Nghiên cứu - Trao đổi

Không hình sự hóa sai phạm kinh tế: Mở đường cho doanh nhân làm lại

Nguyễn Giang 12/05/2025 04:00

Sai phạm trong kinh doanh nếu bị hình sự hóa sẽ tước đi cơ hội sửa sai, làm lại của doanh nhân và cũng có thể khóa chặt động lực phục hồi của nền kinh tế…

Tinh thần xuyên suốt của Nghị quyết 68-NQ/TW là xây dựng thể chế phát triển kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự”.

Đây không chỉ là định hướng chính trị quan trọng, mà còn là chiếc van xả áp cho cộng đồng doanh nghiệp. Phát biểu tại Quốc hội ngày 8/5, đại biểu Hoàng Văn Cường đã cảnh báo: nếu xử lý hình sự hóa mọi sai phạm kinh tế, doanh nhân sẽ không còn cơ hội làm lại, cũng đồng nghĩa nền kinh tế sẽ đánh mất lực kéo từ khu vực tư nhân.

Thể chế cần một tư duy khoan dung có điều kiện

1-175219.jpg
Tinh thần xuyên suốt của Nghị quyết 68-NQ/TW là xây dựng thể chế phát triển kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự”. Ảnh minh hoạ

Hoạt động kinh doanh luôn đi kèm rủi ro. Khi pháp luật vẫn còn những điểm mù, chồng chéo, không ít doanh nghiệp buộc phải “lách luật” để đảm bảo tiến độ dự án, duy trì chuỗi cung ứng hoặc dòng vốn lưu chuyển. Trong nhiều trường hợp, việc vi phạm không bắt nguồn từ ý đồ trục lợi, mà đến từ hoàn cảnh vận hành.

Theo phân tích của đại biểu Hoàng Văn Cường: “Không thể vì một vi phạm kinh tế mà triệt tiêu luôn cả một hành trình doanh nghiệp đã gây dựng. Nếu hình sự hóa cứng nhắc, doanh nhân sẽ không còn cơ hội sửa sai, quay trở lại làm ăn chân chính”. Ông đề xuất cần một hệ thống phân loại rạch ròi: hành vi vi phạm có thể khắc phục thì ưu tiên xử lý hành chính hoặc tài chính, chỉ khi nào có dấu hiệu trục lợi, cố ý gây thiệt hại nghiêm trọng mới chuyển hướng hình sự.

Thực tiễn cho thấy, có những doanh nghiệp sau khi bị phát hiện sai phạm đã chủ động nộp phạt, bồi thường thiệt hại, tái cơ cấu hoạt động theo đúng quy định. Tuy nhiên, việc bị điều tra hình sự vẫn khiến họ mất niềm tin, tổn hại danh tiếng, đứt gãy chuỗi giá trị và kéo theo hàng loạt hệ lụy xã hội. Hệ quả là một lỗi nhỏ có thể khiến cả hệ thống sụp đổ, điều mà lẽ ra pháp luật cần linh hoạt để ngăn chặn.

Không hình sự hóa – bảo vệ động lực tăng trưởng

Báo cáo của VCCI năm 2023 cho thấy 71% doanh nghiệp lo ngại rủi ro pháp lý trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là nguy cơ bị xử lý hình sự khi gặp vướng mắc trong thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc hợp đồng. Những con số này không chỉ phản ánh sự bất an, mà còn chỉ ra một lỗ hổng lớn trong môi trường pháp lý.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt nhận định: “Thay vì hình sự hóa các vi phạm kinh tế mang tính kỹ thuật, nên khuyến khích cơ chế tự khắc phục hậu quả, kết hợp xử phạt hành chính nghiêm khắc. Đây là cách để vừa đảm bảo răn đe, vừa không triệt tiêu nguồn lực sản xuất”.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN nhấn mạnh: “Một nền pháp quyền hiện đại cần định hình các tầng nấc xử lý phù hợp: sai phạm kinh tế có thể khắc phục thì ưu tiên hành chính – tài chính, chỉ khi doanh nhân có hành vi gian dối, chiếm đoạt, tái phạm mới áp dụng chế tài hình sự. Nếu không có sự phân định rõ ràng này, chúng ta đang tự bóp nghẹt tinh thần làm ăn tử tế”.

Ở góc độ thể chế, Nghị quyết 68 chính là thông điệp chính trị mạnh mẽ để xóa bỏ tâm lý hình sự hóa trong quản trị kinh tế. Đó không phải là sự buông lỏng, mà là một cách thiết kế hệ thống pháp luật hướng đến sự khuyến khích, sửa sai và phục hồi. Một doanh nhân có thể từng vấp ngã, nhưng nếu còn cơ hội đứng dậy và đóng góp cho xã hội thì pháp luật cần có cơ chế để nuôi dưỡng cơ hội ấy.

Nếu thiếu đi điều đó, nền kinh tế sẽ mất đi niềm tin. Khởi nghiệp sẽ trở thành cuộc chơi rủi ro không hồi kết. Và thay vì khơi dậy tinh thần cải cách, sẽ lại làm dày thêm tâm lý e dè, phòng thủ và trì trệ trong khối doanh nghiệp tư nhân, lực lượng được xác định là một động cơ tăng trưởng quan trọng nhất trong thập niên tới.

Nguyễn Giang