Khởi nghiệp

Techfest Lâm Đồng 2025: Tạo sức bật cho khát vọng khởi nghiệp trong thế hệ trẻ

Diệu Oanh 14/05/2025 11:40

UBND tỉnh Lâm Đồng lên kế hoạch tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng năm 2025 (Techfest Lâm Đồng 2025).

Mục đích của Ngày hội là chọn ra các giải pháp, mô hình sáng tạo, các sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới, có kế hoạch, chiến lược phát triển kinh doanh, có khả năng triển khai và mang lại hiệu quả cao; góp phần khơi dậy đam mê khởi nghiệp của thế hệ trẻ. Từ đó, chọn lọc và hỗ trợ triển khai các sản phẩm, dự án tiềm năng; huy động tham gia hỗ trợ của xã hội, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đối với các sản phẩm, dự án khởi nghiệp sáng tạo.

11.jpg
Bà Võ Thị Hảo - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng phát biểu tại hội thảo

Hoạt động này nhằm, đẩy mạnh liên kết các chủ thể hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong tỉnh. Tổng kết đánh giá hành trình 05 năm (2021-2025) về phát triển hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các định hướng trong giai đoạn 2025-2030.

Giới thiệu, quảng bá, trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm chuyển đổi số, công nghệ và thiết bị, sản phẩm/dịch vụ khoa học công nghệ và các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của địa phương…

Tạo cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp, các doanh nghiệp KNĐMST 2 với các chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh; đẩy mạnh hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm khởi nghiệp.

Cuộc thi năm nay, do Hội đồng Giám khảo do Trưởng Ban Tổ chức quyết định, gồm đại diện lãnh đạo sở, ban, ngành, các doanh nhân, các nhà khoa học, các chuyên gia về khởi nghiệp, đại diện các quỹ đầu tư, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Ban Giám khảo có nhiệm vụ giúp Ban Tổ chức đánh giá các hồ sơ dự thi. Ban Thư ký do Trưởng Ban Tổ chức quyết định thành lập, có nhiệm vụ giúp Ban Tổ chức triển khai các hoạt động của Ngày hội Khởi nghiệp.

Đối tượng dự thi là các cá nhân, nhóm cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có ý tưởng, dự án khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, chuyển đổi số, mô hình kinh doanh mới. Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp phải có thời gian đăng ký hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

Các ý tưởng, dự án lọt vào vòng chung kết sẽ được giới thiệu đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư để hỗ trợ khởi nghiệp; được tham gia miễn phí các khóa đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do tỉnh tổ chức; được ưu tiên xét chọn tham gia Chương trình hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo các chính sách đã được UBND tỉnh ban hành.

Tiêu chí đánh giá

Vòng 1 – Sơ loại: Vòng loại được chấm điểm dựa trên các tiêu chí: giao diện đẹp và tăng trải nghiệm người dùng; có ý tưởng và tính sáng tạo; nội dung cơ bản; khả năng ứng dụng thực tế; bài trình bày ý tưởng dưới dạng PDF.

Vòng 2 – Hoàn thiện sản phẩm: Vòng loại được chấm điểm dựa trên các tiêu chí: nội dung phát triển theo mục tiêu cá nhân; giao diện nâng cấp và trải nghiệm người dùng; tính ứng dụng và khả năng duy trì lâu dài; các tính năng bổ sung hợp lý và video lan tỏa trên mạng xã hội.

Vòng 3 – Chung kết: Vòng loại được chấm điểm dựa trên các tiêu chí: tổng thể sản phẩm website; khả năng ứng dụng thực tiễn; mức độ sáng tạo và cá nhân hóa; kỹ năng thuyết trình và bảo vệ ý tưởng; định hướng phát triển dài hạn của ý tưởng.

Diệu Oanh