Đề xuất TP Hải Phòng thí điểm thành lập Khu thương mại tự do là cần thiết
Đây là nhận định của cơ quan thẩm tra, trước đề xuất tại Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng nay 13/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài chính - Nguyễn Văn Thắng cho biết, TP Hải Phòng có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, thể chế hóa đường lối của Đảng, việc sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính sẽ tạo ra không gian phát triển rộng lớn, tạo dư địa tăng tốc và hình thành cực tăng trưởng quan trọng cho phía Bắc và cả đất nước. Điều đó càng đặt ra yêu cầu có một cơ chế vượt trội, phù hợp với đặc thù để phát huy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế mới của Hải Phòng trong phát triển kinh tế, xã hội.
Các chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng đề xuất thực hiện thí điểm được xây dựng theo 6 nhóm chính sách lớn với 41 chính sách cụ thể, bao gồm: quản lý đầu tư (2 chính sách); Quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước (4 chính sách); quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên và môi trường (9 chính sách); quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo (8 chính sách); thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố Hải Phòng quản lý (1 chính sách); thành lập và các cơ chế, chính sách trong Khu Thương mại tự do tại thành phố Hải Phòng (17 chính sách).

Trong đó, về quy định thành lập Khu thương mại tự do tại TP Hải Phòng, một số chính sách đặc thù ưu đãi được đề xuất như: đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư, kinh doanh; thủ tục xuất nhập khẩu; thủ tục xuất nhập cảnh, tạm trú và giấy phép lao động; thủ tục đất đai, đầu tư xây dựng; tối ưu hóa ưu đãi đầu tư về tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế (khoản 5); hoạt động đầu tư, kinh doanh khác trong Khu thương mại tự do và cho phép chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mở phòng giao dịch trong Khu thường mại tự do ngoài trụ sở chi nhánh.
Đồng thời, để thực hiện thí điểm cơ chế “một cửa, tại chỗ” đối với Khu thương mại tự do Hải Phòng, Dự thảo Nghị quyết quy định Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng được thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trực tiếp đối với các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Hải Phòng và giao thẩm quyền cho Ban quản lý giải quyết trực tiếp các thủ tục về cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; cấp, cấp đổi, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ cho nhà đầu tư và cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy phép lao động và xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động vào Khu thương mại tự do Hải Phòng.
Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội - Phan Văn Mãi cho biết, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhận thấy, quy định này khác với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Đấu thầu hiện hành. Tuy nhiên Kết luận 96-NQ/TW của Bộ Chính trị đã cho phép ban hành Nghị quyết mới được áp dụng các cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội mang tính đột phá, vì vậy, quy định trên có căn cứ chính trị và cơ sở pháp lý…
Về thành lập Khu thương mại tự do tại Hải Phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Văn Mãi cho rằng, việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do là cần thiết, là quyết tâm chính trị của TP Hải Phòng và Chính phủ; có đủ căn cứ chính trị, cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, không chỉ mang tính chất kinh tế mà liên quan đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Do vậy, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính, cần đánh giá tác động đến tăng trưởng kinh tế, ngân sách, xã hội; tính lan tỏa vùng miền... cơ chế quản lý rủi ro, cơ chế giám sát bảo đảm một mặt thông thoáng song giữ vững an toàn tài chính, an ninh kinh tế, trật tự xã hội; trách nhiệm trong triển khai của các cá nhân, tổ chức liên quan.
Về chính sách thí điểm trong Khu thương mại tự do Hải Phòng, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng đề nghị rà soát thẩm quyền Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng thực hiện cơ chế “một cửa” để bảo đảm đơn giản hóa thủ tục hành chính; rõ ràng, minh bạch, kịp thời (ngắn về thời hạn); cụ thể về quy trình; hợp lý về thẩm quyền, bảo đảm năng lực tổ chức thực hiện.