Doanh nghiệp

Giải bài toán tăng trưởng khi áp thuế nước giải khát có đường

Thy Hằng 14/05/2025 09:00

Đại biểu lo ngại tăng thuế, mở rộng đối tượng chịu thuế TTĐB như đối với nước giải khát có đường khiến các doanh nghiệp gặp khó, ảnh hưởng kích cầu tiêu dùng nội địa và tăng trưởng.

Việc sửa đổi Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt là cần thiết nhưng phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng các đề xuất tăng thuế, mở rộng đối tượng nộp thuế như trường hợp nước giải khát có đường.

Bản sao nuoc-giai-khat-co-duong-1-928.jpeg
Việc sửa đổi Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt là cần thiết nhưng phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng các đề xuất tăng thuế, mở rộng đối tượng nộp thuế như trường hợp nước giải khát có đường.

Mới đây, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi là một trong 34 dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này. Một trong những nội dung chính sách được bổ sung mới tại Dự thảo là "Mở rộng cơ sở tính thuế", trong đó có quy định: "Bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế thu nhập đặc biệt" với thuế suất 10% do đây là mặt hàng mới, với mục đích bảo vệ sức khỏe nhân dân...

Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp), việc sửa đổi Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt là cần thiết nhưng phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng các đề xuất tăng thuế, mở rộng đối tượng nộp thuế như trường hợp nước giải khát có đường.

Đại biểu Hòa cho biết thêm, tại Kỳ họp thứ 8 và một số hội thảo, tọa đàm đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, cần đánh giá toàn diện bởi lẽ theo đánh giá của ngành đồ uống thì việc áp thuế đối với mặt hàng nước giải khát có đường là không hiệu quả đối với mục tiêu ngăn ngừa và giảm tình trạng thừa cân béo phì.

"Việc này không đảm bảo tính công bằng, hợp lý, không đúng, và không trúng vì nước giải khát không phải là nguyên nhân chính và duy nhất gây nên bệnh thừa cân béo phì", Đại biểu Hòa chia sẻ.

Nhấn mạnh sự chưa hợp lý, Đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, dự thảo bổ sung thuế suất 10% với nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml là “chưa hợp lý vì phạm vi chưa rõ ràng và có thể gây tác động ngoài mong muốn”.

Theo đó, khái niệm “nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam” chưa được định nghĩa cụ thể, dẫn đến lo ngại sản phẩm tự nhiên như nước dừa, nước trái cây có thể bị đánh đồng với nước ngọt có gas. “Thực tế, 200.000 nông dân trồng dừa và hàng trăm doanh nghiệp chế biến lo lắng sản phẩm nước dừa chế biến của họ có bị coi là nước giải khát chịu thuế hay không”, đại biểu Khải cho hay.

Đồng lo ngại, Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) nhận định, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường có thể sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất trong nước, làm giảm khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, ảnh hưởng đến người nông dân vì ngành sản xuất nước giải khát sử dụng nhiều nguyên liệu tự nhiên như mía, dừa…

Thậm chí theo Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình), chính sách này có thể vô tình thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm đồ uống sản xuất thủ công, không chính thức, và những sản phẩm này rất khó kiểm soát về chất lượng và an toàn thực phẩm.

thoi-diem-tot-de-viet-nam-ap-dung-thue-tieu-thu-dac-biet-doi-voi-do-uong-co-duong-20230929191909-1910.jpg
Đại biểu lo ngại việc tăng thuế và mở rộng đối tượng sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu và mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số.

Đồng thời, bà Dung bày tỏ quan ngại, khi thuế tiêu thụ đại biểu tăng cao, giá bán hàng hóa cũng sẽ tăng theo, kéo theo sự suy giảm trong tiêu dùng và vật tư. Cụ thể, doanh thu từ các loại thuế khác như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng do tình hình kinh doanh suy giảm.

Thậm chí, các Đại biểu lo ngại việc ảnh hưởng tới nguồn thu và tăng trưởng GDP. GS TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội lo ngại bối cảnh hiện nay, chúng ta tìm mọi cách để kích cầu tiêu dùng nội địa, đang giảm thuế để hỗ trợ các doanh nghiệp, nếu tăng thuế, mở rộng đối tượng chịu thuế TTĐB như đối với NGK có đường sẽ khiến các doanh nghiệp càng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức có thể ảnh hưởng tới các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa.

Hay nói như Đại biểu Cầm Thị Mẫn: “Việc áp thuế không chỉ tác động tới ngành nước giải khát, mà còn tác động tới 24 ngành khác trong quan hệ liên ngành. Hệ quả tác động tới toàn nền kinh tế, kéo theo sự sụt giảm về GDP. Vì vậy, việc bổ sung chính sách cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để các doanh nghiệp có đủ thời gian xây dựng chiến lược kinh doanh, thích ứng với thay đổi”.

Thy Hằng