Xây dựng và phát triển doanh nghiệp gia đình Việt Nam
Ngày 15/5/2025, Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam (VFBC) và PwC Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU).
Thông biên bản ghi nhớ, hai bên thiết lập nền tảng hợp tác chiến lược nhằm đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp gia đình Việt Nam trong hành trình phát triển bền vững, chuyển giao thế hệ và nâng cao năng lực quản trị.

Phát biểu tại lễ ký kết, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhấn mạnh, hợp tác gữa VFBC và PwC Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó, kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.
Theo Chủ tịch VCCI, hầu hết các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn ở Việt Nam hiện nay đều là doanh nghiệp gia đình. Vì vậy, VCCI kỳ vọng hai bên sẽ có những hoạt động mang tính đột phá, thiết thực, hiệu quả mang lại sự khởi sắc và vị thế mới cho các doanh nghiệp gia đình Việt Nam nói riêng cũng như thúc đẩy tinh thần kinh doanh cho các gia đình Việt Nam nói chung. Sự hợp tác này cũng góp phần tạo nền tảng xây dựng và phát triển văn hoá doanh nghiệp gia đình, tạo sự phát triển bền vững.
Theo nội dung thỏa thuận, PwC Việt Nam sẽ đóng vai trò là đối tác tri thức độc quyền, phối hợp với VFBC tổ chức hội thảo chuyên đề và các chương trình đào tạo nhằm cung cấp, chia sẻ kiến thức chuyên sâu cho cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam. Các chủ đề trọng tâm bao gồm chuyển đổi xanh, thực hành ESG, hướng tới mục tiêu NetZero, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật dữ liệu trong kỷ nguyên AI, tái cấu trúc doanh nghiệp, quản trị và tối ưu hóa nguồn nhân lực, quản lý nguồn vốn, thuế và pháp lý cho doanh nghiệp gia đình. Đây sẽ là những năng lực cốt lõi giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh đó, hai bên sẽ cùng thiết kế các chương trình tư vấn xây dựng chiến lược nhằm hỗ trợ thế hệ lãnh đạo đương nhiệm (F1) và kế nghiệp (F2) trước, trong, và sau quá trình chuyển giao, giúp doanh nghiệp sẵn sàng ứng phó với các thách thức và nắm bắt cơ hội trong một thị trường ngày càng biến động.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch VFBC chia sẻ: Sự phát triển bền vững của doanh nghiệp gia đình Việt Nam đòi hỏi một tầm nhìn dài hạn, năng lực quản trị hiện đại và sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyển giao thế hệ. Với riêng cộng đồng doanh nghiệp gia đình – nơi đan xen giữa truyền thống và đổi mới – chúng tôi kỳ vọng hợp tác này sẽ là cơ hội để khơi dậy những tiềm lực còn ẩn giấu, nhất là trong các lĩnh vực chiến lược như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và quản trị chuyên nghiệp. Đây là sáng kiến cụ thể để VFBC hiện thực hóa sứ mệnh của mình: xây dựng một nền tảng tri thức và kết nối vững chắc, giúp các doanh nghiệp gia đình phát triển bền vững, chuyên nghiệp và trường tồn qua nhiều thế hệ.
Cùng chung nhận định này, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch PwC Việt Nam bày tỏ: PwC Việt Nam với vai trò là đơn vị tư vấn và đối tác tri thức, tận dụng kiến thức chuyên môn và mạng lưới chuyên gia toàn cầu, mong muốn được đồng hành cùng VFBC và các doanh nghiệp gia đình Việt Nam trong hành trình phát triển và đổi mới. Việc ký kết hợp tác lần này không chỉ là một cột mốc quan trọng trong thúc đẩy dịch vụ tư vấn doanh nghiệp tư nhân và gia đình – một trong những ưu tiên chiến lược và dịch vụ cốt lõi của PwC, mà còn thể hiện cam kết dài hạn của chúng tôi trong việc góp phần nâng cao năng lực nội tại cho trụ cột kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Việc ký kết hợp tác giữa VFBC và PwC được xem là bước đi cụ thể nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết số 68, khẳng định cam kết và tầm nhìn chung của hai tổ chức trong việc hỗ trợ doanh nghiệp gia đình – trụ cột chính của kinh tế tư nhân, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.
Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam là đơn vị trực thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với nhiệm vụ quan trọng là liên kết các doanh nghiệp gia đình Việt, nhằm đoàn kết, phát huy truyền thống kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp doanh nhân trong mỗi gia đình. Với mục tiêu liên kết tăng cường sức mạnh của doanh nghiệp gia đình Việt Nam, hiện nay Hội đồng đang xây dựng mạng lưới 200 doanh nghiệp gia đình tiêu biểu Việt Nam cùng các CLB kế nghiệp hoạt động tốt ở các tỉnh, thành để xây dựng doanh nghiệp gia đình hoạt động chuyên nghiệp, quốc tế hóa với đội ngũ kế cận xuất sắc để xây dựng doanh nghiệp trường tồn, đồng hành cùng nền kinh tế Việt Nam.