VCCI

Thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp khu vực Duyên hải Bắc bộ và Ả rập Xê Út

Nguyễn Chuẩn - Lan Vũ 13/05/2025 19:00

Sự kết nối giữa VCCI Duyên hải Bắc bộ và Đoàn Đại sứ quán Ả rập Xê Út tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác doanh nghiệp song phương.

Nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với Vương quốc Ả rập Xê Út tại Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh Duyên hải Bắc bộ (VCCI Duyên hải Bắc bộ) phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Ả rập Xê Út tại Việt Nam tổ chức buổi làm việc giữa doanh nghiệp Việt Nam và Đoàn Đại sứ quán Ả rập Xê Út tại Việt Nam vào chiều ngày 13/5.

vccihp1(1).jpg
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh Duyên hải Bắc bộ (VCCI Duyên hải Bắc bộ) phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Ả rập Xê Út tại Việt Nam tổ chức buổi làm việc giữa doanh nghiệp Việt Nam và Đoàn Đại sứ quán Ả rập Xê Út tại Việt Nam.

Sự kiện có sự tham dự của Ngài Mohammed Ismaeil A. Dahlwy – Đại sứ Ả rập Xê Út tại Việt Nam, cùng ông Phí Trọng Đức, Quyền Giám đốc VCCI Duyên hải Bắc bộ và đông đảo doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghiệp, logistics, điện tử và khai khoáng tại khu vực.

Trong những năm gần đây, Việt Nam và Ả rập Xê Út đã thiết lập cơ chế hợp tác toàn diện, đặc biệt sau khi ký kết Biên bản Ghi nhớ (MoU) về thương mại, công nghiệp, đầu tư và kinh tế số ngày 30/10/2024. Ả rập Xê Út hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại Trung Đông, đồng thời nằm trong top 80 quốc gia đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 8,57 triệu USD.

Thương mại song phương cũng duy trì đà tăng ổn định, với kim ngạch năm 2024 đạt trên 2,82 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2023. Con số này phản ánh xu hướng ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội xuất khẩu và đầu tư tại quốc gia này. Chính phủ hai nước cũng đang xem xét khả năng ký FTA để tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Tại buổi gặp mặt, Ngài Đại sứ Mohammed Ismaeil A. Dahlwy chia sẻ: “Tôi vẫn theo dõi sự phát triển của Việt Nam, cùng với sự phát triển cơ sở hạ tầng của Hải Phòng và khu vực. Tôi đánh giá cao sự phát triển, đặc biệt là các dự án đường sắt, logistics của việt nam. Đây sẽ là cơ hội để Hải Phòng và các địa phương trong khu vực phát triển”.

Ngài Đại sứ cũng cho rằng, Hải Phòng và khu vực Duyên hải có rất nhiều cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp của Ả Rập Xê Út, đồng thời quốc gia này cũng đang khuyến khích khối doanh nhân tìm hiểu cơ hội hợp tác với Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng. “Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư. Chúng tôi mong muốn thấy nhiều liên doanh bền vững, nhất là trong mảng năng lượng tái tạo và công nghiệp chế biến”, Ngài Đại sứ chia sẻ.

vccihp3(1).jpg
Ngài Đại sứ cho rằng, Hải Phòng và khu vực Duyên hải Bắc bộ có rất nhiều cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp của Ả Rập Xê Út.

Ngài Đại sứ cũng tiết lộ thêm rằng, sự quan tâm hợp tác của các doanh nghiệp quốc gia Trung Đông này sẽ được tiếp thêm động lực trong thời gian tới đây, khi Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Ả rập Xê Út sẽ đến thăm và làm việc tại việt nam, hy vọng đây sẽ là cơ hội để giao lưu, hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước.

Về phía VCCI, ông Phí Trọng Đức, Quyền Giám đốc VCCI Duyên hải Bắc bộ chúc mừng Ngài Đại sứ với năm thứ 3 trong nhiệm kỳ tại Việt Nam cùng nhiều hoạt động kỷ niệm 25 năm ngoại giao vào năm 2024. Cũng theo ông Đức, Hải Phòng có chút tương đồng với Ả Rập Xê Út, điều này có thể sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội để hai bên hợp tác như logistic, giáo dục, dệt may, điện tử…

Bên cạnh đó, ông Phí Trọng Đức cũng nhấn mạnh: “Hải Phòng với lợi thế cảng biển quốc tế và cụm khu công nghiệp sẵn sàng trở thành trung tâm kết nối hàng hóa giữa Đông Nam Á và Trung Đông. VCCI Duyên hải Bắc bộ cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ thủ tục và đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu”.

Cũng tại chương trình gặp mặt, lần lượt các doanh nghiệp trong các lĩnh vực tự động hóa, hóa chất, logistics và tư vấn doanh nghiệp đã có những phát biểu chào mừng Ngài Đại sứ và bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề hợp tác với các doanh nghiệp quốc gia Trung Đông này.

Trên thực tế, Việt Nam có thế mạnh chế biến thủy sản tuân thủ tiêu chuẩn Halal, tiêu chuẩn chuỗi Hành trình Sản phẩm mặc định (MSC), tiêu chuẩn tự nguyện về quản lý an toàn thực phẩm (BRCGS)…, dễ tiếp cận thị trường Trung Đông với nhu cầu lớn về thực phẩm an toàn. Về năng lượng, Petrovietnam và Saudi Aramco cũng đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược, mở đường cho các dự án hạ tầng lọc hóa dầu và kho cảng dầu thô tại khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, với tầm nhìn “Hai quốc gia, một hành lang kết nối”, các doanh nghiệp logistics Việt Nam đang nghiên cứu mở rộng dịch vụ trung chuyển hàng hóa qua cảng Hải Phòng tới các cảng trọng yếu của Ả rập Xê Út.

Trong lĩnh vực điện tử và công nghệ số, FPT cũng vừa thành lập văn phòng khu vực tại Riyadh, đánh dấu bước đầu khai thác cơ hội triển khai dự án công nghệ thông tin và AI tại thị trường này. Cơ chế hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số, bao gồm chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực và phát triển hệ sinh thái startup, được hai bên đặc biệt quan tâm theo nội dung MoU ngày 30/10/2024.

Ngoài ra, Ả rập Xê Út cũng rất giàu tiềm năng dầu khí và khoáng sản, trong khi Việt Nam có lợi thế trong khai thác bauxite, titan và khoáng vàng. Hai phía đang xúc tiến nghiên cứu chung nâng cao hiệu quả khai thác, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, hướng tới tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kết thúc buổi làm việc, Ngài Đại sứ Mohammed Ismaeil A. Dahlwy mong Đại sứ quán Ả rập Xê Út và VCCI có sự liên hệ thường xuyên với nhau, sẵn sàng kết nối các doanh nghiệp với nhau, đồng thời cam kết hỗ trợ visa cho các doanh nghiệp một cách thuận lợi nhất.

Đồng quan điểm, ông Phí Trọng Đức, lãnh đạo VCCI Duyên hải Bắc bộ cũng bày tỏ sự quan tâm đến chuyến thăm của ngài bộ trưởng, mong đại sứ quán hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp khu vực Duyên hải Bắc bộ nói riêng, có những cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Ả rập Xê út.

Nguyễn Chuẩn - Lan Vũ