Đề xuất bỏ thủ tục rườm rà, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Góp ý Dự thảo Thông tư quy định việc đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền, vị thuốc cổ truyền, dược liệu, VCCI đề xuất nhiều điều chỉnh nhằm đơn giản hóa thủ tục, loại bỏ các yêu cầu không cần thiết.
Theo đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản góp ý gửi Bộ Y tế liên quan đến Dự thảo Thông tư quy định việc đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền, vị thuốc cổ truyền, dược liệu (gọi tắt là Dự thảo). Văn bản này nhằm trả lời Công văn số 508/YDCT-LD của Bộ Y tế đề nghị góp ý Dự thảo nói trên.

Theo VCCI, Dự thảo chủ yếu quy định về hồ sơ, trình tự và thủ tục hành chính trong đăng ký lưu hành các sản phẩm y học cổ truyền, vì vậy các quy định cần cụ thể, rõ ràng và đơn giản để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Về cơ bản, các quy định đã đảm bảo được nguyên tắc này, tuy nhiên vẫn cần chỉnh sửa một số nội dung để hoàn thiện hơn.
Một trong những vấn đề được VCCI đề cập là quy định về hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp nước ngoài. Cụ thể, tại điểm a khoản 6 Điều 3, Dự thảo yêu cầu bản sao có chứng thực từ cơ quan có thẩm quyền Việt Nam và “trường hợp cần thiết phải xuất trình bản chính để đối chiếu”.
Theo VCCI, khi bản sao đã được chứng thực thì việc yêu cầu thêm bản chính để đối chiếu là không cần thiết. Do đó, đề nghị bỏ quy định “trường hợp cần thiết phải xuất trình bản chính để đối chiếu” để tránh phát sinh thủ tục không cần thiết.
VCCI cũng bày tỏ băn khoăn với quy định yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ pháp lý, đặc biệt trong trường hợp giấy tờ được cấp dưới dạng điện tử mà không có đủ chữ ký và dấu xác nhận từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của nước cấp giấy tờ pháp lý. VCCI đề nghị xem xét lại để quy định rõ ràng hơn, phù hợp với thực tiễn sử dụng giấy tờ điện tử hiện nay.

Bên cạnh đó, tại Điều 4 Dự thảo, quy trình xác minh giấy tờ pháp lý còn thiếu rõ ràng về thời hạn xác minh và hệ quả pháp lý nếu không nhận được phản hồi từ cơ quan xác minh sau 6 tháng. VCCI cho rằng cần rà soát lại quy định này và quy định rõ về trường hợp xác minh giấy tờ pháp lý, đặc biệt liên quan đến thời hạn và mối liên hệ với quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy đăng ký lưu hành ở các quy định tại Dự thảo.
“Hiện nay, với việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước, các thủ tục hành chính có xu hướng không yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp những tài liệu mà cơ quan giải quyết thủ tục hành chính có hoặc có thể tra cứu thông tin. Tuy nhiên, Dự thảo hiện vẫn yêu cầu một số tài liệu như bản sao Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược – một tài liệu mà cơ quan tiếp nhận hồ sơ hoàn toàn có thể tự tra cứu. Do đó, cần rà soát toàn bộ Dự thảo và bãi bỏ các yêu cầu tài liệu trùng lặp”, VCCI đề nghị.
Ngoài những nội dung này, tại văn bản góp ý, VCCI đề nghị bổ sung quy định rõ ràng về thời hạn xem xét tính đầy đủ của hồ sơ trong thủ tục cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền để tránh kéo dài quy trình (Điều 22). Đồng thời, kiến nghị cơ quan soạn thảo quy định nguyên tắc hướng dẫn sửa đổi hồ sơ trong một lần nhằm hạn chế việc phải bổ sung nhiều lần (Khoản 5 Điều 22). Đối với thủ tục gia hạn giấy đăng ký lưu hành (Điều 23), VCCI đề xuất rút ngắn thời gian xử lý đối với trường hợp không qua thẩm định của Hội đồng, do thủ tục này đơn giản hơn.