Nghiên cứu - Trao đổi

Cần bảo đảm hài hòa lợi ích khi tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng

Bài: Yến Nhung - Ảnh: Quốc Tuấn 13/05/2025 15:00

Trong bối cảnh thu ngân sách còn nhiều áp lực, cần đánh giá kỹ tác động chính sách giảm thuế, bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu phục hồi kinh tế và yêu cầu ổn định tài khóa.

Theo Tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), những mặt hàng đang chịu GTGT 10% (trừ một số nhóm hàng) sẽ được giảm xuống 8% trong thời gian 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026. Đây là lần tiếp theo Chính phủ đề xuất giảm thuế GTGT như một giải pháp chính sách tài khóa ngắn hạn nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước. Dù được ban hành theo từng giai đoạn khác nhau, nhưng từ sau đại dịch COVID-19 (năm 2022) đến nay, chính sách này đã được áp dụng ổn định, trở thành công cụ quan trọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh, đồng thời góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, công tác điều hành giá linh hoạt, đồng bộ được xem là “chìa khóa” để kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng bền vững
Theo đó những mặt hàng đang chịu GTGT 10% (trừ một số nhóm hàng) sẽ được giảm xuống 8% trong thời gian 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức; kinh tế thế giới có nhiều biến động bất ổn không thể lường trước, các nguyên tắc chung trong quan hệ kinh tế, thương mại quốc tế bị phá vỡ... ảnh hưởng đến khả năng bảo đảm các mục tiêu xuất khẩu... việc tiếp tục ban hành chính sách này có thể xem là một biện pháp hướng vào tiêu dùng nội địa nhằm thúc đẩy tăng trưởng, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% đã đề ra.

Khác với các giai đoạn trước, trong lần đề xuất này, Chính phủ kiến nghị mở rộng nhóm hàng hóa, dịch vụ được áp dụng mức thuế suất GTGT ưu đãi 8%. Ngoài các nhóm hàng hóa đã được áp dụng trong các đợt trước, Chính phủ đề xuất bổ sung thêm các mặt hàng, dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và du lịch như sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, than cốc, dầu mỏ tinh chế; sản phẩm hoá chất, than ở khâu nhập khẩu và than bán ra ở khâu kinh doanh thương mại, xăng, dầu.

Các hàng hóa dịch vụ không được giảm thuế GTGT đợt này gồm viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng).

Đánh giá cao tác động của đề xuất này, TS Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế nhận định, việc giảm thuế GTGT 2% tiếp tục là một giải pháp tài khóa linh hoạt, vừa hỗ trợ tổng cầu vừa thúc đẩy tổng cung. Đối với người tiêu dùng, việc giảm giá hàng hóa, dịch vụ sẽ kích thích tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình, qua đó gia tăng tổng cầu xã hội. Về phía doanh nghiệp, chính sách này giảm giá thành hàng hóa, kích thích khả năng tiêu dùng của người dân, từ đó tăng tổng cầu xã hội và tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm động lực đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh.

“Việc giảm thuế GTGT giúp doanh nghiệp duy trì được động lực đầu tư, duy trì dòng tiền và việc làm cho người lao động, qua đó, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính cho cả ngân hàng và ngân sách nhà nước. Về lâu dài, việc giảm thuế GTGT còn giúp doanh nghiệp duy trì được nguồn lực phát triển”, ông Phong nhấn mạnh.

Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng năm 2025
Trong bối cảnh thu ngân sách còn nhiều áp lực, cần đánh giá kỹ tác động chính sách giảm thuế, bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu phục hồi kinh tế và yêu cầu ổn định tài khóa

Thẩm tra nghị quyết nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, đa số ý kiến tán thành với đề xuất tiếp tục giảm thuế để hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lưu ý cần đánh giá kỹ các tác động đến ngân sách nhà nước, đặc biệt là khả năng cân đối thu - chi trong điều kiện nguồn thu chưa thực sự bền vững, trong khi các nhiệm vụ chi ngày càng mở rộng.

Theo ông Mãi, dự kiến khoản giảm thu hơn 39.500 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm 2025 hiện vẫn chưa được tính vào dự toán ngân sách năm nay. Việc này, cùng với các chính sách giảm thu khác và nhiệm vụ chi mới, có thể tạo thêm áp lực lên bội chi ngân sách và an toàn tài khóa trung hạn. Do đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ cần có đánh giá chi tiết và cụ thể hơn về tác động của chính sách trong trung và dài hạn, đặc biệt là ảnh hưởng đến nợ công.

Về hình thức ban hành, đa số ý kiến đồng tình với việc xây dựng một Nghị quyết riêng của Quốc hội nhằm đảm bảo tính pháp lý và quy định rõ ràng phạm vi áp dụng. Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc kỹ tên gọi nghị quyết cho phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, để không gây nhầm lẫn với Luật Thuế GTGT (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này.

“Về phạm vi, cơ quan thẩm tra đồng tình với việc mở rộng đối tượng được giảm thuế, nhưng đề nghị rà soát kỹ để tránh bất cập khi một số nhóm hàng hóa, dịch vụ vẫn bị loại trừ. Một số ý kiến đề xuất xem xét giảm thuế toàn bộ nhằm đảm bảo công bằng, nếu chênh lệch thu không đáng kể. Về thời hạn áp dụng chính sách, đa số ý kiến ủng hộ kéo dài đến hết năm 2026. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng nếu tác động thực tế chưa rõ ràng, nên cân nhắc chỉ áp dụng đến hết năm 2025, đồng thời tích hợp nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp Quốc hội, thay vì ban hành riêng”, ông Phan Văn Mãi cho hay.

Bài: Yến Nhung - Ảnh: Quốc Tuấn