Kinh tế thế giới

Mỹ nới xuất khẩu chip AI, "mở khóa" thỏa thuận nghìn tỷ đô ở Trung Đông

Nam Trần 16/05/2025 03:27

Chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mang về thỏa thuận đầu tư tới nghìn tỷ USD từ các nước trong khu vực, nhờ thay đổi quy định xuất khẩu chip AI.

Hủy chính sách AI thời Joe Biden

Ngày 13/5/2025, Bộ Thương mại Mỹ thông báo rút lại “Quy định Khuếch tán AI” được đề xuất dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Joe Biden. Quy định này chia các quốc gia thành ba cấp độ trong việc tiếp cận chip AI, với nhiều nước – trong đó có các đối tác ở Trung Đông – bị xếp vào nhóm có quyền tiếp cận hạn chế.

chip AI
Quy định Khuếch tán AI từng chia các quốc gia thành các mức độ tiếp cận chip AI khác nhau

Theo chính sách mới, thay vì áp dụng khuôn mẫu cứng nhắc, Mỹ sẽ đàm phán riêng với từng quốc gia, mở đường cho các thỏa thuận linh hoạt hơn.

Đồng thời, Mỹ vẫn giữ lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Các hướng dẫn mới khẳng định việc sử dụng chip AI Ascend của Huawei – bất kể ở đâu trên thế giới – là vi phạm kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Ngoài ra, Mỹ cũng cảnh báo về việc dùng chip AI do Mỹ sản xuất để đào tạo các mô hình trí tuệ nhân tạo Trung Quốc.

Mở cửa hợp tác AI Mỹ - Trung Đông

Đổi lại, các quốc gia Trung Đông có thể tìm thấy nhiều lợi ích. Cả Saudi Arabia và UAE đều đang đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng AI như một phần trong chiến lược giảm phụ thuộc vào dầu mỏ.

Tại Saudi Arabia, công ty Humain – do quỹ đầu tư quốc gia hậu thuẫn – sẽ nhận “hàng trăm nghìn” chip AI tiên tiến của Nvidia trong 5 năm tới, bắt đầu với 18.000 chip GB300 Grace Blackwell và công nghệ mạng InfiniBand.

Ngoài ra, các công ty công nghệ Mỹ như Amazon, Cisco và startup Global AI cũng ký kết nhiều thỏa thuận hàng tỷ USD để phát triển “vùng AI” tại Trung Đông. Amazon và Humain cùng đầu tư 5 tỷ USD, trong khi Cisco hợp tác với cả Humain và công ty G42 của UAE.

Các quốc gia Trung Đông sẵn sàng chi hàng chục tỷ USD để mua các con chip tiên tiến nhất của Mỹ

Về phần mình, UAE đang đàm phán nhập khẩu hơn 1 triệu chip Nvidia, với 500.000 chip mỗi năm từ nay đến 2027. Khoảng 20% lượng chip này sẽ dành cho G42 – một trung tâm AI quan trọng của UAE, phần còn lại sẽ được dùng bởi các công ty Mỹ xây dựng trung tâm dữ liệu tại quốc gia này.

Ngoài quyền kiểm soát công nghệ, Mỹ còn hưởng lợi từ loạt thỏa thuận thương mại khác được công bố trong chuyến thăm của ông Trump. Trong đó có hợp đồng quốc phòng trị giá 142 tỷ USD, hợp đồng mua máy bay Boeing trị giá 4,8 tỷ USD, và việc Saudi Arabia cấp phép sử dụng dịch vụ Starlink của Elon Musk cho hàng không và hàng hải.

Tổng giá trị các thỏa thuận được phía ông Trump và Thái tử Mohammed bin Salman công bố lên tới 1.000 tỷ USD, dù con số thực tế được ước tính vào khoảng 300 tỷ USD – vẫn là mức rất đáng kể.

Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ quyết định này. Nghị sĩ John Moolenaar – thành viên cấp cao của Ủy ban Đặc biệt về Trung Quốc – bày tỏ lo ngại trước mối liên hệ giữa G42 và Huawei. Ông kêu gọi phải có "các biện pháp bảo vệ rõ ràng" trước khi mở rộng hợp tác. Mối lo lớn nhất nằm ở khả năng công nghệ Mỹ bị chuyển giao gián tiếp cho Trung Quốc hoặc sử dụng sai mục đích. Vì thế, việc theo dõi các đối tác công nghệ tại Trung Đông sẽ là bài toán hóc búa cho giới chức Mỹ.

Saudi Arbia và UAE đang dẫn đầu trong cuộc chạy đua AI tại khu vực nhờ có nguồn vốn dồi dào, quyết tâm chiến lược và sẵn sàng triển khai nhanh chóng. Họ coi AI là công cụ then chốt để tái cấu trúc nền kinh tế, thu hút đầu tư và đảm bảo vị thế cạnh tranh trong kỷ nguyên hậu dầu mỏ.

Xây dựng hạ tầng AI – bao gồm hàng chục nghìn chip, hệ thống mạng và làm mát – tiêu tốn hàng tỷ USD và đòi hỏi nguồn điện ổn định. Lợi thế của khu vực là chi phí năng lượng thấp và ngày càng mở rộng năng lượng tái tạo.

Nam Trần