Nghị quyết 68-NQ/TW: Tích hợp ESG vào xuất khẩu
Nghị quyết 68-NQ/TW có nhiều nội dung quan trọng, trong đó khuyến khích TCTD giảm lãi suất cho doanh nghiệp tư nhân vay để triển khai các dự án xanh và áp dụng khung tiêu chuẩn ESG.

DĐDN đã có cuộc trao đổi với bà Betty Pallard, Giám đốc Chiến lược của SUSTAINIFY – ESGs & Climate Consulting, xung quanh vấn đề này, đặc biệt là việc tích hợp ESG vào xuất khẩu.
- ESG đang thay đổi môi trường kinh doanh toàn cầu như thế nào và Việt Nam cần thích ứng ra sao, thưa bà?
Trong những năm gần đây, ESG tại Việt Nam không còn đơn thuần là công cụ đánh giá rủi ro phi tài chính dành cho nhà đầu tư, mà đã trở thành yêu cầu đến từ người tiêu dùng, các cơ quan quản lý Nhà nước và đặc biệt là các đối tác thương mại quốc tế.
Với Việt Nam – một nền kinh tế định hướng xuất khẩu đang tăng trưởng nhanh – việc không đáp ứng yêu cầu ESG có thể khiến doanh nghiệp mất thị trường, nhưng ngược lại, nếu làm tốt, đó là cơ hội để vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Trên thế giới, ESG không mới mà đã nổi lên từ các phong trào vì trách nhiệm xã hội từ những năm 1960, trước khi được định hình vào năm 2004 bởi Liên hợp quốc. Đến nay, ESG đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp toàn cầu, đặc biệt là tại châu Âu.

Dù chịu nhiều sức ép từ bối cảnh hậu Covid-19 và những bất ổn địa chính trị, nhiều chính phủ vẫn tiếp tục thúc đẩy ESG thông qua các khung pháp lý như CSRD, EU Taxonomy và CBAM, buộc doanh nghiệp phải công bố thông tin minh bạch hơn. Người tiêu dùng cũng coi đây là một tiêu chí quan trọng khi mua sắm.
- Theo bà, doanh nghiệp Việt Nam nên ưu tiên những tiêu chuẩn nào trong lộ trình ESG? Họ nên bắt đầu từ đâu?
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu, việc tuân thủ CSRD, EU Taxonomy và CBAM là đặc biệt quan trọng. Bên cạnh đó, các khung như GRI và TCFD rất hữu ích để đảm bảo tính minh bạch và xây dựng độ tin cậy trong báo cáo.
Tuy nhiên, chính sự đa dạng này lại là thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam. GRI, SASB hay CDP đều phục vụ những mục đích riêng. Các tổ chức quốc tế nỗ lực hội tụ các tiêu chuẩn này, với vai trò điều phối nổi bật của Hội đồng Tiêu chuẩn Bền vững Quốc tế (ISSB).
Đối với những doanh nghiệp đang trong giai đoạn bắt đầu, việc nắm vững và hiểu rõ các khung tiêu chuẩn nền tảng như GRI là bước đi cần thiết. GRI cung cấp hệ thống chỉ số rõ ràng, giúp doanh nghiệp xây dựng nền tảng cho báo cáo và chiến lược phát triển bền vững. Đây cũng là bước đệm để tiến xa hơn trong các hoạt động tuân thủ và đầu tư ESG.
Đặc biệt, các doanh nghiệp nên cho nhân sự tham gia những chương trình đào tạo chuyên sâu có chứng chỉ quốc tế từ GRI để nâng cao năng lực nội bộ và trang bị kiến thức thực hành, từ việc đo lường dữ liệu cho đến cách trình bày báo cáo đạt chuẩn quốc tế. Sở hữu nhân sự có chứng chỉ GRI cũng là một lợi thế cạnh tranh khi làm việc với đối tác nước ngoài.
- Tiêu chuẩn ESG đang ảnh hưởng ra sao đến doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, thưa bà?
Ngày càng nhiều nhà nhập khẩu từ châu Âu, Mỹ yêu cầu nhà cung cấp chứng minh sự tuân thủ ESG. Doanh nghiệp nào không có báo cáo minh bạch, thiếu hệ thống đo lường rủi ro có nguy cơ bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việc triển khai ESG có thể làm tăng chi phí ban đầu do yêu cầu đầu tư vào công nghệ sạch, hệ thống dữ liệu, và các quy trình chứng nhận. Tuy nhiên, về lâu dài, ESG giúp doanh nghiệp nâng cao thương hiệu, xây dựng lòng tin với đối tác và đặc biệt là mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, vốn xanh hoặc các chương trình tín dụng hỗ trợ từ tổ chức tài chính quốc tế.
Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt đã biến ESG thành lợi thế, như TNG và Vinatex đã duy trì được tệp khách hàng lâu năm ở thị trường Mỹ và EU.
Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp Việt đã đánh mất cơ hội vì chưa đáp ứng tiêu chuẩn ESG. Một công ty nông sản vừa và nhỏ đã để mất hợp đồng xuất khẩu lớn vì không có chứng chỉ bền vững, cũng như thiếu công cụ theo dõi phát thải carbon. Một doanh nghiệp điện tử tại TP HCM bị chấm dứt hợp đồng do vi phạm quyền lao động và không tuân thủ quy định tái chế rác thải điện tử.
- Bà có khuyến nghị gì về việc tích hợp ESG vào xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam?
Điều quan trọng nhất hiện nay là doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chiến lược ESG ngay từ bên trong. Trước tiên là nâng cao nhận thức và năng lực nội bộ thông qua các chương trình đào tạo, hoặc hợp tác với chuyên gia tư vấn. Đồng thời, doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ để theo dõi, đo lường và tích hợp các chỉ số ESG vào hệ thống quản trị hiện hữu.
Việc tham gia vào các liên minh ngành cũng sẽ giúp doanh nghiệp học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và tiếp cận các nguồn lực như quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh. Nếu có hành động đồng bộ và quyết liệt, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên trở thành trung tâm xuất khẩu xanh của khu vực.
Tuy nhiên, nếu chỉ có một số doanh nghiệp lớn đáp ứng ESG; còn phần đông SME tụt lại phía sau, Việt Nam sẽ đánh mất nhiều cơ hội chiến lược. Thiếu tuân thủ không chỉ dẫn đến rào cản thương mại, mất thị phần xuất khẩu mà còn suy giảm uy tín quốc gia.
Trong khi Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ rõ ràng, phía doanh nghiệp cũng cần chủ động triển khai; còn các hiệp hội và học viện phải đóng vai trò đồng hành trong đào tạo và chuyển giao công cụ phù hợp.
- Trân trọng cám ơn bà!