Chống hàng giả

Thái Bình: Quyết liệt xử lý các hành vi kinh doanh hàng giả

Lê Cường 09/05/2025 00:05

Thời gian qua, tỉnh Thái Bình đã chủ động kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa hàng giả, hàng kém chất lượng.

Tăng cường kiểm tra

Nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng đối với mặt hàng thuốc, thực phẩm, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thái Bình đã tổ chức các đoàn kiểm tra các tổ chức, hộ kinh doanh sản xuất, kinh doanh thuốc và thực phẩm trên địa bàn.

1(3).jpg
Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra các tổ chức, hộ kinh doanh sản xuất, kinh doanh thuốc và thực phẩm trên địa bàn tỉnh (Ảnh minh họa)

Cụ thể: Thời gian thực hiện từ ngày 1/5 đến ngày 30/6/2025, kiểm tra tập trung vào việc các tổ chức, hộ kinh doanh sản xuất, kinh doanh thuốc và thực phẩm trên địa bàn tỉnh chấp hành các quy định của pháp luật theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh (nếu có). Cùng với đó kiểm tra về việc thực hiện quy định liên quan đến nhãn hàng hóa, nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa cũng như quy định về niêm yết giá hàng hóa. Trường hợp tổ chức, hộ kinh doanh thuốc tân dược có bán thêm sữa, thực phẩm chức năng thì kiểm tra thêm mặt hàng sữa và thực phẩm chức năng.

Trước đó, từ ngày 22 - 24/4, đoàn kiểm tra của ngành y tế Thái Bình đã tiến hành kiểm tra tại 13 cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, các nhà thuốc đều cung cấp được hồ sơ pháp lý đầy đủ; chưa phát hiện thuốc quá hạn, thuốc đình chỉ lưu hành, thuốc bị đề nghị thu hồi theo văn bản của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế).

Cùng với hoạt động kiểm tra, nhằm tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, Sở Y tế tỉnh Thái Bình cũng có văn bản chỉ đạo các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn thường xuyên cập nhật các văn bản về quản lý chất lượng thuốc, xử lý thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm vi phạm thông qua mạng văn phòng Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: Khu vực biên giới biển Thái Bình có diện tích rộng, trên địa bàn hiện có 112 doanh nghiệp với 171 phương tiện vận tải biển, chủ yếu hoạt động và neo đậu ở ngoài tỉnh. Nhận diện rõ nguy cơ nạn buôn lậu, gian lận thương mại phát sinh, thực hiện Kế hoạch số 92/KH- BCĐ389, ngày 13/9/2022 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển, địa bàn nội địa và sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh, 2 năm qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tập trung quán triệt, chỉ đạo, huy động lực lượng thực hiện đồng bộ các giải pháp.

3.jpg
Thái Bình tăng cường đấu tranh, chống thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả

Thời gian qua, lực lượng biên phòng đã kịp thời phát hiện, bắt giữ, khởi tố 25 vụ với 25 đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy, thu giữ tàng vật gồm 6,1919 gam hêrôin, 2,4977 gam methamphetamin, 1,3753 gam MDMA. Trong đó, phối hợp với các lực lượng chức năng khác bắt giữ, khởi tố 37 vụ với 70 đối tượng mua bán, tang trữ trái phép chất ma túy, thu giữ lượng lớn các chất ma túy. Ngoài ra, trong dịp tết Nguyên đán, các đơn vị biên phòng đã trực tiếp vận động thu hồi 4 khẩu súng các loại, 80 viên đạn, 2 mã tấu, 1kg thuốc nổ TNT, 4 kíp nổ, ngòi nổ, 600 gam thuốc pháo, 15,1kg pháo nổ các loại. Những kết quả đó đã góp phần giữ vững sự bình yên trên vùng biên giới biển, không để nạn buôn lậu, gian lận thương mại phát sinh, gây phức tạp địa bàn...

Quyết liệt ngăn chặn

Để chủ động kiểm soát hàng hóa nhập lậu, kém chất lượng, BCĐ 389/ĐP tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, hàng cấm, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm an toàn thực phẩm. Đặc biệt là xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, gom hàng, tăng giá bán bất hợp lý qua đó góp phần đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đi vào ổn định, tuân thủ pháp luật; bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà sản xuất cũng như quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng trên địa bàn.

2(5).jpg
Từ ngày 1/5 đến ngày 30/6/2025, Chic cục QLTT Thái Bình sẽ kiểm tra các tổ chức, hộ kinh doanh sản xuất, kinh doanh thuốc và thực phẩm trên địa bàn

Theo Chi cục QLTT: Ngoài việc kiểm tra theo danh sách, các đội QLTT tăng cường công tác quản lý, giám sát địa bàn, thu thập thông tin, theo dõi biến động đối với mặt hàng thuốc và thực phẩm để kịp thời phát hiện, kiểm tra đột xuất, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt đối với các kênh bán lẻ, các đại lý không chính thức, các sàn thương mại điện tử và trên các nền tảng mạng xã hội.

Quá trình kiểm tra sẽ kết hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp về việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc và thực phẩm trong bối cảnh Bộ Công an vừa phát hiện 600 loại sữa và nhiều loại thuốc giả.

Được biết, sáng ngày 8/5, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh) họp đánh giá kết quả, tình hình thực hiện nhiệm vụ 4 tháng đầu năm 2025 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.

Theo báo cáo Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh Thái Bình: Từ đầu năm đến nay, các ngành thành viên của Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh đã có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất và hỗ trợ nhau kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Trong 4 tháng, toàn tỉnh Thái Bình đã phát hiện, bắt giữ 671 vụ với 756 đối tượng vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; trong đó, đã xử lý hình sự 163 vụ với 228 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính trên 500 vụ với 528 đối tượng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước trên 12,6 tỷ đồng.

Riêng đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh mặt hàng sữa, các sản phẩm từ sữa, thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thiết bị y tế, khám chữa bệnh… lực lượng chức năng đã kiểm tra 179 vụ, xử lý 146 vụ, xử phạt vi phạm hành chính trên 1 tỷ đồng.

Thời gian tới, các ngành thành viên của Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận về tình hình thị trường, những thuận lợi, khó khăn, các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh thời gian tới.

Hiện nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh trên đà phục hồi và phát triển, dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục có diễn biến với chiều hướng phức tạp, các loại tội phạm sẽ lợi dụng hoạt động vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu và vận chuyển nội địa tại các cảng biển để buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng thiết yếu. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, thương mại điện tử ngày càng phổ biến, các đối tượng sẽ lợi dụng lập các website và mạng xã hội để kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc…

Từ thực tế đó, Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND tỉnh về đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Lê Cường