Đề xuất giữ nguyên quy định “các khoản thu nhập khác” nhằm bảo đảm tính bao quát
Ngoài một số khoản thu nhập được liệt kê cụ thể, để đảm bảo tính bao quát, UBTVQH đề nghị giữ nguyên quy định “các khoản thu nhập khác” tại Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 12/5, Quốc hội nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Thay mặt UBTVQH, thông tin tại phiên họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội - Phan Văn Mãi cho biết, về việc quy định “các khoản thu nhập khác” trong điều khoản quy định về thu nhập chịu thuế: Ngoài một số khoản thu nhập được liệt kê cụ thể, Dự thảo Luật đã quy định “các khoản thu nhập khác” nhằm bảo đảm tính bao quát, xác lập cơ sở pháp lý để có thể thu thuế đối với tất cả các khoản thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các khoản thu nhập mới phát sinh mà thời điểm hiện nay chưa có căn cứ để quy định trong Luật do chưa có trong thực tiễn.
Theo ông Mãi, đây là các nội dung được kế thừa từ quy định hiện hành, không phát sinh vướng mắc trong thực hiện. Do đó, UBTVQH xin Quốc hội cho giữ như Dự thảo Luật.
Về quy định miễn thuế đối với các khoản tài trợ cho hoạt động phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, theo ông Mãi, để thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW, bên cạnh nhiều nội dung khác, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp tặng tài trợ được trừ khoản tài trợ cho phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số vào chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đồng thời, doanh nghiệp nhận tài trợ được miễn thuế đối với khoản thu nhập này, không phân biệt các khoản tài trợ này là nhận được từ các doanh nghiệp độc lập bên ngoài hay là nhận được từ các doanh nghiệp có quan hệ liên kết.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại rằng, các khoản chi cho phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thường rất lớn, phạm vi rộng và hiện còn thiếu các quy định pháp luật cụ thể, việc định giá theo thị trường trong các lĩnh vực này là khó khả thi. Do đó, quy định này tiềm ẩn rủi ro bị lợi dụng để thực hiện chuyển lợi nhuận, chuyển giá, trốn thuế khi giữa doanh nghiệp cho và doanh nghiệp nhận tài trợ là các bên có quan hệ liên kết.

“Các nội dung này chưa được phân tích, đánh giá tác động kỹ lưỡng, nên cần được xem xét thận trọng và có thể trước mắt chưa nên áp dụng việc miễn thuế này đối với một số ít các trường hợp mà giữa bên cho và bên nhận là các doanh nghiệp có quan hệ liên kết”, ông Mãi chia sẻ.
Đồng thời cho hay, UBTVQH báo cáo Quốc hội xem xét, bổ sung quy định cho phép miễn thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho mọi khoản tài trợ như đề xuất của Chính phủ, đề nghị Chính phủ ban hành đầy đủ các quy định cần thiết và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, bảo đảm mục tiêu của việc chống chuyển giá, chuyển lợi nhuận giữa các bên có quan hệ liên kết, tránh việc bị lợi dụng chính sách;
Trong quá trình tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm theo dõi, đánh giá chi tiết về các khoản tài trợ được cho - nhận giữa các bên có quan hệ liên kết, sự thay đổi về nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp và số nộp ngân sách của các đơn vị này trước và sau khi chính sách được ban hành để kịp thời báo cáo Quốc hội xem xét, điều chỉnh trong trường hợp mức độ tác động là đáng kể.
Bên cạnh đó, về quy định cho phép doanh nghiệp được bù trừ lãi của hoạt động kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư với lỗ từ hoạt động kinh doanh khác khi xác định thu nhập tính thuế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng cho hay, quy định hiện hành không cho phép việc bù trừ này để bảo đảm đóng góp vào ngân sách đối với các khoản lợi nhuận lớn từ hoạt động kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư của các doanh nghiệp.
Hiện các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có xu hướng kinh doanh đa ngành, Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 đã sửa đổi quy định này để tạo thuận lợi, tháo gỡ vướng mắc và bảo đảm sự công bằng cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khác, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đã đặt ra; tác động về số thu theo báo cáo là không đáng kể.
“Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại về rủi ro của quy định này khi thực hiện vì có thể tạo ra cơ chế cho doanh nghiệp lợi dụng làm giảm nghĩa vụ thuế từ hoạt động kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư thông qua việc được bù trừ với lỗ từ các hoạt động kinh doanh khác có thể chỉ mang tính ngắn hạn và được hạch toán lỗ có chủ đích; số liệu đánh giá theo báo cáo (trên cơ sở dữ liệu năm 2023) chưa thể hiện được sát thực tác động trên thực tế sau khi thực hiện.
Vì vậy, UBTVQH đề nghị nội dung này cần được tiếp tục đánh giá kỹ hơn về tác động thực tế của chính sách khi đã đi vào thực hiện để loại trừ rủi ro lợi dụng chính sách làm giảm nghĩa vụ thuế, ảnh hưởng đến số thu từ lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Với tinh thần ủng hộ Chính phủ trong việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt 8%, UBTVQH xin báo cáo Quốc hội đồng ý với đề xuất nội dung sửa đổi này của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đạt mục tiêu, tránh việc bị lợi dụng chính sách, bảo đảm Quy định 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính bày tỏ.
Ngoài các nội dung đã nêu, tại Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật, UBTVQH cũng thông tin về một số nội dung liên quan đến: Chính sách ưu đãi để khuyến khích hoạt động nghiên cứu phát triển, cho phép doanh nghiệp được trừ chi phí bổ sung,cao hơn mức thực chi của doanh nghiệp cho hoạt động nghiên cứu và phát triển khi xác định thu nhập chịu thuế; Các khoản chi phí không liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, một số khoản chi đặc thù khác đã phát sinh trên thực tế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế;
Thuế suất áp dụng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa và tính thống nhất với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Ưu đãi thuế và tính thống nhất với cácquy định pháp luật về đầu tư và một số luật chuyên ngành;…