Nghiên cứu - Trao đổi

Nghị quyết 68-NQ/TW: Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng

Gia Nguyễn - Yến Nhung (thực hiện) 16/05/2025 11:05

Với yêu cầu thực hiện cơ chế thị trường, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế… Nghị quyết 68 được kỳ vọng sẽ tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng.

Đây là chia sẻ của đại biểu Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội với cơ quan báo chí tại hành lang Quốc hội về một số nội dung Nghị quyết 68-NQ/TW.

Đại biểu Hoàng Văn Cường
GS, TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội

- Một số ý kiến cho rằng, hệ thống chính sách và ưu đãi giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước đã tồn tại tình trạng phân biệt đối xử. Đâu là nguyên nhân dẫn đến vấn đề này, thưa ông?

Trước đây chúng ta có Luật Đầu tư nước ngoài, khi có Luật này thì có quy định riệng về các đối tượng đầu tư nước ngoài, có các chế định riêng và như vậy dẫn đến có sự phân biệt giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Nhưng từ khi chúng ta nhập thành Luật Đầu tư nói chung và Luật Doanh nghiệp nói chung, thì cả doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp trong nước đều chịu các điều tiết giống nhau, không có quy định nước ngoài thì được ưu đãi còn trong nước thì không được ưu đãi.

Tuy nhiên, các chính sách khuyến khích đầu tư của mình sẽ căn cứ vào những lĩnh vực đầu tư, căn cứ vào tiềm lực đầu tư, ví dụ quy mô đầu tư là bao nhiêu, lĩnh vực đầu tư là lĩnh vực gì? Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI sẽ có được các tiềm lực rơi đúng vào đối tượng được ưu đãi ấy, và chính vì vậy nên chúng ta hay thấy doanh nghiệp nước ngoài được ưu đãi hơn, còn doanh nghiệp trong nước không được ưu đãi.

Bên cạnh đó, ưu đãi chúng ta đang muốn là ưu đãi những lĩnh vực đầu tư ưu tiên, những nhà đầu tư ưu tiên, những nhà đầu tư có tiềm lực… nhưng những doanh nghiệp trong nước không đạt được điều ấy, cho nên không được hưởng ưu đãi.

san xuat
Những doanh nghiệp chưa đạt được những tiêu chí như doanh nghiệp FDI: không phải khoa học, công nghệ mới, không phải đầu tư vào các lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên… cũng cần nhận được ưu đãi. (Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Thiết bị điện MBT. Ảnh: M.Đ)

- Ông đánh giá như thế nào về nguyên tắc “không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế” trong việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực tại Nghị quyết 68-NQ/TW. Nguyên tắc này, có thực sự giúp tạo được môi trường kinh doanh bình đẳng?

Như đã nói, trước đây chúng ta chỉ là ưu đãi theo các tiêu chuẩn chung, mà đã là tiêu chuẩn chung thì thường sẽ rơi vào nhóm của các doanh nghiệp FDI được hưởng.

Vì vậy, việc Nghị quyết 68-NQ/TW nhấn mạnh nguyên tắc “không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế” và đã có quy định kỹ hơn đối với nhóm doanh nghiệp tư nhân, như vậy, kể cả những doanh nghiệp chưa đạt được những tiêu chí như doanh nghiệp FDI. Chẳng hạn như: không có tiềm lực mạnh, không phải khoa học, công nghệ mới hoàn toàn, không phải đầu tư vào các lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên lĩnh vực nào đó,… thì vẫn nhận được ưu đãi.

Từ đó, dù là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa hay doanh nghiệp khởi tạo… cũng sẽ cảm nhận được các chính sách dành riêng cho mình, ưu đãi riêng cho mình. Điều này không chỉ góp phần rút ngắn khoảng cách về năng lực cạnh tranh mà còn khẳng định cam kết tạo lập môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch cho mọi thành phần kinh tế.

- Mới đây, Thủ tướng đã thành lập Hội đồng Tư vấn chính sách, trong đó có sự tham gia của cả khu vực tư nhân, điều này sẽ mang lại lợi ích gì, đặc biệt trong việc định hướng phát triển lâu dài cho khu vực kinh tế tư nhân, thưa ông?

Kinh tế tư nhân có đặc thù rất khác so với doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước thường chịu sự định hướng chiến lược từ Nhà nước, còn khu vực kinh tế tư nhân thì phần lớn tự quyết định, tự định hướng phát triển. Điều này có thể dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp tư nhân thiếu phương án cụ thể, không xác định rõ mục tiêu phát triển phù hợp với định hướng chung của quốc gia.

Mặc dù là khu vực tư nhân, nhưng Nhà nước vẫn mong muốn các doanh nghiệp tư nhân phát triển theo định hướng chiến lược quốc gia, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, việc thành lập Hội đồng Doanh nghiệp tư nhân quốc gia là cần thiết. Hội đồng này sẽ đóng vai trò định hướng, tư vấn chiến lược cho khu vực kinh tế tư nhân, từ đó giúp hình thành một hệ sinh thái doanh nghiệp phát triển có trật tự, hiệu quả và đúng hướng.

Khi đã có định hướng rõ ràng, Nhà nước có thể ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đi theo định hướng đó. Những doanh nghiệp tiên phong, phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia sẽ trở thành các "doanh nghiệp đầu đàn", đóng vai trò dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, kéo theo sự phát triển của các doanh nghiệp khác trong cùng ngành hoặc chuỗi giá trị. Điều này sẽ khắc phục tình trạng hiện nay khi khu vực tư nhân cạnh tranh tự phát, thiếu định hướng và làm giảm sức mạnh tổng thể của nền kinh tế.

Thực tế đã cho thấy, nếu xác định được đâu là doanh nghiệp chủ lực, doanh nghiệp vệ tinh, doanh nghiệp hỗ trợ thì sẽ tạo ra một sức mạnh hợp lực, góp phần vào sự phát triển ổn định của các ngành, lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Gia Nguyễn - Yến Nhung (thực hiện)