Hợp tác ba bên trong nghiên cứu và chọn tạo giống
Doanh nghiệp không chỉ là người triển khai công nghệ, mà là đối tác đồng hành cùng nhà khoa học, nhà nước trong sứ mệnh chọn tạo giống cây trồng cho tương lai.
Chọn tạo giống cây trồng là nền tảng của nông nghiệp. Trong bối cảnh khí hậu biến đổi nhanh, thị trường đòi hỏi cao hơn, người tiêu dùng ngày càng khắt khe, thì giống – công nghệ giống – chính là điểm khởi đầu của mọi chuỗi giá trị. Các doanh nghiệp, tập đoàn luôn xác định đây là trọng tâm chiến lược. Và để làm tốt việc này, không thể thiếu sự hợp tác chặt chẽ giữa 3 bên, gồm: doanh nghiệp, các nhà khoa học trong viện nghiên cứu - học viện và trường.
Mối hợp tác chặt chẽ
Số liệu của Cục Trồng trọt năm 2024 đã chỉ ra rằng: số lượng giống được công nhận lưu hành từ các viện, trung tâm, sở là 31,7%, các doanh nghiệp - cá nhân là 60,6%, doanh nghiệp nước ngoài là 7,7%. Điều đó cho thấy doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển đã góp phần làm gia tăng bộ giống mới phục vụ SXKD, góp phần nâng cao năng suất và sản lượng giống cây trồng của cả nước.

Theo ông Nguyễn Đình Trung – Phó TGĐ Tập đoàn Giống Cây trồng VN (VINASEED), các doanh nghiệp đã có một số lợi thế trong hoạt động này. Đó là, một số doanh nghiệp có nguồn lực tài chính lớn sẽ đầu tư cho cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị cho công tác nghiên cứu. Họ hoàn toàn chủ động được trong việc nghiên cứu, cũng như chủ động liên kết với thị trường và người tiêu dùng vì nhiều doanh nghiệp luôn gắn liền với nhu cầu thị trường. Đồng thời, doanh nghiệp cũng linh hoạt liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học, nhà nông đặc biệt là tổ chức nước ngoài để hợp tác về chọn tạo giống. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng gặp phải những khó khăn về cơ chế chính sách chưa đồng bộ, thiếu nguồn gen quý, rủi ro do biến động của thị trường và thời tiết, sự cạnh tranh, cơ sở hạ tầng và đặc biệt, nguồn nhân lực chất lượng cao để nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng chất lượng.
Trong mối hợp tác 03 bên này, Học viện Nông nghiệp Việt Nam – đơn vị hàng đầu cả nước trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp lại có thế mạnh về cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Chỉ riêng trong lĩnh vực chọn tạo giống cây trồng, Học viện quy tụ đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên giàu kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn cao, đã nghiên cứu, phát triển nhiều giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng vượt trội. GS.TS. Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp mong muốn được cùng doanh nghiệp chia sẻ những xu thế công nghệ tiên tiến trong chọn tạo giống như: công nghệ chỉnh sửa gen, công nghệ chọn giống nhanh ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ đột biến,....
Bà Nguyễn Thị Trà My - Tổng giám đốc Tập đoàn PAN nhấn mạnh: “Nếu chỉ khát vọng mà thiếu công nghệ, thiếu nguồn gen, thiếu sự liên kết giữa nghiên cứu và ứng dụng thì mọi nỗ lực đều không đi xa. Vì vậy, Tập đoàn PAN rất quan tâm đến các hướng tiếp cận mới như chọn giống nhanh, chỉnh sửa gen, ứng dụng AI và công nghệ sinh học – không chỉ ở mức độ chiến lược, mà bằng đầu tư cụ thể và hành động thực tế”.
Định hướng kết hợp
Theo định hướng phát triển ngành giống cây trồng VN, từ 2025 đến năm 2035: nâng cao tiềm lực KH&CN về giống bao gồm: bảo tồn và khai thác quỹ gen, nghiên cứu chọn tạo giống, công nghiệp và kỹ thuật hạt giống. Đến năm 2035, nông nghiệp Việt Nam sẽ hình thành một số vùng sản xuất giống trọng điểm như Trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống rau, hoa Thành phố Hồ Chí Minh, TTNC và sản xuất giống cây hoa và cây ăn quả Bến Tre, Sơn La, Lào Cai; ..Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn nghiên cứu và sản xuất giống cây trồng như Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (VINASEED), Thái Bình SEED, NAFOOD.

Theo GS.VS.TSKH. Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị chỉ rõ cơ hội hợp tác giữa DN – Viện – Trường, cụ thể: Có cơ chế chính sách hỗ trợ, phát triển các tổ chức KH&CN công lập, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính, chuyên môn; được sử dụng ngân sách nhà nước thuê chuyên gia, sử dụng tài sản hữu hình và trí tuệ để liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, cho phép thành lập và tham gia điều hành doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu.
Nghị quyết 57 cũng chỉ rõ cơ chế ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế trong nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng, phát triển, sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, thúc đẩy doanh nghiệp tái đầu tư hạ tầng, R&D; Tiếp tục nâng cao tiềm lực KH&CN về bảo tồn và khai thác quỹ gen, nghiên cứu chọn tạo giống, công nghiệp và kỹ thuật hạt giống.
GS.VS.TSKH. Trần Đình Long cũng chỉ rõ vai trò của các nhà theo định hướng phát triển ngành giống, cây trồng. Trong đó, vai trò của Nhà nước gồm các Viện, Học viện, TT NC giống, Ngân hàng gen QG tham gia chọn tạo giống mới, Bộ Nông nghiệp &MT quản lý chất lượng hạt giống và cây giống. Doanh nghiệp cùng với Viện, Trường tham gia chọn tạo và sản xuất giống theo quy mô công nghiệp, tạo ra các giống có thương hiệu Quốc gia, Quốc tế. Nhà nước (Bộ NN&MT, các cấp chính quyền), các doanh nghiệp, các Hiệp hội, Hội giống cây trồng, HTX, tổ HT và hộ nông dân (cơ chế PPP) cùng cộng hưởng vận hành. Ngoài ra, ông cũng đề xuất thúc đẩy sử dụng AI, công nghệ chỉnh sửa gen trong chọn giống, góp phần tái cấu trúc ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu quốc gia cho giống cây trồng Việt Nam.
Sự hợp tác chặt chẽ 03 bên giữa các nhà khoa học trong viện nghiên cứu - học viện và trường - doanh nghiệp sẽ tạo bước đột phá để đưa nông nghiệp Việt Nam xứng tầm với các nước trong khu vực và quốc tế, để nông thôn Việt Nam trở thành nơi đáng sống – GS.VS.TSKH Trần Đình Long khẳng định như vậy.