Kinh tế thế giới

Mỹ sắp "đập đi xây lại" quy định hạn chế xuất khẩu chip AI

Nam Trần 10/05/2025 03:16

Chiến lược kiểm soát công nghệ của Mỹ sắp thay đổi, tạo cơ hội cho các đối tác thân thiện trong khi vẫn siết chặt với Trung Quốc.

Nvidia hay Apple - những đối tác lớn nhất của TSMC - đã chứng kiến giá cổ phiếu sụt giảm đáng kể do tác động tâm lý của thuế quan (Ảnh: TechCrunch)
Nvidia là một trong những công ty chịu nhiều tác động từ hạn chế xuất khẩu chip AI sang Trung Quốc (Ảnh: TechCrunch)

Chính quyền Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ hủy bỏ một phần quy định AI Diffusion Rule - các hạn chế chip AI được ban hành dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden. Khung chính sách này phân chia thế giới thành ba nhóm quốc gia khác nhau để kiểm soát xuất khẩu chip AI từ Mỹ.

Động thái này đánh dấu một bước ngoặt lớn trong chiến lược công nghệ toàn cầu của Mỹ, khi chuyển từ cách tiếp cận “một khuôn mẫu cho tất cả” sang phương pháp đàm phán song phương linh hoạt hơn.

Theo Bloomberg, chính quyền Trump cho rằng quy định trước đây quá phức tạp, mang tính quan liêu, và đang bóp nghẹt sáng tạo của Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ đã phát đi thông điệp rằng họ sẽ thay thế quy định cũ bằng một chính sách “đơn giản hơn” với mục tiêu “giải phóng đổi mới công nghệ Mỹ và đảm bảo vị thế dẫn đầu về AI của nước này.”

Vẫn siết chặt các đối thủ công nghệ

Việc bãi bỏ AI Diffusion Rule không có nghĩa Mỹ sẽ nới lỏng kiểm soát với Trung Quốc. Ngược lại, các biện pháp nhằm kiềm chế tham vọng công nghệ của Bắc Kinh – đặc biệt trong lĩnh vực AI và chip tiên tiến – sẽ vẫn được duy trì, thậm chí siết chặt hơn.

Tuy nhiên, các quốc gia khác như UAE, Saudi Arabia, Malaysia hay Ấn Độ có thể được thương lượng để tiếp cận chip dựa trên các cam kết đầu tư hoặc hợp tác chiến lược.

Dưới thời ông Biden, Mỹ đã mở rộng kiểm soát chip tới hơn 40 quốc gia vào năm 2023. AI Diffusion Rule – được công bố vào những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ ông Biden – thiết lập các yêu cầu cấp phép nghiêm ngặt, khiến các quốc gia muốn nhập khẩu chip tiên tiến từ Mỹ phải đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn an ninh.

Tuy nhiên, điều này đã vấp phải phản ứng gay gắt từ các công ty công nghệ như Nvidia – hãng sản xuất chip AI hàng đầu thế giới. Giám đốc điều hành Nvidia Jensen Huang cho rằng việc giới hạn các nước thứ ba sẽ đẩy họ về phía Trung Quốc, và rằng Mỹ cần tiếp cận thị trường này một cách khôn ngoan hơn, thay vì rút lui hoàn toàn.

Mở cửa đầu tư cho các đối tác

Dưới áp lực đó, điều chỉnh mới sẽ là cách ông Trump xây dựng lộ trình xuất khẩu cho các công ty Mỹ, thông qua đàm phán trực tiếp với từng quốc gia. Điều này cho phép Mỹ linh hoạt điều chỉnh các giới hạn dựa trên quan hệ song phương, đồng thời tăng đòn bẩy để đạt được các nhượng bộ thương mại, đầu tư hoặc an ninh chiến lược.

Những sáng tạo đột phá có thể tới bất cứ đâu, thay vì tập trung ở các trung tâm kinh tế lớn của Trung Quốc (Ảnh: SMCP)
Quy định mới của Mỹ được cho sẽ dựa trên đàm phán song phương để có được quyền tiếp cận chip tiên tiến phục vụ các ngành kinh tế tương lai (Ảnh: SMCP)

Điển hình, UAE đang vận động mạnh mẽ để đạt được một thỏa thuận chip AI với Mỹ, đồng thời cam kết đầu tư tới 1.4 nghìn tỷ USD vào công nghệ và cơ sở hạ tầng của Mỹ trong 10 năm tới. Ông Trump được cho là sẽ công bố bước đi đầu tiên cho một thỏa thuận như vậy trong chuyến thăm Trung Đông từ ngày 13 đến 16/5 tới.

Trước mắt, các doanh nghiệp Mỹ như Oracle – công ty đang lên kế hoạch mở rộng trung tâm dữ liệu tại Malaysia – sẽ được hưởng lợi. Giá cổ phiếu của Nvidia và chỉ số chip bán dẫn Philadelphia cũng tăng ngay sau khi thông tin được Bloomberg đưa ra.

Một số nguy cơ tiềm tàng

Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng mang lại rủi ro. Khi mỗi quốc gia có thể có một thỏa thuận riêng, các công ty công nghệ Mỹ sẽ phải điều chỉnh theo nhiều quy định khác nhau. Điều đó không chỉ làm tăng chi phí tuân thủ mà còn tạo ra sự không chắc chắn trong môi trường kinh doanh toàn cầu.

Mặt khác, việc bãi bỏ một khung kiểm soát có tính hệ thống có thể khiến các nước đồng minh cảm thấy Mỹ thiếu kiên định trong chính sách công nghệ. Châu Âu, vốn đã lên tiếng phản đối một số hạn chế chip AI của chính quyền Biden, có thể sẽ đặt câu hỏi về tính ổn định trong chính sách của Mỹ.

Mặc dù các thay đổi sắp tới của Mỹ về hạn chế xuất khẩu chip sẽ tạo thêm không gian linh hoạt cho nhiều nước, nhưng Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục là đối tượng bị giám sát chặt chẽ nhất. Chính quyền Trump đã cấm Nvidia bán dòng chip H20 tại Trung Quốc – động thái khiến công ty chịu thiệt hại 5,5 tỷ USD.

Ngoài ra, chính quyền Trump cũng đang cân nhắc tiếp tục hạn chế các quốc gia bị nghi là “trung gian” chuyển chip cho Trung Quốc như Malaysia hay Thái Lan.

Nam Trần