Chính trị - Xã hội

Điện tăng giá - bài toán kinh tế và nỗi lo đời thường

Minh Phong 10/05/2025 09:44

Việc tăng giá bán lẻ điện từ hôm nay (10/5) lên mức trung bình 2.204 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT) đã và đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Đây là lần tăng giá thứ tư từ đầu năm 2023 đến nay, với tổng mức tăng hơn 17%. Việc tăng giá điện không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình mà còn tác động gián tiếp đến mặt bằng giá cả chung.

giadien.jpg
Cần lộ trình tăng giá điện hợp lý để giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: EVN

Đâu là nguyên nhân?

Tại buổi họp báo chiều ngày 9/5, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết quyết định tăng giá điện lần này đã được cân nhắc kỹ lưỡng. Theo ông, mức tăng 4,8% được đưa ra dựa trên biến động của các chi phí đầu vào, bao gồm giá than, khí dùng cho sản xuất điện, cùng với việc xem xét khả năng chi trả của người dân và doanh nghiệp.

Ông Lâm cho biết trong 4 tháng đầu năm, chi phí nhập khẩu than, khí và dầu tiếp tục tăng cao, gây áp lực lớn lên ngành điện. "Việc điều chỉnh giá bán điện từ ngày 10/5 đã được EVN tính toán kỹ để đảm bảo sự hài hòa giữa các nhu cầu, đặc biệt là duy trì sức cạnh tranh của nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội", ông chia sẻ.

Theo lãnh đạo EVN, việc điều chỉnh giá đã trải qua quá trình đánh giá tác động chi tiết đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và nền kinh tế nói chung. Sau quá trình xem xét kỹ lưỡng, EVN đã đề xuất và ban hành quyết định điều chỉnh tăng giá điện ở mức 4,8%, với mục tiêu cân đối chi phí đầu vào và đảm bảo ổn định cung cấp điện trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN, cho biết tập đoàn dự kiến lãi trước thuế hơn 4.100 tỷ đồng vào cuối năm 2024. "Đến cuối năm 2024, EVN dự kiến sẽ cân bằng được tài chính. Đây cũng là bước khởi đầu mới cho đơn vị bước sang năm nay", ông An khẳng định.

Trong nửa đầu năm 2024, EVN ghi nhận lỗ sau thuế 8.098 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 29.107 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Theo lãnh đạo tập đoàn, nhờ việc tăng giá điện vào tháng 10/2024, EVN đã thoát khỏi tình trạng thua lỗ kéo dài. Tuy nhiên, vẫn còn khoản lỗ lũy kế từ năm 2022 và 2023 lên tới hơn 47.000 tỷ đồng.

Theo tính toán của EVN, việc tăng giá điện 4,8% sẽ khiến mỗi hộ gia đình phải trả thêm khoảng 4.350 - 62.150 đồng/tháng, tùy thuộc vào mức tiêu thụ. Dù mức tăng không quá lớn, nhưng trong bối cảnh vật giá leo thang, đây vẫn là khoản chi phí đáng lưu ý với nhiều hộ dân.

Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN cũng cho biết, để giảm bớt tác động đối với các đối tượng yếu thế, EVN vẫn duy trì chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách. Cụ thể, hộ nghèo được hỗ trợ tiền tương ứng 30 kWh, tương đương 59.520 đồng/tháng. Đối với hộ chính sách sử dụng điện không quá 50 kWh/tháng, cũng được hưởng mức hỗ trợ tương tự. Chính sách này nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí điện, đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh giá cả leo thang.

Kể từ đầu năm 2023, EVN đã bốn lần điều chỉnh giá điện và thực hiện trong thẩm quyền với mức tăng 3%, 4,5%, 4,8%, và lần này tiếp tục ở mức 4,8%. Tính từ năm 2023 trở lại đây, giá điện đã tăng tới hơn 17%.

Cần lộ trình hợp lý để giảm gánh nặng

Mặc dù được lý giải cặn kẽ, việc tăng giá điện vẫn gây lo lắng trong cộng đồng. Theo PGS-TS Ngô Trí Long, giá bán lẻ điện tăng sẽ kéo theo sự gia tăng giá cả hàng hóa, đặc biệt là vào mùa hè khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao. "Hóa đơn tiền điện tháng 5 chắc chắn sẽ tăng từ việc tăng giá bán lẻ điện này, người dân tại một số địa phương sẽ phải trả tiền điện cao hơn do vẫn đang mùa nắng nóng”. – ông Long nói.

Tuy nhiên, ông Long cũng chỉ ra điểm tích cực rằng giá xăng dầu - yếu tố quan trọng trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - hiện đang giảm xuống mức 19.000 đồng/lít, có thể phần nào bù đắp áp lực từ việc tăng giá điện. Điều này có ý nghĩa lớn trong bối cảnh chỉ số CPI quý III được dự đoán sẽ chịu nhiều áp lực.

Trao đổi với Tuổi trẻ, ông Bùi Thanh Thủy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, việc điều chỉnh giá điện là cần thiết trong bối cảnh nguồn cung hạn chế và chi phí đầu vào tăng cao, đặc biệt nguồn năng lượng tái tạo, nguồn điện than nhập khẩu hay nguồn điện nhập có giá không rẻ. Tuy nhiên điều chỉnh này phải có lộ trình hợp lý, tránh tạo thêm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.

Theo quy định, giá điện được rà soát và điều chỉnh định kỳ, đảm bảo minh bạch với sự tham gia của cơ quan kiểm toán độc lập. Dù vậy cần gắn việc tăng giá với chính sách thúc đẩy tiết kiệm điện, vì giá điện tăng sẽ là gánh nặng, trong khi tăng trưởng điện phải gấp đôi tăng trưởng kinh tế, nên nếu tiêu dùng nhiều điện cũng là gánh nặng cho cả ngành điện, người dân.

Việc sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang được kỳ vọng sẽ tạo thêm cơ chế để khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, an toàn hơn.

Như vậy, việc điều chỉnh giá điện rõ ràng là cần thiết trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Nếu không điều chỉnh, EVN sẽ khó có thể đảm bảo cung cấp điện ổn định, nhất là trong mùa cao điểm. Tăng giá điện đồng nghĩa với việc tạo điều kiện tái đầu tư và duy trì nguồn cung trong dài hạn. Tuy nhiên, từ góc độ người dân, việc hóa đơn tăng liên tục trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn là một gánh nặng không nhỏ.

Để giải quyết vấn đề này, cần có sự minh bạch trong công khai chi phí sản xuất điện. Người dân cần được hiểu rõ lý do tăng giá để tránh những phản ứng tiêu cực. Bên cạnh đó, việc triển khai các chương trình tiết kiệm điện, hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách là rất cần thiết.

Ngoài ra, để giảm thiểu tác động từ việc tăng giá điện, cần khuyến khích người dân sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, đẩy mạnh sử dụng điện mặt trời áp mái tại các khu vực có điều kiện tự nhiên thuận lợi. Đây là giải pháp giúp giảm gánh nặng hóa đơn tiền điện và góp phần ổn định an ninh năng lượng quốc gia.

Việc tăng giá điện là một bài toán khó cần được giải quyết hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp và người dân. Trong bối cảnh khó khăn chung, việc đồng hành, chia sẻ từ cả hai phía sẽ góp phần vượt qua giai đoạn nhiều biến động. Về dài hạn, việc đảm bảo an ninh năng lượng và ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu mà cả người dân và doanh nghiệp đều cần hướng đến.

Minh Phong