Nghiên cứu giữ nguyên quyền chất vấn của đại biểu HĐND cấp tỉnh
Góp ý Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tại phiên họp sáng 14/5, Kỳ họp thứ 9, nhiều đại biểu đề nghị, giữ nguyên quyền chất vấn của đại biểu HĐND cấp tỉnh.
Tham gia góp ý Dự thảo Nghị quyết tại phiên họp, đại biểu Cầm Hà Chung – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ đánh giá, các nội dung trong Dự thảo Nghị quyết rất rõ ràng, cụ thể. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu giữ nguyên quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh đối với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân.

Đồng quan điểm, góp ý vào quyền chất vấn của đại biểu HĐND, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương kiến nghị, giữ nguyên quyền chất vấn của đại biểu HĐND cấp tỉnh đối với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân như trong Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) tại khoản 5 Điều 33.
Đồng thời, đại biểu cũng kiến nghị, bổ sung thêm đối tượng chất vấn là cơ quan Nhà nước khác trong việc thực hiện pháp luật tại địa phương và đối tượng được đại biểu HĐND chất vấn tại khoản 2, Điều 115 của Hiến pháp.
Bởi theo đại biểu, trước hết, đại biểu HĐND được chất vấn đối với các cơ quan Nhà nước khác trong việc thực hiện pháp luật tại địa phương sẽ giúp cho việc thực hiện trách nhiệm giải trình trong việc thực hiện chính sách, pháp luật và thực thi công vụ trên địa bàn được tốt hơn, nhất là trong điều kiện các cơ quan như Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân hay cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc, Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội đều được tổ chức ở cấp tỉnh hoặc khu vực… Trong khi đó, việc thực hiện các nhiệm vụ của các cơ quan này liên quan trực tiếp đến thực thi pháp luật, đến các giải pháp thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh do cấp trên giao.

“Cùng với đó, cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng phân công, phân cấp, phân quyền ngày càng mạnh cho các địa phương và bộ ngành Trung ương, trong đó có các cơ quan ngành dọc của Trung ương tại địa phương. Việc mở rộng đối tượng chất vấn sẽ giúp cho đại biểu dân cử nói riêng và cơ quan Nhà nước cấp trên nói chung tăng cường giám sát, kiểm soát tốt việc thực hiện quyền lực Nhà nước.
Ngoài ra, thông qua chất vấn của đại biểu HĐND làm rõ trách nhiệm, giải pháp của UBND, các cơ quan Nhà nước có liên quan trong thực thi pháp luật và thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân nhấn mạnh.
Đồng thời cho rằng, với cơ chế chất vấn này sẽ giúp cho việc giám sát việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước được hiệu quả.
Trước đó, tham gia góp ý về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng băn khoăn, không lẽ Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân khu vực sẽ là những cơ quan tư pháp duy nhất ở nước ta nằm ngoài sự giám sát bằng hình thức chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân. Nếu vậy thì dân bị oan sai, sẽ nhờ cậy ai chất vấn để mà bảo về quyền lợi của họ?
Đại biểu đề nghị, trước khi thông qua mô hình Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân khu vực, Quốc hội xem xét kỹ cơ chế giám sát quyền lực đối với các cơ quan này.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, lập luận của Ban soạn thảo về bỏ cơ chế giám sát của đại biểu HĐND đánh đồng các hình thức giám sát khác nhau, trong khi chúng có ý nghĩa, vai trò và tính chất pháp lý khác nhau, và quyền kiến nghị hoàn toàn không thể thay thế cho quyền chất vấn, vốn là hình thức giám sát trực tiếp, công khai, buộc người chất vấn phải trả lời trực tiếp, phải chịu trách nhiệm về phần trả lời của mình.
Đại biểu cho rằng, không có quyền chất vấn đại biểu HĐND sẽ khó có thể yêu cầu Chánh án hoặc Viện trưởng ra trước kỳ họp HĐND để trả lời cụ thể từng vấn đề đối thoại công khai với đại biểu và cử tri.
“Trong điều kiện hiện nay, chất vấn là cơ chế hiệu quả hiếm hoi để đại biểu HĐND và rộng hơn là cử tri, nhân dân địa phương yêu cầu thông tin trao đổi trực tiếp với Chánh án, Viện trưởng.
Do đó, nhận định rằng HĐND vẫn giám sát được là chưa phản ánh đúng thực tiễn hoạt động giám sát. Việc Hiến pháp không còn quy định thẩm quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân là đi ngược lại với Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, đại biểu nhấn mạnh.
Đồng thời đề nghị, Quốc hội giữ lại quy định quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân trong Hiến pháp. Trên cơ sở đó, luật chuyên ngành quy định cụ thể, phù hợp với mô hình tổ chức mới, đây chính là cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước và nội dung này hiện chưa phát sinh vướng mắc.