TP HCM hỗ trợ chủ nhà trọ được vay ưu đãi
TP HCM hỗ trợ chủ nhà trọ vay ưu đãi lãi suất bằng 50% nếu cam kết cải tạo hạ tầng, nâng cấp phòng đạt chuẩn an toàn, phòng cháy chữa cháy và diện tích tối thiểu.
TP HCM vừa phê duyệt đề án hỗ trợ nhà trọ cho thuê cải tạo đạt chuẩn an toàn.

Chủ trọ được vay ưu đãi nếu cam kết nâng cấp
Theo đề án “Quản lý, hỗ trợ nhà ở riêng lẻ hiện cho thuê để ở trên địa bàn TP HCM” vừa được UBND thành phố phê duyệt, các hộ kinh doanh phòng trọ sẽ được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi bằng 50% mức thông thường, khoảng 3,17%/năm nếu tính theo lãi suất trung bình hiện nay là 6,34%/năm. Điều kiện đi kèm là các chủ trọ phải cam kết cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang bị đầy đủ thiết bị phòng cháy chữa cháy và đáp ứng các quy định an toàn theo tiêu chuẩn thành phố.
Cụ thể, nhà trọ đạt chuẩn phải bảo đảm ba tiêu chí chính: hẻm tiếp cận có chiều rộng tối thiểu 2,5m hoặc khoảng cách từ nhà đến nơi có thể tiếp cận bằng xe cứu hỏa là 150–300m; mỗi phòng có lối thoát nạn và thiết bị PCCC cơ bản; diện tích sử dụng tối thiểu 4m²/người.
TP HCM cũng dự kiến phát triển ứng dụng SafeInn – một nền tảng do chính quyền quản lý, kết nối người thuê nhà với các nhà trọ đạt chuẩn an toàn, tích hợp dữ liệu đăng ký kinh doanh phòng trọ và cập nhật kiểm định phòng cháy.
Tuy nhiên, số liệu khảo sát năm 2024 cho thấy trong khoảng 629.000 phòng trọ tại TP HCM, có đến 74.000 phòng chưa đáp ứng tiêu chuẩn diện tích tối thiểu. Những điểm nóng về phòng trọ dưới chuẩn tập trung tại quận 7, 12, Tân Phú, Bình Tân và TP Thủ Đức. Nếu không cải tạo, các phòng trọ này sẽ buộc phải dừng kinh doanh trong thời gian tới.
Song song với các chính sách hỗ trợ, trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) tiếp tục kiến nghị Bộ Xây dựng trình Thủ tướng xem xét sửa đổi Nghị định 100, công nhận nhà trọ cho thuê dài hạn (theo tháng, theo năm) là một loại nhà ở xã hội.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, loại hình này đã tồn tại hơn 30 năm và hiện đáp ứng chỗ ở cho khoảng 1,4 triệu người, chủ yếu là công nhân, lao động tự do, sinh viên, người nhập cư – nhóm dân cư thuộc diện cần chính sách hỗ trợ nhà ở. Số liệu của HoREA cho thấy, TP HCM có khoảng 60.470 cá nhân kinh doanh phòng trọ dài hạn, với tổng cộng 560.000 phòng. Trong đó, có 34.800 khu trọ tập trung và gần 203.000 phòng cho thuê trong căn hộ cá nhân.
Hiện các chủ trọ vẫn phải đóng mức thuế khoán 7% doanh thu (gồm 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân), tương đương với loại hình khách sạn mini, vốn kinh doanh ngắn hạn và có doanh thu cao hơn. HoREA cho rằng đây là cách áp thuế thiếu công bằng, cần được điều chỉnh nếu nhà trọ được công nhận là nhà ở xã hội.
Kỳ vọng từ chính sách bản lề
Những kiến nghị và chính sách mới từ TP HCM được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ những nút thắt lớn trong chiến lược phát triển nhà ở xã hội.
Theo HoREA, từ năm 2020 đến nay, phân khúc cao cấp chiếm áp đảo nguồn cung, trong khi nhà ở thương mại vừa túi tiền và nhà ở xã hội gần như vắng bóng trên thị trường. Điều này đẩy giá nhà liên tục leo thang, khiến người thu nhập trung bình ngày càng xa rời giấc mơ an cư.

TP HCM được xem là đô thị đặc biệt, nơi tập trung hàng triệu lao động nhập cư và người có thu nhập thấp. Do đó, nếu chính sách tín dụng ưu đãi cho chủ nhà trọ được triển khai hiệu quả, cùng với việc luật hóa công nhận nhà trọ dài hạn là một hình thức nhà ở xã hội, đây có thể trở thành “cú hích” đáng kể để giải quyết bài toán nhà ở đô thị.
Dự báo năm 2025, theo HoREA, vẫn là năm nhiều khó khăn nhưng cũng là "bản lề" để thị trường bất động sản chuyển hướng sang giai đoạn phát triển bền vững, cân bằng hơn từ năm 2026 trở đi.
Trong bức tranh đó, việc thừa nhận vai trò của nhà trọ từ một loại hình bị xem là tạm bợ, nay trở thành một cấu phần chính thức trong hệ thống nhà ở xã hội có thể là một bước ngoặt mang tính chiến lược.