Doanh nghiệp

NĂNG LƯỢNG XANH TRONG KCN: Nền tảng cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn

Bài: Thanh Trà - Ảnh: Quốc Tuấn 15/05/2025 14:45

Phát triển năng lượng xanh không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là động lực dài hạn để Việt Nam duy trì tăng trưởng, đảm bảo an ninh năng lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Phát biểu tại Diễn đàn “Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào chiều ngày 15/5, ông Nguyễn Ngọc Trung – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương đã nhấn mạnh vai trò của điện mặt trời áp mái trong khu công nghiệp.

Ông cho rằng đây là một hướng đi tiềm năng trong quá trình chuyển đổi năng lượng, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp cụ thể để tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy triển khai hiệu quả mô hình này.

z6603990716079_2f20ca0fcf5c5b59e305dc99850b56d7(1).jpg
Ông Nguyễn Ngọc Trung – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương phát biểu tại Diễn đàn “Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức.

Việt Nam hiện có hơn 380 khu công nghiệp và khoảng 700 cụm công nghiệp đang hoạt động. Đây là những "điểm nóng" tiêu thụ điện năng, đồng thời cũng là nơi ẩn chứa tiềm năng phát triển điện mặt trời áp mái rất lớn. Theo ông Trung, chỉ riêng tiềm năng kỹ thuật đã có thể đạt tới 12–20 GWp, tương đương công suất hơn 10 nhà máy nhiệt điện than. Không cần mở rộng quỹ đất hay xây mới hạ tầng, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tận dụng chính mái nhà xưởng hiện hữu để lắp đặt hệ thống điện mặt trời, một giải pháp phù hợp với mô hình năng lượng phân tán mà Chính phủ đang khuyến khích.

Từ thực tế triển khai, điện mặt trời mái nhà mang lại nhiều lợi ích rõ rệt: giúp doanh nghiệp giảm chi phí điện năng, nâng cao giá trị thương hiệu gắn với yếu tố xanh, đồng thời góp phần giảm tải hệ thống điện quốc gia vào các khung giờ cao điểm. Không dừng lại ở lợi ích kinh tế, mô hình này còn hỗ trợ đảm bảo an ninh năng lượng, đóng góp tích cực vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và là lời giải dung hòa giữa tăng trưởng GDP nhanh và phát triển bền vững.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Trung khẳng định Việt Nam đã và đang xây dựng một hệ thống chính sách ngày càng hoàn thiện để hiện thực hóa mục tiêu kép: vừa đảm bảo đủ năng lượng phục vụ sản xuất, vừa chuyển dịch theo hướng phát triển bền vững. Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị (năm 2020), Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2045 (ban hành tháng 3/2024) và Quy hoạch điện VIII cùng các cập nhật trong năm 2025 là những cột mốc quan trọng, thể hiện quyết tâm chuyển đổi hệ thống năng lượng theo hướng xanh, sạch và hiện đại.

Đặc biệt, theo điều chỉnh mới nhất của Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu 50% tòa nhà công sở và hộ gia đình có hệ thống điện mặt trời mái nhà tự cung, tự cấp. Trong khi đó, tỷ trọng điện tái tạo trong tổng công suất hệ thống điện dự kiến đạt 25–30% vào năm 2030 và tiếp tục tăng lên mức 74–75% vào năm 2050, một mục tiêu đầy tham vọng nhưng khả thi nếu có sự đồng hành từ cả khu vực công và tư.

Hai nghị định mới được Chính phủ ban hành cũng góp phần hiện thực hóa các mục tiêu này. Nghị định 57/2025/NĐ-CP cho phép thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa các nhà phát điện tái tạo và khách hàng lớn, giúp các doanh nghiệp trong khu công nghiệp có thêm kênh tiếp cận điện xanh mà không cần thông qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Bên cạnh đó, Nghị định 58/2025/NĐ-CP mang đến các ưu đãi mạnh mẽ cho dự án năng lượng tái tạo như hỗ trợ lưu trữ, miễn giảm tiền thuê đất và khuyến khích chuyển giao công nghệ.

Dù tiềm năng và chính sách đều đã bước đầu định hình, ông Nguyễn Ngọc Trung cũng thẳng thắn nhìn nhận những rào cản đang làm chậm tiến trình triển khai điện mặt trời mái nhà tại khu công nghiệp. Hành lang pháp lý chưa thực sự đồng bộ, khiến doanh nghiệp lúng túng khi đăng ký đấu nối và vận hành. Chi phí đầu tư ban đầu vẫn là gánh nặng lớn, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hạ tầng kỹ thuật của nhiều khu công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu tiếp nhận điện phân tán, trong khi thiết bị đo đếm hai chiều vẫn thiếu. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu nhận thức và kinh nghiệm vận hành hệ thống năng lượng tái tạo.

Trước thực trạng đó, ông Trung đề xuất một loạt giải pháp đồng bộ nhằm gỡ "nút thắt". Trước hết, cần sớm hoàn thiện hướng dẫn cụ thể cho các nghị định mới, nhất là về mô hình tự sản xuất, tự tiêu thụ trong khu công nghiệp. Song song, cần có các chính sách hỗ trợ tài chính và ưu đãi đầu tư như miễn giảm thuế, tín dụng xanh, khấu hao nhanh. Mô hình ESCO là bên thứ ba đầu tư hệ thống và cho doanh nghiệp thuê lại điện cũng nên được thúc đẩy.

z6603976294743_dcc1f510c9aeb77de7ea870cd4c1d1b7(1).jpg
Diễn đàn “Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức thu hút đông đảo các chuyên gia, doanh nghiệp tới tham dự.

Ở góc độ hạ tầng, các chủ đầu tư khu công nghiệp cần phối hợp với ngành điện để nâng cấp lưới điện, lắp đặt thiết bị đo đếm thông minh, tạo điều kiện cho điện mặt trời hòa lưới hoặc vận hành độc lập. Ngoài ra, công tác đào tạo, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho đội ngũ kỹ thuật vận hành cũng rất cần được chú trọng. Cuối cùng, ông Trung nhấn mạnh vai trò của hợp tác công – tư và quốc tế để huy động nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi và đầu tư tư nhân, từ đó triển khai các dự án điện mặt trời một cách bài bản, quy mô và bền vững.

Phát triển năng lượng xanh, theo ông Trung, không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là động lực dài hạn để Việt Nam duy trì tăng trưởng, đảm bảo an ninh năng lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong chiến lược lớn đó, điện mặt trời mái nhà tại khu công nghiệp nếu được phát triển đúng hướng hoàn toàn có thể trở thành mảnh ghép chiến lược, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam đi nhanh hơn, xa hơn và bền vững hơn.

Bài: Thanh Trà - Ảnh: Quốc Tuấn