Thái Bình: Cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư
Tỉnh Thái Bình triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Từ cải thiện chỉ số PCI
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024. Thái Bình đã xuất sắc vươn lên thuộc nhóm 30 tỉnh, thành phố có chỉ số PCI cao nhất cả nước với số điểm 67,87.
.jpg)
Đây là năm thứ hai trong 3 năm gần đây (2022-2024),Thái Bình góp mặt trong nhóm 30 địa phương dẫn đầu. Nhiều chỉ số thành phần PCI của tỉnh năm 2024 ghi nhận sự chuyển biến tích cực so với năm 2023. Trong đó, chỉ số tiếp cận đất đai tăng từ 7,19 lên 7,45 điểm. Tính minh bạch (CSTP 3) tăng từ 5,95 lên 6,74 điểm. Chi phí không chính thức (CSTP 5) tăng từ 5,01 lên 6,37 điểm. Chỉ số cạnh tranh bình đẳng (CSTP 6) tăng từ 7,41 lên 7,45 điểm. Tính năng động của chính quyền tỉnh (CSTP 7) tăng từ 7,38 lên 7,39 điểm. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (CSTP 8) tăng từ 5,26 lên 5,65 điểm; đào tạo lao động (CSTP 9) tăng từ 5,56 lên 6,49 điểm.
Kết quả này đã cho thấy những nỗ lực mạnh mẽ và quyết liệt tỉnh Thái Bình trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, địa phương này đã chú trọng tăng cường gặp gỡ, đối thoại, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tập trung quyết liệt thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng Khu kinh tế và các khu, cụm công nghiệp để đẩy mạnh thu hút đầu tư; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ nhằm xây dựng “Chính quyền kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp”.
Đánh giá về môi trường đầu tư tại tỉnh Thái Bình, ông Lawrence Chan - Đại diện Sembcorp Urban, đại diện cổ đông Singapore tại VSIP cho biết, với vị trí chiến lược tại vùng Đồng bằng sông Hồng, cùng với sự cam kết mạnh mẽ của chính quyền tỉnh Thái Bình trong việc thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp bền vững và sự hỗ trợ từ Trung ương, Thái Bình ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Còn theo ông Kim Inkyu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hitejinro, tỉnh nh Thái Bình là địa phương đầu tiên Tập đoàn Hitejinro lựa chọn đặt dây truyền sản xuất rượu Soju. Trong quá trình hoàn thiện các thủ tục đầu tư, phía Tập đoàn đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện từ chính quyền tỉnh Thái Bình, góp phần để dự án được khởi công đúng với thời gian, kế hoạch đã đề ra.
Theo đại diện Ban Quản lý KKT Thái Bình cho biết, một số ưu đãi như miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản; miễn toàn bộ thời gian thuê đất với dự án ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư; các nhóm đối tượng khác được miễn 13 - 17 năm tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp trong suốt thời gian hoạt động của dự án;… Tỉnh cũng áp dụng ngay chính sách ưu đãi từ khi các nhà đầu tư lập dự án. Các dự án có quy mô lớn sẽ được hỗ trợ 100% thủ tục giấy phép chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký DN.
Với các thủ tục để khởi công dự án (quy hoạch chi tiết, báo cáo nghiên cứu khả thi, PCCC, báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép xây dựng), cơ quan thẩm quyền sẽ đồng hành, hướng dẫn thực hiện, giúp doanh nghiệp kết nối các Bộ, ngành liên quan để rút ngắn thời gian thực hiện.
Với các nhà đầu tư trọng điểm, tỉnh Thải Bình chỉ đạo lập tổ công tác riêng để hỗ trợ trong suốt quá trình thực hiện dự án. Với các đơn vị đã và đang hoạt động, luôn được thường xuyên quan tâm, có cán bộ nắm bắt theo dõi tình hình để tháo gỡ khó khăn kịp thời, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh.
...đến đẩy mạnh thu hút đầu tư
Với việc nằm trong tốp các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt chính là cơ sở quan trọng để Thái Bình tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
.jpg)
Ông Nguyễn Hồng Đại, TGĐ VSIP Thái Bình cho biết, những năm qua Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư về đầu tư hoặc mở rộng dự án tại tỉnh. Dự án, KCN VSIP Thái Bình được xây dựng theo mô hình KCN hiện đại, với tiêu chí “xanh, bền vững”, đồng bộ về giao thông, điện, nước, xử lý nước thải và viễn thông.
“Chúng tôi đánh giá cao các cơ chế, chính sách ưu đãi của Thái Bình. Với vị trí đắc địa thuận lợi về giao thông đường bộ cũng như cảng biển, thời gian trung chuyển hàng hoá đến các tỉnh, thành lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh được được rút ngắn. Cụ thể, đến cảng nước sâu Lạch Huyện (Hải Phòng) khoảng 50km; sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) khoảng 35km; sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) khoảng 140km; cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 230km. Bên cạnh đó, hạ tầng cấp điện, nước, thông tin liên lạc được quy hoạch, xây dựng đồng bộ. Đặc biệt, tỉnh có nguồn nhân lực lao động dồi dào, dân số Thái Bình khoảng 2 triệu người, trong đó số người trong độ tuổi lao động khoảng 1,2 triệu người”, ông Đại nói.
Năm 2025, tỉnh Thái Bình phấn đấu thu hút vốn đầu tư đạt trên 50.000 tỷ đồng. Trong đó, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng trưởng GRDP đạt từ 10,5% trở lên, trọng tâm là công nghiệp với mục tiêu tăng trưởng 19,8%. Phấn đấu đến năm 2030, Thái Bình là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng; có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng để Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Đến năm 2050, Thái Bình là tỉnh phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được đảm bảo...
Hiện địa phương này ban hành nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và năng lượng tái tạo. Đồng thời, để cởi những “nút thắt” đang “buộc chân” doanh nghiệp, người đứng đầu UBND tỉnh Thái Bình cũng chỉ đạo thành lập đầu mối tiếp nhận và xử lý kiến nghị từ doanh nghiệp, định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả về UBND tỉnh. Những vấn đề chưa thể giải quyết ngay sẽ được tổng hợp, báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Phương châm của chúng tôi là “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”. Bất kỳ vướng mắc nào doanh nghiệp nêu ra đều sẽ được xem xét, xử lý công khai, minh bạch và đúng thời hạn.