Từ “doanh nghiệp ma” đến bài toán kiểm soát vốn khởi nghiệp
Những tranh luận về sửa Luật Doanh nghiệp đang nóng dần khi bài toán kiểm soát vốn ảo lại “va chạm” với nhu cầu khởi nghiệp thuận lợi và chi phí thấp.
Tại phiên thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã chỉ rõ một thực tế đáng báo động: ngày càng có nhiều doanh nghiệp được thành lập nhưng không góp vốn thực, thậm chí kê khai “vốn điều lệ ảo” nhằm phục vụ các mục đích phi pháp như phát hành trái phiếu không phép, mua bán hóa đơn, vay vốn ngân hàng bằng hồ sơ gian dối.

Thực trạng này đang đặt ra yêu cầu cấp bách: liệu có cần siết lại điều kiện góp vốn khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, hay cần một cách tiếp cận khác để kiểm soát hiệu quả mà không làm khó người khởi nghiệp thật sự?
Khi pháp nhân rỗng trở thành công cụ hợp thức hóa hành vi gian dối
Theo các chuyên gia pháp lý, một trong những lỗ hổng lớn nhất hiện nay là việc Luật Doanh nghiệp không yêu cầu tổ chức, cá nhân phải chứng minh nguồn vốn khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Họ có thể kê khai mức vốn điều lệ rất cao, thậm chí lên đến hàng trăm hoặc nghìn tỷ đồng mà không cần bất kỳ hồ sơ xác thực nào.
Hệ quả là hàng chục nghìn pháp nhân được tạo lập dễ dàng, tồn tại như một lớp vỏ pháp lý rỗng, nhưng vẫn đủ điều kiện để thực hiện các hoạt động kinh tế như ký hợp đồng, mở tài khoản, xuất hóa đơn hoặc gọi vốn. Chính từ những lớp vỏ này, nhiều vụ án kinh tế lớn đã được vận hành một cách tinh vi.

Phân tích với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt – cho rằng: “Việc không yêu cầu chứng minh vốn thực khi đăng ký doanh nghiệp đã tạo ra môi trường pháp lý lý tưởng cho doanh nghiệp ma. Các đối tượng có thể lợi dụng để vay vốn ngân hàng, mượn tư cách pháp nhân để ký các hợp đồng có giá trị lớn, phát hành trái phiếu hoặc lừa đảo nhà đầu tư. Một pháp nhân được tạo ra không có thật về tài chính, nhưng lại có quyền giao dịch như doanh nghiệp thật – đây là nghịch lý rất nguy hiểm”.
Theo luật sư Luân, để xử lý tận gốc tình trạng này, không thể chỉ dừng lại ở mức “nhắc nhở” hoặc phạt hành chính sau hậu kiểm. Pháp luật cần xây dựng cơ chế xác thực ngay từ đầu: yêu cầu vốn góp thực phải được chứng minh bằng giao dịch tài chính rõ ràng, có thể là tiền mặt nộp vào tài khoản phong tỏa hoặc tài sản góp vốn có hồ sơ định giá được thẩm định độc lập.
Giải pháp nào kiểm soát hiệu quả mà không bóp nghẹt tinh thần khởi nghiệp?
Vấn đề đặt ra là nếu siết điều kiện góp vốn một cách cứng nhắc, liệu có vô tình dựng thêm rào cản hành chính cho các doanh nghiệp khởi sự thực chất?

Theo luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN, cần phân loại và đánh giá rủi ro để có chính sách phân tầng. Không nên cào bằng giữa các loại hình doanh nghiệp.
“Không phải mọi doanh nghiệp đều cần chứng minh vốn theo cách giống nhau. Với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm như tài chính, đầu tư, bất động sản, cho thuê tài sản… thì bắt buộc phải có cơ chế kiểm chứng vốn thực, thậm chí nên quy định tài khoản phong tỏa vốn điều lệ tại ngân hàng. Nhưng với các startup nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, thương mại điện tử hoặc sáng tạo thì nên giữ cơ chế linh hoạt, tạo điều kiện để họ khởi nghiệp dễ dàng”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Luật sư Hiệp cũng đề xuất thêm một lớp giám sát trong giai đoạn hậu kiểm: kết nối dữ liệu doanh nghiệp với hệ thống ngân hàng, cơ quan thuế và đăng ký kinh doanh để theo dõi dòng tiền thực, tiến độ góp vốn và hiệu suất hoạt động.
“Khi doanh nghiệp không phát sinh giao dịch tài chính, không đóng thuế, không có dấu hiệu hoạt động thật cần có cơ chế thanh lọc pháp nhân tự động, hoặc chuyển sang diện cảnh báo sớm để kiểm tra”, ông Hiệp nói.
Những kiến nghị này cũng phản ánh quan điểm chung của giới chuyên gia pháp lý: thay vì áp dụng đồng loạt các điều kiện tiền kiểm, dễ gây bức bối và cản trở sáng tạo, cần chuyển sang mô hình hậu kiểm thông minh, phân loại rủi ro và áp dụng công nghệ để giám sát.
Cải cách thể chế luôn cần sự cân bằng: bảo vệ thị trường khỏi rủi ro gian lận nhưng không cản trở tinh thần khởi nghiệp. Nếu siết vốn góp một cách máy móc, doanh nghiệp thật sẽ gặp khó. Nhưng nếu tiếp tục để “vốn ảo” tồn tại, môi trường kinh doanh sẽ bị ô nhiễm bởi những pháp nhân không có thực lực tài chính, tạo ra rủi ro tín dụng, thị trường và hệ thống pháp lý.
Từ góc độ quản lý, điều quan trọng không nằm ở việc kiểm tra nhiều hay ít, mà là kiểm soát đúng chỗ, đúng đối tượng và đúng thời điểm. Việc sửa Luật Doanh nghiệp lần này chính là cơ hội để tạo ra những cơ chế minh bạch và phân loại rủi ro thông minh, thay vì tiếp tục vận hành một hệ thống dễ dãi cho tất cả và lỏng lẻo với những kẻ chủ ý lách luật.