Cân nhắc bổ sung nội dung thẩm định về các biện pháp quản lý quy chuẩn kỹ thuật
Để đảm bảo tính thống nhất, khả thi, góp ý sửa Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, một số ý kiến đề nghị, cân nhắc bổ sung nội dung thẩm định về các biện pháp quản lý tại quy chuẩn kỹ thuật.
Theo đó, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật được Quốc hội thông qua năm 2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007, là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Qua thực tiễn 18 năm thi hành, dù đã tạo ra không ít tác động liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật thời gian qua cũng đã phát sinh một số hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật có 5 Chương với 62 Điều. Các nội dung sửa đổi quy định 6 nhóm nội dung chính: quy định thúc đẩy xã hội hóa hoạt động xây dựng, phổ biến và áp dụng tiêu chuẩn; tính hiệu quả hoạt động đánh giá sự phù hợp,…
Nhìn nhận về Dự thảo Luật, không ít ý kiến cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới, nhiều nội dung liên quan đến hàng rào kỹ thuật trong thương mại, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật là kịp thời và phù hợp.
Thế nhưng, để đảm bảo tính thống nhất, đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế, xã hội, Dự thảo Luật (sửa đổi) nên điều chỉnh theo hướng giao cho một cơ quan hướng dẫn quy định liên quan đến việc tổ chức hội đồng thẩm định; đồng thời giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thẩm định quy chuẩn địa phương để thống nhất trong hoạt động xây dựng quy chuẩn kỹ thuật, bao gồm cả quy chuẩn Việt Nam và quy chuẩn địa phương, thay vì cơ quan quản lý về khoa học - công nghệ của địa phương.

Góp ý Dự thảo Luật trong buổi lấy ý kiến góp ý của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh trước đó, bà Nguyễn Thị Kim Huệ - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đề nghị, bổ sung nội dung thẩm định về các biện pháp quản lý tại quy chuẩn kỹ thuật, ví dụ công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận hợp quy hay dựa trên kết quả tự công bố; phân loại quản lý theo mức độ rủi ro như hàng hóa nào được thông quan trước kiểm tra sau, trường hợp nào thông quan sau, kiểm tra trước. Điều này là để đảm bảo tính thống nhất giữa các bộ, ngành khi ban hành quy định về biện pháp quản lý tại các quy chuẩn kỹ thuật, tránh gây chồng chéo, không nhất quán.
Còn theo ông Trần Quốc Dũng - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 cho rằng, không cần thiết phải sử dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực làm cơ sở xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trong nước; đồng thời nên cho phép chứng nhận tiêu chuẩn cơ sở với mọi loại tiêu chuẩn cơ sở của hội, hiệp hội ngành nghề… để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; cần có cơ chế giám sát và hậu kiểm để đảm bảo việc thực hiện đầy đủ.
“Bên cạnh đó, nên bổ sung quy định về sự thừa nhận lẫn nhau giữa các quốc gia với quốc gia, tổ chức với tổ chức để phù hợp với xu hướng hội nhập toàn cầu hiện nay”, ông Dũng đề nghị.
Cùng với nội dung đã nêu, một số ý kiến cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung cơ chế hậu kiểm để xác định tính phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng của sản phẩm hàng hóa, thay vì thực hiện tiền kiểm trước khi lưu thông, làm chậm quy trình sản xuất, tốn kém chi phí không cần thiết, đối với một số hàng hóa đã có quy chuẩn kỹ thuật và các doanh nghiệp cũng liên tục cải tiến công nghệ, hoặc thực hành theo các tiêu chuẩn sản xuất tốt; đồng thời, bổ sung quy định cho doanh nghiệp được ủy quyền làm thủ tục công bố hợp quy đối một số lĩnh vực để giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Tham gia góp ý Dự thảo Luật do Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Sóc Trăng tổ chức vừa qua, các đại biểu nhất trí cao với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị việc đính chính tiêu chuẩn Việt Nam chỉ nên quy định khái quát “đối với các tiêu chuẩn Việt Nam có sai sót mà không ảnh hưởng, thay đổi các quy định, yêu cầu kỹ thuật của tiêu chuẩn”.
Đồng thời, cần nghiên cứu, quy định rõ để phân biệt thẩm quyền xuất bản, phát hành tiêu chuẩn Việt Nam, trách nhiệm bản quyền của chủ thể xây dựng Dự thảo tiêu chuẩn Việt Nam, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các vấn đề về bảo vệ, bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ đối với các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Được biết, theo Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, tại phiên họp sáng nay 10/5, đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, sau đó các đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu.