Chính trị - Xã hội

Đề xuất các địa phương chủ động giải quyết nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền

Gia Nguyễn 14/05/2025 10:59

Để đảm bảo sự đồng bộ, góp phần cho các địa phương sau khi sắp xếp được hoạt động thông suốt và hiệu quả, đại biểu đề xuất để các địa phương chủ động giải quyết nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền.

Theo đó, tham gia góp ý Dự thảo luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho biết, Điều 11 phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương: “Những vấn đề liên quan đến phạm vi từ 02 đơn vị hành chính cấp cơ sở trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương cấp tỉnh, những vấn đề liên quan đến phạm vi từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhà nước ở trung ương, trừ trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội có quy định khác”.

thao-luan-hien-phap-14.5.2.2.jpg
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định tham gia góp ý tại phiên họp - Ảnh: Media Quốc hội

Trên thực tế có 2 xã giáp nhau, thuộc địa giới của 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh, có những vấn đề liên quan đến nhau như khói bụi bay từ xã này sang xã kia, kè sông xã này gây sạt lở bờ sông xã kia, nếu những vụ việc như thế phải đưa lên các cơ quan trên trung ương giải quyết theo quy định của dự thảo luật, sẽ rất phức tạp, tốn kém về thời gian, phải huy động nhiều cơ quan tổ chức tham gia, trong khi những việc này thì chính quyền hai xã, hai tỉnh có thể giải quyết được.

“Ở góc độ khác, quy định như dự thảo luật sẽ tạo ra việc chính quyền cấp xã đẩy việc lên chính quyền cấp tỉnh, cấp tỉnh lại đẩy lên trung ương, mà không chịu giải quyết ngay từ đầu, không phát huy được tính chủ động trong phục vụ nhân dân, không thể hiện mục tiêu của Luật là xây dựng chính quyền gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân”, đại biểu Nguyễn Hải Dũng bày tỏ.

Đồng thời đề nghị biện pháp giải quyết đơn giản hơn với trường hợp này theo phương châm địa phương quyết, địa phương thực hiện, địa phương chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất bổ sung trường hợp loại trừ trong vấn đề này là: “trừ trường hợp các địa phương liên quan tự giải quyết được vấn đề đó”.

thao-luan-hien-phap-14.5.2.1.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh – Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh tham gia góp ý tại phiên họp - Ảnh: Media Quốc hội

Liên quan đến điểm c, khoản 2 Điều 8 Dự thảo luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) về nguyên tắc tổ chức đơn vị hành chính và điều kiện thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, quy định việc thành lập đặc khu ở hải đảo phải đảm bảo sự bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển, hải đảo.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị, bổ sung yêu cầu về tính thống nhất, sau yêu cầu về độc lập chủ quyền vì tại điều1 Hiến pháp năm 2013 đã quy định, Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. Cần bổ sung tính thống nhất đối với đơn vị hành chính đặc khu cho tương thích với Hiến pháp.

Về quy định nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp xã, có quy định, Chủ tịch UBND chỉ đạo giải quyết khiếu nại tố cáo, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị, bổ sung về vấn đề giải quyết kiến nghị phản ánh, vì trong luật tiếp công dân, các nghị quyết về tiếp xúc cử tri, đều có ghi nhận việc giải quyết kiến nghị phản ánh.

“Mặt khác trong cuộc sống, có nhiều loại việc công dân phản ánh kiến nghị tới chính quyền mà không phải khiếu nại tố cáo, do đó, cần bổ sung nội dung này vào khoản 14, Điều 17 và khoản 13 điều 23 của Dự thảo Luật cho phù hợp”, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề xuất.

Tham gia góp ý về Phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương tại Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh – Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho rằng, Dự thảo luật đã bổ sung quy định về việc HĐND cấp tỉnh và Chủ tịch UBND cấp xã được phân cấp, ủy quyền. Tuy nhiên, vẫn thiếu quy định về trường hợp Chủ tịch UBND ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND, như quy định tại Luật Tố tụng hành chính.

Do đó đại biểu đề nghị, bổ sung quy định này để đảm bảo tính đầy đủ.

Về Chính sách đặc thù, đặc biệt của địa phương, Dự thảo luật quy định HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định áp dụng thí điểm các chính sách đặc thù, đặc biệt chưa được quy định trong pháp luật, sau khi báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Đồng thời, Dự thảo cũng quy định HĐND cấp tỉnh được quyết định chính sách trọng dụng nhân tài, chính sách thu hút, khuyến khích.

Đại biểu đề nghị, cần quy định rõ hơn mối quan hệ giữa hai loại chính sách này để thống nhất trong việc áp dụng.

Gia Nguyễn