Dự kiến ngày 15/3/2026 bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI
Đây là chia sẻ của Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Thanh về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại phiên họp sáng 12/5.
Theo đó, trình bày Tờ trình về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Thanh cho biết, theo các quy định, đến ngày 20/7/2026 Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ kết thúc nhiệm kỳ và chậm nhất là ngày 24/5/2026 Quốc hội khóa XVI, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 phải được bầu xong.

Tuy nhiên, căn cứ chủ trương của Đảng và yêu cầu thực tiễn cho thấy, cần rút ngắn khoảng thời gian giữa Đại hội Đảng toàn quốc và kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, Hội đồng nhân dân khóa mới để kịp thời kiện toàn nhân sự cấp cao, thực hiện việc phân công cấp ủy viên khóa mới đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, ổn định liên tục, liên thông đội ngũ cán bộ chủ chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, đồng thời, cấp ủy các cấp nhiệm kỳ mới kịp thời triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và Đại hội Đảng các cấp.
“Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp, pháp luật, để thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, sau khi cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 dự kiến sẽ được tổ chức vào Chủ nhật, ngày 15/3/2026 là phù hợp với các yêu cầu về thực tiễn. Do vậy, việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là cần thiết”, Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.

Đồng thời cho hay, để rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội, Hội đồng nhân dân với mục tiêu nêu trên, nhưng vẫn có đủ thời gian thực hiện các thủ tục, quy trình trong công tác bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được rút ngắn 3 tháng, kết thúc vào đầu tháng 4/2026 (thay vì tháng 7/2026).
Liên quan đến công tác bầu cử, trước đó, trình bày Dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội - Nguyễn Thanh Hải cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi 25 Điều có nội dung liên quan đến tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Theo đó, Dự thảo lược bỏ toàn bộ các quy định có nội dung liên quan đến Hội đồng nhân dân cấp huyện.
Đồng thời điều chỉnh, bổ sung một số nội dung có liên quan đến mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, như: thẩm quyền quyết định việc xác định khu vực bỏ phiếu; việc tăng số lượng thành viên của Ủy ban bầu cử ở cấp xã; bổ sung thành phần đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã tham dự các hội nghị hiệp thương ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; bổ sung quy định chuyển tiếp, quy định đối với những nơi hiện không tổ chức Hội đồng nhân dân phường.
Bên cạnh đó, sửa đổi 20 Điều có nội dung liên quan đến giảm thời gian thực hiện một số bước trong quy trình bầu cử. Trong đó, đối với khoảng thời gian từ thời điểm cuối nộp hồ sơ ứng cử tới ngày bầu cử rút ngắn từ 70 ngày xuống còn 42 ngày, nhưng vẫn đảm bảo tổng thời gian từ hạn cuối công bố ngày bầu cử đến ngày bầu cử là 115 ngày như Luật hiện hành.
Đối với khoảng thời gian từ ngày bầu cử đến ngày khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới, điều chỉnh giảm thời gian một số bước như: thời hạn công bố kết quả bầu cử, danh sách trúng cử; thời gian tiếp nhận khiếu nại kết quả bầu cử và xem xét giải quyết khiếu nại kết quả bầu cử; thời gian tiến hành bầu cử thêm, bầu cử lại.
“Với các điều chỉnh rút ngắn như đề xuất thì ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới sớm nhất có thể là sau ngày bầu cử chỉ 22 ngày (Luật Tổ chức Quốc hội đang cho phép tối đa là 60 ngày)”, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu chia sẻ.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội -Dương Thanh Bình cho biết, đa số ý kiến tán thành với việc điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử còn 42 ngày.
Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc việc giảm thời gian ở một số bước để bảo đảm tính khả thi, như: thời gian từ khi nộp hồ sơ ứng cử đến ngày cuối cùng tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai còn 2 ngày; thời gian từ Hội nghị hiệp thương lần thứ hai đến lần thứ ba còn 17 ngày; thời gian tiếp nhận khiếu nại còn 3 ngày; thời gian xem xét, giải quyết khiếu nại còn 7 ngày...