Vĩnh Phúc ưu tiên các dự án đầu tư du lịch
Với nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú cùng những di tích lịch sử, văn hóa, Vĩnh Phúc ưu tiên các dự án đầu tư du lịch, tập trung phát triển các loại hình du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh.

Tỉnh Vĩnh Phúc có vị trí địa lý nằm trọn trong vùng chuyển tiếp địa - văn hóa miền núi, trung du Tây Bắc xuống đồng bằng Đông Nam châu thổ sông Hồng. Tỉnh Vĩnh Phúc có bề dày dòng chảy lịch sử với những di tích lịch sử - văn hóa và những di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Bên cạnh đó Vĩnh Phúc cũng có cũng có những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp.
Nhiều thế mạnh phát triển du lịch
Vĩnh Phúc được thiên nhiên ban tặng đủ 3 vùng cảnh quan là miền núi, trung du, đồng bằng, tạo nên một chỉnh thể “Núi bọc sông bao, sơn kỳ thuỷ tú”.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Khắc Hiếu chia sẻ tại Hội nghị Xúc tiến, quảng bá điểm đến du lịch Vĩnh Phúc tại thành phố Đà Nẵng diễn ra mới đây cho thấy, hiện nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có tổng số hơn 1400 di tích lịch sử, văn hóa, với 533 di tích đã xếp hạng; trong đó 69 di tích cấp quốc gia (6 di tích quốc gia đặc biệt, 63 di tích quốc gia), 464 di tích cấp tỉnh.
Tỉnh Vĩnh Phúc còn nổi tiếng với các di sản văn hóa đặc sắc đã được cấp bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên, Lễ hội kéo Song Hương Canh, Lễ hội Rước nước đền ngự dội.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 19 làng nghề truyền thống với đa dạng, cùng nhiều món ăn đặc sản mang đậm màu sắc địa phương... tạo sức hút rất lớn đối với du khách.

Đáng chú ý, tỉnh Vĩnh Phúc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Tam Đảo là Khu Du lịch Quốc gia; Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới cũng vinh danh Thị trấn Tam Đảo là “Thị trấn du lịch hàng đầu thế giới năm 2022”. Năm 2024, Thị trấn Tam Đảo tiếp tục được nhận giải thưởng “Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới” và hệ thống sân golf Vĩnh Phúc được lọt top 5 - sân golf được yêu thích nhất.
Bên cạnh việc phát triển du lịch sinh thái và du lịch tâm linh, lễ hội, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đầu tư mạnh loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch MICE và du lịch thể thao golf nhằm hướng tới du khách có mức thu nhập và chi tiêu cao.
Trong những năm gần đây, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch MICE, du lịch golf đã có bước đột phá, tạo nguồn thu lớn cho ngành du lịch, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…
Tạo bước đột phá, đưa du lịch “cất cánh”
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước.
Từng bước hiện thực hóa mục tiêu này, Vĩnh Phúc đã định hình phát triển ngành du lịch theo 3 loại hình chính, gồm: Du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái; du lịch văn hóa, lịch sử, thắng cảnh, làng nghề; du lịch hội nghị, hội thảo nhằm khai thác tối đa và tận dụng hiệu quả lợi thế, tiềm năng sẵn có của địa phương.

Đồng thời, tỉnh ban hành, tạo đột phá trong cơ chế chính sách; trong đó, Nhà nước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách trong phát triển du lịch còn doanh nghiệp và người dân là chủ thể chính, trực tiếp triển khai tổ chức thực hiện hoạt động dịch vụ, du lịch.
Trước những lợi thế sẵn có về du lịch tâm linh, du lịch văn hoá khám phá cảnh quan thiên, du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khoẻ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Khắc Hiếu khẳng định: Ngành du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang phát triển đột phá, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Khách du lịch đến Vĩnh Phúc tăng nhanh, giai đoạn 2015-2019 tăng trưởng bình quân về lượt khách là 15%/năm. Trong năm 2024, du lịch Vĩnh Phúc ước đón hơn 10,6 triệu lượt khách; tổng doanh thu du lịch ước đạt: 4.000 tỷ đồng.
Hiện tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt quy hoạch 6 khu du lịch dịch vụ trọng điểm và triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch bằng nguồn ngân sách nhà nước. Tính từ giai đoạn năm 2015 đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã đầu tư 2.577 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho kết cấu hạ tầng trong các khu du lịch.
Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch. Đến nay tỉnh có tổng số 40 dự án của các nhà đầu tư và một số công trình đầu tư vào lĩnh vực du lịch đã được cấp phép đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 21.162 tỷ đồng; trong đó đã thực hiện 11.336 tỷ đồng, đạt 55% số vốn cam kết.

Để đưa ngành du lịch phát triển hơn nữa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Khắc Hiếu nhìn nhận: Tỉnh Vĩnh Phúc sẽ ưu tiên các dự án đầu tư du lịch, tập trung phát triển các loại hình du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh.
Cụ thể, Vĩnh Phúc sẽ phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, tâm linh, lễ hội, du lịch MICE, du lịch thể thao Golf, hình thành các khu du lịch trọng điểm có tính độc đáo, tạo ra sự khác biệt, cạnh tranh cao, có chất lượng dịch vụ tốt nhất, sản phẩm du lịch đa dạng.
“Chúng tôi trân trọng mời doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu và đầu tư vào du lịch Vĩnh Phúc. Tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện và xây dựng môi trường đầu tư hợp tác kinh doanh hấp dẫn và thông thoáng, luôn lắng nghe và đồng hành cùng doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển du lịch Vĩnh Phúc”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Khắc Hiếu bày tỏ.
Năm 2025, Vĩnh Phúc phấn đấu năm đón trên 12 triệu lượt khách; trong đó, khách quốc tế trên 10.000 lượt; doanh thu du lịch ước đạt trên 4.500 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, tỉnh xác định thúc đẩy ngành Du lịch trở thành trụ cột kinh tế quan trọng, bảo đảm tính bền vững và khả năng cạnh tranh. Từ đó, đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch, tập trung vào các sản phẩm đặc thù như: Du lịch thể thao (golf), hội nghị, hội thảo, văn hóa, sinh thái và du lịch mạo hiểm; tăng cường khai thác tiềm năng du lịch tại các vùng đặc trưng, đặc biệt là khu vực các xã dưới chân núi Tam Đảo và các khu di sản văn hóa của tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điểm đến, hỗ trợ khách du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời, xây dựng hệ sinh thái số phục vụ khách hàng và doanh nghiệp bảo đảm tính bền vững; trong đó, lồng ghép các yếu tố bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu vào quy hoạch và phương án phát triển du lịch; định hướng phát triển xanh trong các mô hình kinh doanh du lịch. Tỉnh tiếp tục tăng cường xúc tiến và quảng bá du lịch, tổ chức các chiến dịch quảng bá tập trung vào thị trường trong nước và quốc tế tiềm năng, đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực.