Chuyển dịch năng lượng xanh: Hoàn thiện cơ chế giá
Cần giải quyết dứt điểm những vấn đề giá mua bán điện của những dự án cũ để nhà đầu tư có niềm tin và an tâm rót vốn đầu tư.

Theo Quy hoạch Điện VIII sửa đổi, Chính phủ đề ra mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng cơ cấu năng lượng quốc gia sẽ được tăng lên mức 28% - 36% vào năm 2030 và 75% vào năm 2050.
Rào cản “đè bẹp” mục tiêu
Các mục tiêu này không chỉ tạo ra áp lực mà còn tạo động lực cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia phát triển năng lượng tái tạo. Đồng thời đặt ra yêu cầu thu hút nguồn lực xã hội cho chuyển dịch năng lượng xanh. Có thể thấy, với các cam kết về giảm phát thải và phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam cũng cần có chiến lược rõ ràng để thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân, tận dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và công nghệ hiện đại nhằm bảo đảm an ninh năng lượng lâu dài.
Tuy nhiên, trên thực tế, theo TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, khu vực tư nhân vẫn gặp nhiều rào cản khi đầu tư vào năng lượng. Những rào cản này liên quan đến chính sách thu hút đầu tư, cơ sở hạ tầng năng lượng, thủ tục hành chính phức tạp và hạn chế trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Ông cho rằng đầu tư vào năng lượng đòi hỏi nguồn vốn lớn và thời gian hoàn vốn dài, nhưng các doanh nghiệp tư nhân lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay do lãi suất cao trong nước và yêu cầu bảo lãnh từ Chính phủ khi vay vốn nước ngoài.
Áp dụng cơ chế điện 2 thành phần
Để tháo gỡ những khó khăn trên, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ phù hợp để tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho khu vực tư nhân. Một trong những giải pháp quan trọng là cải thiện cơ chế tài chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính và có chính sách bảo lãnh phù hợp để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận vốn dễ dàng hơn.
TS. Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia năng lượng nhận định, cần thu hút mạnh khu vực doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển điện lực thông qua các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương giải quyết thủ tục hành chính…, đảm bảo minh bạch và ổn định, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Đặc biệt, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đề cập đến việc phát triển mạnh năng lượng tái tạo nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa áp dụng cơ chế giá điện 2 thành phần cho cả đầu vào, đầu ra. Chuyên gia cho rằng, cơ chế giá điện hiện nay vẫn là điểm nghẽn lớn, có nguy cơ làm suy yếu năng lực tái đầu tư và thu hút nguồn lực phát triển ngành.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đánh giá: “Giá điện hiện nay không theo cơ chế thị trường, không được tính đúng - tính đủ chi phí đầu vào, tình trạng mua cao bán thấp vẫn tồn tại nhiều năm nhưng chưa được xử lý dứt điểm”.
Do đó, ông Thỏa đề xuất, cần chuyển hẳn sang điều hành giá điện theo cơ chế thị trường, bằng cách tính đúng, tính đủ chi phí trong giá điện, kiến nghị xóa bỏ cơ chế bù chéo trong giá điện, thay vào đó là xây dựng các chính sách hỗ trợ riêng biệt phù hợp với từng khu vực và nhóm đối tượng. Đặc biệt, cần tách rời yếu tố an sinh xã hội khỏi cấu trúc giá điện, tránh tình trạng giá bị méo mó do gánh quá nhiều mục tiêu.