NĂNG LƯỢNG XANH TRONG KCN: Tác động chính sách từ Nghị định 58/2025/NĐ-CP
Nghị định 58/2025/NĐ-CP tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp theo hướng xanh, bền vững và hiệu quả.
Tại Diễn đàn “Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào chiều ngày 15/5, ông Phan Duy Phú – Phó Trưởng phòng Thủy điện và Năng lượng tái tạo, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã chia sẻ quan điểm về tác động của Nghị định 58/2025/NĐ-CP đến việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), đặc biệt trong các khu công nghiệp.
.jpg)
Theo ông Phú, hệ thống văn bản pháp lý mới được ban hành trong thời gian qua, đặc biệt là Nghị định 58, đã tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi, rõ ràng hơn cho mô hình tự sản xuất – tự tiêu thụ, góp phần hiện thực hóa mục tiêu an ninh năng lượng và chuyển đổi xanh trong lĩnh vực công nghiệp.
Thực tiễn triển khai ĐMTMN trong những năm qua đã chỉ ra nhiều bất cập trong khung pháp lý cũ, chưa theo kịp tốc độ phát triển công nghệ và nhu cầu thực tế. Việc Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) năm 2024, cùng với các nghị định hướng dẫn, trong đó nổi bật là Nghị định 58/2025/NĐ-CP đã tạo nền tảng quan trọng để thúc đẩy phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo theo hướng bền vững.
Theo ông Phú, các quy định pháp luật mới đã điều chỉnh nhiều nội dung then chốt nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các dự án ĐMTMN. Đáng chú ý là việc cho phép các công trình xây dựng có mái nhà, không phân biệt chủ thể, được lắp đặt hệ thống điện mặt trời theo hình thức tự sản xuất – tự tiêu thụ nếu đáp ứng điều kiện kỹ thuật và pháp lý. Điều này mở rộng đáng kể phạm vi triển khai ĐMTMN, trong đó có các khu, cụm công nghiệp với tiềm năng mái nhà lớn, vốn là những “điểm nóng” tiêu thụ điện năng.
Ngoài ra, theo quy định mới, hệ thống pin năng lượng mặt trời gắn trên mái nhà không được xem là công trình năng lượng theo quy định về xây dựng. Nhờ đó, quá trình đầu tư, lắp đặt ĐMTMN được đơn giản hóa đáng kể, không yêu cầu cấp phép xây dựng như trước, giúp giảm thời gian và chi phí thủ tục cho doanh nghiệp.
Ông Phú cho biết, một điểm đáng chú ý trong hệ thống chính sách mới là việc cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính liên quan đến ĐMTMN. Trình tự và hồ sơ phát triển hệ thống điện mặt trời tự sản xuất – tự tiêu thụ nay được quy định theo hướng đơn giản hóa, rõ ràng hơn, giảm bớt các bước thẩm định không cần thiết. Thay vì phải qua nhiều vòng tiền kiểm, chính sách mới chuyển trọng tâm sang khâu trung và hậu kiểm, với sự giám sát từ cơ quan chuyên ngành sau khi hệ thống được đưa vào vận hành.
Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư 09 và 10/2025/TT-BCT để hướng dẫn chi tiết khung giá phát điện và hợp đồng mua bán điện cho các dự án năng lượng tái tạo nhỏ. Đồng thời, Quyết định 988/QĐ-BCT về khung giá điện năm 2025 chia rõ mức giá theo vùng miền và theo loại hình có/không có hệ thống lưu trữ (BESS), giúp tăng tính minh bạch và dự báo trong đầu tư.
Theo Nghị định 58, các hệ thống ĐMTMN tự sản xuất – tự tiêu thụ được phép bán lượng điện dư không quá 20% sản lượng điện thực phát trong tháng. Đây là một tín hiệu tích cực giúp tăng tính hiệu quả kinh tế của mô hình, đặc biệt đối với các hộ gia đình hoặc doanh nghiệp có phụ tải dao động theo mùa hoặc theo giờ.
Tuy nhiên, ông Phú cũng lưu ý rằng, chính sách hiện tại mới chỉ cho phép EVN mua lượng điện dư này. Các doanh nghiệp điện lực khác (ngoài EVN) chưa được phép tham gia mua điện dư, do đó có thể phát sinh rào cản trong các khu công nghiệp sử dụng lưới điện phân phối bởi đơn vị mua buôn – bán lẻ không thuộc EVN.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đang xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho hộ gia đình lắp đặt ĐMTMN, dự kiến ban hành trong năm 2025. Đây sẽ là bước đi tiếp theo nhằm phổ cập mô hình điện mặt trời tới quy mô nhỏ, góp phần lan tỏa hành vi tiêu dùng xanh.
Một điểm được ông Phú nhấn mạnh là cần làm rõ sự khác biệt giữa hai cơ chế: tự sản xuất – tự tiêu thụ và mua bán điện trực tiếp (DPPA). “Theo Luật Điện lực 2024, hệ thống ĐMTMN tự sản xuất – tự tiêu thụ phải được xây dựng chủ yếu để phục vụ nhu cầu nội bộ. Nếu mục tiêu chính là bán điện ra ngoài, mô hình đó phải tuân theo quy định về DPPA và đáp ứng điều kiện về đấu nối, hợp đồng, bảo đảm hệ thống kỹ thuật” - ông Phú cho biết.
Việc phân biệt rõ hai cơ chế này là rất cần thiết để tránh tình trạng hiểu sai, áp dụng sai luật, đặc biệt với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đang tìm cách tối ưu hóa chi phí năng lượng và khai thác tối đa diện tích mái nhà.
.jpg)
Trong thời gian tới, Cục Điện lực sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến phản ánh từ doanh nghiệp và người dân, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách theo hướng cởi mở, minh bạch và phù hợp hơn với thực tiễn. Mục tiêu là tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, công bằng cho tất cả các chủ thể tham gia phát triển điện mặt trời mái nhà.
Theo ông Phú, điện mặt trời mái nhà không chỉ là giải pháp công nghệ mà còn là một phần của chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải khí nhà kính. Trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và hướng tới tăng trưởng kinh tế hai con số trong giai đoạn 2026–2030, ĐMTMN sẽ là một trong những trụ cột năng lượng đáng tin cậy nếu được phát triển đúng hướng, đồng bộ về chính sách và kỹ thuật.