Xây dựng thành phố thông minh cần vai trò dẫn dắt của nhà nước
Sự phát triển nhanh chóng và “thông minh” của xã hội khiến việc xây dựng thành phố thông minh là tất yếu, và vai trò dẫn dắt của nhà nước là vô cùng quan trọng.
Tại diễn đàn “Australia – Vietnam business partnership do drive smart cities transformation” (Hợp tác Việt – Úc trong xây dựng thành phố thông minh) vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Vinnie Lauria – Đồng sáng lập Quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate – chia sẻ một cái nhìn rất lạc quan về thị trường đô thị thông minh tại Việt Nam.
Ông nhận định việc làm xây dựng thành phố thông minh là điều tất yếu vì tầng lớp trung lưu mới đang nổi lên nhanh chóng và quá trình đô thị hóa rất mạnh mẽ. Những yếu tố này tạo ra nhu cầu cao về sự thông minh và khả năng sử dụng công nghệ để mở rộng nhanh hơn, phù hợp với tốc độ tăng trưởng cao.

Với thị trường đô thị thông minh tại Việt Nam, bà Lê Hồng Minh – Tổng giám đốc I. Value cho biết, với vai trò là đơn vị tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp, bà quan sát thấy có rất nhiều bên tham gia như chính phủ, nhà phát triển hạ tầng, nhà cung cấp giải pháp và đơn vị tư vấn. Trong đó, để biến các hoạch định và mong muốn thành hiện thực trên thị trường, khối kinh tế tư nhân (private sector), đặc biệt là các nhà phát triển bất động sản (developer), lại là đơn vị gần như dẫn đầu. Bà cho rằng nơi nào có cung và cầu, có mua và bán, thì nơi đó sẽ quyết định thị trường.
Tuy nhiên, mô hình kinh doanh của các nhà phát triển bất động sản Việt Nam thường chịu áp lực lớn về hiệu quả đầu tư và suất thu hồi vốn, dẫn đến tầm nhìn ngắn hạn, tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu thị trường nhanh nhất và thu lợi ngay trước mắt. Điều này đôi khi khiến họ chưa thật sự nghiên cứu sâu về giá trị cho người dùng cuối hoặc xây dựng mô hình kinh doanh lấy người dân làm trung tâm.

Bên cạnh khối tư nhân, các doanh nghiệp nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng. Ông Trần Anh Tuấn – Phó Trưởng ban Viễn thông và Công nghệ thông tin, Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) - chia sẻ về những nỗ lực của đơn vị trong việc xây dựng lưới điện thông minh và ứng dụng chuyển đổi số để phục vụ người dân tốt nhất. Ông cho biết EVNHCMC đã tự động hóa 100% lưới điện, lắp đặt 100% công tơ đo xa và cung cấp 19 dịch vụ điện qua cổng trực tuyến, với trên 99% khách hàng thanh toán điện tử. Những thành quả đáng tự hào này cho thấy sự cải thiện rõ rệt về độ tin cậy cung cấp điện và giảm số lần mất điện.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức mà một doanh nghiệp nhà nước gặp phải trong quá trình chuyển đổi, bao gồm chi phí đầu tư lớn, khó khăn trong quản trị sự thay đổi (vấn đề con người và nâng cao năng lực), và đặc biệt là một số chính sách chưa theo kịp thực tế phát triển nhanh chóng.
Để thúc đẩy sự phát triển bền vững của đô thị thông minh, qua kinh nghiệm đầu tư, ông Vinnie đúc kết hai bài học quan trọng: tính minh bạch của dữ liệu giúp mở ra nhiều cơ hội thương mại hơn và chính sách tốt hơn; và việc làm việc với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) thường giúp thực hiện các dự án thí điểm nhanh chóng và dễ dàng hơn trước khi mở rộng ra quy mô lớn hơn như với chính phủ. Ông cũng cho rằng các doanh nghiệp hãy bắt đầu với những bước nhỏ để tạo ra những đổi mới lớn dần theo thời gian. Chính phủ cần có nhiều hơn các "sandbox" (khuôn khổ thử nghiệm) cho các lĩnh vực như năng lượng và năng lượng, cùng với sự minh bạch quanh các quy định pháp lý.
.jpg)
Đặc biệt, bà Lê Hồng Minh cho rằng nhà nước có một vai trò vô cùng quan trọng, đó là vai trò “dẫn dắt”. Vai trò này cần được thể hiện qua ba khía cạnh chính.
Thứ nhất là vai trò truyền thông. Nhà nước cần truyền thông thông tin đúng về động lực phát triển (lợi ích quốc gia, dân tộc, người dân) để các bên trong hệ sinh thái hiểu ý nghĩa dài hạn. Đồng thời, truyền thông cho người dân để họ trở thành "người tiêu dùng thông minh", biết chọn sản phẩm đúng và đặt yêu cầu cho thị trường về an toàn, kết nối, hỗ trợ giao thương.
Thứ hai là vai trò hoạch định chiến lược (Quy hoạch). Chính phủ có thể làm rất tốt việc này, bao gồm quy hoạch nguồn lực, và nhất là quy hoạch tiêu chuẩn kỹ thuật nội cung hướng đến việc lấy con người làm trung tâm. Phản hồi từ người dùng nên trở thành trọng tâm cho các đơn vị quy hoạch.
Và thứ ba là vai trò cấu trúc và quy hoạch hệ sinh thái: Lựa chọn các đối tác chiến lược, kích hoạt các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và sẵn sàng lắng nghe, mở cửa, đầu tư để đón nhận các giải pháp từ nhiều bên, bao gồm cả đối tác quốc tế.
Từ góc độ doanh nghiệp nhà nước, ông Tuấn cũng đưa ra các mong muốn cụ thể là cần có quy hoạch nhanh hơn để hạ tầng (như điện) đi trước một bước thay vì chạy theo sự bùng phát. Chính sách và quy định cần nhanh chóng được chỉnh sửa để phù hợp với công nghệ phát triển và nên tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế phù hợp (IEC, ISO). Cần xây dựng một hệ cơ sở dữ liệu liên ngành và tăng cường chia sẻ dữ liệu hai chiều giữa các cơ quan và doanh nghiệp. Cuối cùng, cần có các cơ chế thông thoáng, phù hợp để khuyến khích người dân đầu tư vào năng lượng tái tạo (điện mặt trời áp mái) và xe điện, cân bằng lợi ích giữa các bên.

Thúc đẩy hợp tác quốc tế là một yếu tố quan trọng cho phát triển đô thị thông minh. Ông Jonathan Saw – Tham tán Thương mại và Đầu tư, Cơ quan Thương mại và Đầu tư Úc tại Việt Nam Austrade - cho biết Austrade đưa các công ty Úc đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội, kết nối đối tác và cùng giải quyết các vấn đề của Việt Nam như đô thị, bền vững và đáng sống. Úc có khả năng hàng đầu thế giới trong các giải pháp đô thị thông minh, từ AI, phân tích dữ liệu, quản lý năng lượng đến giao thông thông minh và đậu xe thông minh.
Ông nhấn mạnh sự kiên cường (resilience) là yếu tố quan trọng khi tham gia thị trường Việt Nam. Úc và Việt Nam chia sẻ mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, và Úc có thể hỗ trợ Việt Nam trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Sự hợp tác này được thúc đẩy toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Việc các đối tác quốc tế cùng tham gia với các bên trong nước và cả người dân là điều cần thiết để cùng nhau thúc đẩy sự phát triển đô thị thông minh theo hướng chuẩn hơn, bền vững hơn và dài hạn hơn.