tạo, phát huy sức mạnh toàn dân - như từng làm trong kháng chiến. Từ trung ương đến địa phương, từ chính quyền đến giới trẻ - tất cả cần cùng nhau đổi mới, dấn thân vì sự phát triển của dân tộc. Thế hệ trẻ, với kỹ năng công nghệ và tư duy sáng tạo, sẽ là lực lượng quyết định giúp Việt Nam vượt qua các thách thức và gia nhập cộng đồng quốc tế”. - Ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.
Cảnh báo về sự tụt hậu trong chuỗi giá trị toàn cầu, ông Bình nói: “Nếu không đào tạo được nhân lực AI, chúng ta sẽ đứng ngoài cuộc chơi công nghệ, còn nếu dẫn đầu trong đào tạo AI, Việt Nam sẽ vươn lên trở thành lực lượng lao động toàn cầu trong lĩnh vực này.”
Cuối cùng, ông Trương Gia Bình kêu gọi: “Từ lời Bác Hồ dạy Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải “dạy lịch sử dân tộc” cho người lính, thanh niên hôm nay cũng cần được hun đúc tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc và lòng tin vào tương lai Việt Nam tiên tiến. Hãy cùng nhau sáng tạo và đào tạo ra những thế hệ nhân lực AI mới. Khi thế giới lo lắng AI sẽ cướp đi việc làm, thì Việt Nam sẽ vươn lên, trở thành trung tâm nhân lực công nghệ toàn cầu.”
Hiến kế phát triển nhân lực cho quốc gia

Tại buổi tọa đàm, TS. Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, nhấn mạnh rằng trong bối cảnh sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ, giáo dục cần phải đổi mới sâu sắc. Việc "xâm nhập" mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo vào các lĩnh vực sẽ thay đổi không chỉ cách học mà còn cả mục tiêu và nội dung của chương trình đào tạo. Điều này đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải cải tổ để cung cấp cho thế hệ trẻ các kỹ năng cần thiết, đáp ứng được yêu cầu của thời đại.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, Giám đốc Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) chia sẻ yếu tố con người là chìa khóa để kết nối hiệu quả giữa các doanh nghiệp và nền kinh tế quốc gia.
Cũng trong khuôn khổ tọa đàm, các diễn giả cùng đồng thuận cần chân dung nhân lực mới - có thể gọi là “Kỹ sư 57”. TS. Lê Trường Tùng cho rằng các kỹ sư này cần không chỉ có kiến thức công nghệ mà còn phải có kỹ năng thực tiễn để tham gia vào công cuộc chuyển đổi số. Trường Đại học FPT đã triển khai một chương trình đào tạo mới, thiết kế dành riêng cho các sinh viên năm cuối và năm đầu để chuẩn bị họ cho các dự án thực tiễn.
Ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc FPT cho rằng Nghị quyết 57-NQ/TW là một cuộc cách mạng mở ra cơ hội phát triển nhân lực khoa học – công nghệ từ sớm. FPT đưa những bài toán lớn của doanh nghiệp và quốc gia vào trường học, giúp học sinh định hình vai trò tương lai như kỹ sư, nhà khoa học, nhà quản trị KHCN.
Đây là nền tảng căn bản để nuôi dưỡng lực lượng nhân sự chiến lược cho nền kinh tế tri thức. FPT cũng kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ tham gia Liên minh Nhân lực Chiến lược để mở rộng sức mạnh triển khai. Mục tiêu đến 2045, Việt Nam sẽ có đội ngũ nhà quản trị và nhà khoa học tầm cỡ thế giới, góp phần xây dựng quốc gia phát triển dựa trên khoa học và công nghệ.

Tọa đàm đã mở ra những hướng đi rõ ràng cho việc thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam. Những thách thức vẫn còn rất lớn, nhưng với sự quyết tâm và hợp tác của các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và chính phủ, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng một đội ngũ nhân lực mạnh mẽ, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ xây dựng quốc gia trong thời đại số.
Ký kết liên minh nhân lực Chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW
Với mục đích góp phần xây dựng và phát triển một thế hệ nhân sự có năng lực chuyên môn tốt, am hiểu công nghệ, được trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết, sẵn sàng tham gia triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW, các học viện, đại học đã ký kết thành lập và ra mắt Liên minh nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW.
Đại diện 5 học viện, đại học và trường đại học hàng đầu đã tham gia ký kết gồm: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Học viện Kỹ thuật mật mã; Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học FPT. Liên minh có sự tham gia của các bên với những ưu điểm khác nhau sẽ là một cú hích lớn, góp phần tạo động lực cho quốc gia tiến bước vững chắc và bền vững.

Liên minh này sẽ góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, chuyên gia chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, công cuộc chuyển đổi số quốc gia và hội nhập quốc tế; Thúc đẩy các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hành chính công, lãnh đạo và quản lý nhà nước phù hợp với bối cảnh mới. Từ đó, Liên minh góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác đào tạo, quản trị và hoạch định chính sách.
Bên cạnh đó, Trường Đại học FPT công bố chương trình đào tạo lực lượng dự bị chiến lược gồm 8 khối kiến thức bổ sung, cần thiết cho sinh viên trong bối cảnh mới như: Quản lý nhà nước và hành chính công; Quản trị dữ liệu & an toàn thông tin; Quản lý dự án & quản trị đổi mới; Giáo dục & phát triển nhân lực số…

Chương trình học này giúp sinh viên công nghệ thông tin giỏi chuyên môn, có tư duy quản trị dựa trên dữ liệu, vừa có khả năng tổ chức và thực thi chuyển đổi số, vừa có kiến thức nền tảng về hành chính công, quản trị công… - Những phẩm chất cần thiết để một kỹ sư 57 cần có để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của đất nước trong bối cảnh mới để hội nhập phát triển. Họ có thể tham gia hỗ trợ các cơ quan nhà nước, bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW cũng như các nghị quyết khác. Đây là lực lượng tinh nhuệ, sẵn sàng đồng hành cùng lực lượng chủ lực để “tác chiến” trên mặt trận chuyển đổi số ở quy mô quốc gia.
Diễn đàn phát triển nguồn nhân lực - xung lực mới thực thi Nghị quyết 57/NQ-TW thể hiện sự cam kết mạnh mẽ từ đại diện các thành phần, lực lượng trong xã hội để thúc đẩy chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên số mạnh mẽ và bền vững.