Tập đoàn TH khánh thành nhà máy chế biến sữa công suất hàng đầu liên bang Nga
Ngày 11/05 tại tỉnh Kaluga, Tập đoàn TH tổ chức Lễ Khánh thành Nhà máy chế biến sữa tươi sạch TH, đây là Dự án Tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao của TH tại Liên bang Nga.
Buổi Lễ đặc biệt này vinh dự có sự ủng hộ, động viên của Tổng Bí thư Ban Chấp hành TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam; Phó Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Chernyshenko.

Diễn ra cùng ngày với diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam- Liên bang Nga tại Thủ đô Moscow – một trong những hoạt động của Tổng Bí thư Tô Lâm trong chuyến thăm chính thức đến Liên bang Nga theo lời mời của Tổng thống Vladimir Putin, Lễ Khánh thành tại Kaluga được truyền hình trực tiếp tới Diễn đàn như một biểu tượng về thành quả hợp tác giữa 2 nước. Tại đây, lãnh đạo 2 nước đã nhấn nút khánh thành Nhà máy chế biến sữa tươi sạch TH, hoàn thiện mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất khép kín "từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch", sản xuất các sản phẩm sữa tươi sạch mang thương hiệu TH true MILK. Sự kiện trọng đại này từ Moscow cũng đồng thời được truyền hình trực tiếp về Lễ Khánh thành tổ chức tại Nhà máy ở Kaluga.
Ngay sau nghi thức nhấn nút khánh thành, các dây chuyền sản xuất của Nhà máy chế biến sữa tươi sạch TH chính thức vận hành.
Lễ Khánh thành Nhà máy chế biến sữa tươi sạch TH tại Kaluga diễn ra trong bối cảnh và thời điểm ý nghĩa: Việt Nam và Liên bang Nga kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, tăng cường tin cậy chính trị. Lãnh đạo 2 nước cùng xác định các định hướng đưa quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga lên tầm cao mới.

Nhà máy là minh chứng cho lời nói của Anh hùng lao động Thái Hương – Nhà sáng lập Tập đoàn TH, “kiến trúc sư trưởng” của Dự án: “Tôi sẽ đưa ly sữa Việt Nam ra thế giới”. Trước khi Tập đoàn TH sang đầu tư tại Liên bang Nga, Việt Nam tập trung hợp tác đầu tư các ngành mang thế mạnh của Nga như dầu khí, nhưng giờ là một lĩnh vực rất khác- lĩnh vực Nông nghiệp. Các Dự án nông nghiệp mà Tập đoàn TH đang triển khai ở Liên bang Nga là bằng chứng của thế hệ doanh nhân mới của Việt Nam trong lĩnh vực mới, thể hiện năng lực tổ chức triển khai Dự án khoa học, chuyên nghiệp, bài bản và nghiêm túc. Theo bà Thái Hương, nông nghiệp là nền tảng của một quốc gia, là ngành gắn liền với sinh kế của hàng triệu người dân. Liên bang Nga có lợi thế to lớn về nông nghiệp, đủ điều kiện đảm bảo an ninh lương thực và an toàn thực phẩm. Đi trên lợi thế thực chất đó sẽ đem lại những giá trị không giới hạn mà thế giới đang mơ ước và hướng tới – đó là nền nông nghiệp sạch hữu cơ phục vụ cho đời sống con người.
Triển khai Dự án trong thời kỳ cấm vận, tiếp đến là dịch bệnh và chiến tranh nhưng với sự kiên định không ngừng nghỉ và sự quyết tâm lớn mang phẩm hạnh anh hùng của một dân tộc anh hùng, bà Thái Hương đã dẫn dắt Dự án đạt được nhiều thành tựu, mang khoa học công nghệ, khoa học quản trị để tạo ra một nền sản xuất tiên tiến, hiện đại, giúp Dự án đạt năng suất và chất lượng sữa đứng top đầu Liên bang Nga và thế giới.
Lễ khánh thành nhà máy cũng truyền đi thông điệp "Hãy làm ly sữa thắm tình hữu nghị Việt - Nga" - lời cam kết của TH trong việc mang lại giá trị bền vững, góp phần vun đắp mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.

Nhà máy chế biến sữa tươi sạch TH tại Kaluga được xây dựng trên diện tích gần 15 ha trong Khu công nghiệp thuộc vùng kinh tế đặc biệt “Kaluga”, tại huyện Borovsk, tỉnh Kaluga, cách Moscow khoảng 100km. Nhà máy có công suất 1.000 tấn/ngày, trong đó giai đoạn 1 là 500 tấn/ngày, thuộc tốp nhà máy có công suất chế biến hàng đầu Liên bang Nga.
Được thiết kế theo công nghệ hàng đầu bởi đơn vị Bilfiner Tebodin của Hà Lan và GEA của Đức; thi công xây dựng bởi CBMI Sinoma China – công ty xây dựng nhà nước hàng đầu Trung Quốc, nhà máy được trang bị những dây chuyền thiết bị chế biến, chiết rót, đóng gói và tự động hóa của những nhãn hiệu hàng đầu thế giới đến từ Đức, Thụy Điển, Na-uy, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc... được lắp đặt và vận hành bởi những chuyên gia quốc tế đầu ngành, giàu kinh nghiệm.

Nhà máy sử dụng nguyên liệu chế biến hoàn toàn từ nguồn sữa tươi chất lượng hàng đầu của các trang trại công nghệ cao TH tại tỉnh Moscow và Kaluga. Nhờ nguồn gen bò sữa cao sản nhập khẩu từ Mỹ, công nghệ tiên tiến và khoa học quản trị hiện đại, đàn bò TH tại Nga cho năng suất sữa trung bình đạt 40-41 lít/con/ngày, nhiều con 60-90 lít/ngày, cá biệt có con đạt 104 lít/ngày. Chất lượng sữa cũng vượt trội với độ béo 4,0% và độ đạm 3,2% cao nhất nước Nga. Trước khi Nhà máy chế biến sữa tươi sạch TH tại Kaluga được khánh thành, sữa tươi nguyên liệu của TH được đánh giá “hạng Nhất” và được thu mua với giá tốt bởi các hãng sữa lớn tại Nga như Danone, PepsiCo…. Hiện tổng đàn bò sữa TH tại Kaluga và Moscow đã tiệm cận 10.000 con.
Sản phẩm của Nhà máy chế biến sữa tươi sạch TH tại Kaluga rất đa dạng, từ các sản phẩm truyền thống của Nga như sữa tươi thanh trùng, tiệt trùng, Smetana, Yogurt, Kefir, Ryazhenka, bơ, phô mai, kem… đến các sản phẩm phi truyền thống nhưng theo xu hướng của thời đại là bảo vệ sức khỏe trước các đại dịch không lây (béo phì, tim mạch, tiểu đường) đáp ứng khẩu vị địa phương kết hợp với những sáng tạo đặc biệt của TH.
Sau giai đoạn 1, Tập đoàn TH sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của nhà máy để đạt tổng công suất 1.000 tấn/ngày vào năm 2026. Đồng thời, Tập đoàn có kế hoạch khởi công xây dựng trang trại K2 tại Kaluga và tiếp tục các hoạt động chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tươi sạch tại vùng Primorye (Viễn Đông), Cộng hòa Bashkortostan.
Sản phẩm TH true MILK sản xuất tại Nga không chỉ phục vụ thị trường nội địa Nga quy mô gần 145 triệu dân mà còn hướng tới xuất khẩu sang các thị trường khu vực và quốc tế như khối BRICS và châu Á - Thái Bình Dương. Tập đoàn cũng đặt mục tiêu phát triển các sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế tại Nga.
Việc tập đoàn TH tiên phong đưa mô hình nông nghiệp công nghệ cao khép kín vào Nga, áp dụng những công nghệ hàng đầu thế giới trong quản lý đàn, chăm sóc thú y, sản xuất thức ăn và chế biến sữa… không chỉ mang tới năng suất, chất lượng sữa vượt trội của đàn bò sữa TH và sức cạnh tranh của sản phẩm TH true MILK, mà còn góp phần thúc đẩy quá trình hiện đại hóa và nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật cho toàn ngành nông nghiệp Nga, phù hợp với chủ trương phát triển "Nông nghiệp Kỹ thuật số" của Chính phủ.

Sự thành công của Tập đoàn TH cũng đã đánh dấu sự thành công đặc biệt của những chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp của Liên bang Nga.
Từ năm 2014, khi Nga và phương Tây áp dụng các biện pháp cấm vận (phía Nga liên tục gia hạn, lần gia hạn gần đây nhất là đến hết năm 2026), nền nông nghiệp Nga đã trải qua một quá trình chuyển mình mạnh mẽ. Từ một quốc gia nhập khẩu lương thực nhiều gấp 2,5 lần so với xuất khẩu năm 2013, tới năm 2020, Nga trở thành nước xuất khẩu ròng thực phẩm và hiện xuất khẩu đã cao hơn 24% so với lượng nhập từ nước ngoài.
Hiện tại, Chính phủ Nga tiếp tục dành sự hỗ trợ đặc biệt cho ngành sữa, mức hỗ trợ cao nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, đạt khoảng 81 tỷ ruble trong năm 2024. Các chính sách cụ thể bao gồm cho vay ưu đãi với lãi suất thấp, hoàn trả một phần đáng kể chi phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất (lên đến 30-42%), ưu đãi thuế, trợ cấp tính trên khối lượng thành phẩm, trợ cấp chi phí vận chuyển cho hàng xuất khẩu…. Nhờ chính sách đặc thù và sự bền bỉ của các doanh nghiệp ngành nông nghiệp, trong đó có tập đoàn TH, nước Nga đã biến cấm vận thành động lực lớn, thúc đẩy sản xuất nội địa và các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu phát triển mạnh mẽ.
Trong suốt tiến trình thực hiện Dự án Tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa của Tập đoàn TH tại Kaluga nói riêng và trên toàn Nga nói chung, TH luôn nhận được sự quan tâm và đánh giá cao từ lãnh đạo hai nước. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần nhắc đến TH như một điểm sáng hợp tác kinh tế, đánh giá cao kế hoạch hành động và tầm nhìn của Anh hùng lao động Thái Hương, gọi bà là "doanh nhân tài ba". Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, ông tiếp tục nhấn mạnh Tập đoàn TH là doanh nghiệp điển hình, có cách nhìn nhận nhạy bén và thấu đáo, đã nắm bắt thành công những cơ hội đầu tư tại thị trường Nga.
Ngoài nỗ lực của nhà đầu tư thì vai trò của chính quyền đặc biệt là người đứng đầu là rất quan trọng đối với sự thành công của Dự án. Không chỉ có các chính sách hỗ trợ đầu tư dài hạn, doanh nghiệp còn nhận được sự ủng hộ mọi mặt từ chính quyền Liên bang đến chính quyền địa phương.
Tỉnh Kaluga, nơi đặt nhà máy của tập đoàn TH, được xác định là vùng trọng điểm phát triển ngành sữa của Liên bang Nga. Tỉnh đặt mục tiêu tham vọng sản xuất 1 triệu tấn sữa mỗi năm vào năm 2030, tăng 40% so với hiện tại.

Kaluga hiện dẫn đầu cả nước Nga về tăng trưởng sữa thương mại và năng suất bò sữa (trung bình 28 lít/con/ngày). Mặc dù có khả năng tự cung tự cấp về sữa rất cao (162%), tỉnh lại đang thiếu hụt năng lực chế biến tại chỗ khiến hơn một nửa lượng sữa phải chuyển đi nơi khác. Do đó, Kaluga đang tích cực thu hút đầu tư lớn (dự kiến 52 tỷ ruble trong 6-7 năm tới) để xây dựng thêm các cơ sở chế biến hiện đại, đồng thời phát triển các trang trại công nghệ cao. Việc tập đoàn TH xây dựng nhà máy chế biến sữa hiện đại tại Kaluga giúp giải quyết hiệu quả bài toán thiếu hụt năng lực chế biến tại chỗ của tỉnh, một “vựa sữa” của Nga, và đã được chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện để hoàn thành nhà máy.
Nhu cầu tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa tại Nga đang trên đà tăng trưởng, đạt mức cao nhất trong 28 năm (khoảng 250kg/người/năm vào năm 2024) và hiện đã vượt quá nguồn cung nội địa. Điều này tạo ra cơ hội cho những nhà sản xuất như TH - có năng lực cung cấp sữa tươi chất lượng cao và các sản phẩm chế biến đa dạng, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, góp phần nâng cao chất lượng đời sống và làm phong phú thêm thị trường thực phẩm tại quốc gia này.
Người tiêu dùng Nga đang ngày càng ưa chuộng các sản phẩm giá trị gia tăng, sản phẩm đặc biệt như phô mai các loại, sữa chua, kefir, sản phẩm ít béo, cũng như bao bì size nhỏ hơn, tiện lợi. Về công nghệ, ngành nông nghiệp nói chung, ngành sữa nói riêng của Nga đang tập trung vào tự động hóa, nâng cao hiệu quả và an toàn vệ sinh thực phẩm – và đó là hướng đi mà TH đã kiên tâm theo đuổi và làm rất tốt ngay từ đầu khi triển khai Dự án.
Sự thấu hiểu và tạo điều kiện, ủng hộ của Chính phủ hai nước, cùng với nỗ lực bền bỉ không ngừng nghỉ của những con người TH, những bước tiến của Dự án đã mang tới các tác động kinh tế - xã hội tích cực, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hồi sinh hàng chục ngàn hecta đất nông nghiệp từng bị bỏ hoang tại Moscow và Kaluga thành những cánh đồng màu mỡ, tạo ra hơn 500 việc làm cho người lao động Nga, trở thành biểu tượng "ngoại giao nhân dân" đầy ý nghĩa.