Sửa Luật Quy hoạch: Phù hợp với thực tiễn sáp nhập đơn vị hành chính
Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính các cấp, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch được cho là cần thiết và phù hợp với thực tiễn.
Theo đó, sau gần 08 năm triển khai Luật Quy hoạch, công tác quy hoạch ngày càng đóng vai trò quan trọng, giúp Nhà nước hoạch định, kiến tạo các động lực phát triển và không gian phát triển mới. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện pháp luật về quy hoạch đã cho thấy một số nội dung cần sửa đổi, hoàn thiện như: trình tự, thủ tục còn mất nhiều thời gian; quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan liên quan còn chưa rõ ràng; quy định về nội dung quy hoạch còn trùng lặp, chưa bảo đảm tính chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện.

Đáng nói, việc sắp xếp đơn vị hành chính được cho sẽ có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ các quy hoạch của hệ thống quy hoạch quốc gia, do đó, việc xây dựng và ban hành Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch trong giai đoạn hiện nay là rất cấp thiết để kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.
Dự thảo Luật (sửa đổi) bao gồm 02 Điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 28 Điều, khoản và 02 Phụ lục của Luật Quy hoạch với nội dung chủ yếu và điểm mới như: Hoàn thiện hệ thống quy hoạch; đơn giản hóa nội dung quy hoạch để nâng cao tính hiệu quả, khả thi của quy hoạch, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 để đáp ứng yêu cầu sắp xếp lại đơn vị hành hành chính cấp tỉnh theo hướng đơn giản hóa và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền;
Tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về quy hoạch để nâng cao tính chủ động của các cấp, các ngành trong chỉ đạo điều hành theo Kết luận số 121-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục của hoạt động quy hoạch và trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý Nhà nước về quy hoạch.

Nhìn nhận về việc sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, không ít ý kiến cho rằng, đây là việc cần thiết, phù hợp với tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sau khi sáp nhập. Bởi sau sáp nhập, số lượng quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia sẽ có những biến động, đồng thời quy trình, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch dự kiến cũng sẽ có sự thay đổi khi đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Cho ý kiến thẩm tra Dự án Luật này tại phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội - Phan Văn Mãi cũng cho biết, việc Chính phủ đề nghị xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn tại 1 kỳ họp là có căn cứ nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về quy hoạch phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sau khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền…
Cùng với những điểm tích cực, tham gia góp ý xây dựng hoàn thiện Dự thảo Luật này, không ít ý kiến cho hay, các cơ quan chức năng cần xác định rõ phạm vi và mục đích sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch. Trong đó, cần tập trung vào hai vấn đề chính: hoàn thiện hệ thống pháp luật để phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy sau khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11.
Về các chỉ tiêu, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quyết định hoặc điều chỉnh quy hoạch, phải tiếp tục rà soát để giảm bớt các khâu trung gian có thể ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt, điều chỉnh các dự án đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh; đánh giá tính hợp lý của các quy định về trình tự, thủ tục quyết định hoặc phê duyệt chủ trương đầu tư.
Đặc biệt, tiếp tục đánh giá và có sự thống nhất trong việc lược bỏ các kỹ thuật chuyên ngành không cần thiết, chưa triển khai hoặc không phù hợp với thực tiễn… tiếp tục rà soát để bỏ bớt các nội dung không cần thiết mang tính cụ thể của các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để bảo đảm phù hợp với thực tiễn triển khai các quy hoạch này.
Được biết, theo Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, tại phiên họp hôm nay (09/5), Quốc hội sẽ nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật này và sẽ tiếp tục thảo luận, góp ý trong những phiên tiếp theo. Dự kiến, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch sẽ được thông qua ngay tại Kỳ họp này theo quy trình 1 kỳ họp.