Sửa Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa: Vẫn còn nhiều băn khoăn
Mặc dù Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đươc xây dựng nhằm hướng tới việc bảo vệ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, tuy nhiên, vẫn còn đó không ít băn khoăn.
Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá được Quốc hội thông qua năm 2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2008 là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Tuy nhiên, Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật này đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với thực tiễn và thúc đẩy sự phát triển.

Nội dung sửa đổi, bổ sung các Điều, khoản tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm để thể chế hóa thực hiện Chính sách “Đổi mới việc xác định sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) và hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa”;
Thể chế hóa thực hiện Chính sách “Ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa”; thể chế hóa thực hiện Chính sách “Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”;
Thể chế hóa thực hiện Chính sách “Tăng cường tính hiệu quả của hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá, đẩy mạnh phân công, phân cấp quản lý để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay”.

Mặc dù đã thể chế hóa được những vấn đề về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, hướng tới việc bảo vệ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, Dự thảo Luật này vẫn để lại đó không ít băn khoăn.
Nhìn nhận về Dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, TS Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam chia sẻ, hiện nay Dự thảo Luật (sửa đổi) đang chia các sản phẩm thành ba nhóm: rủi ro thấp, rủi ro trung bình và rủi ro cao. Cách tiếp cận này là phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và xu hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, thế nhưng chúng ta lại thiết kế 3 nhóm này để đưa ra 3 chế độ công bố hợp quy - Như vậy vẫn là “bình mới rượu cũ”.
“Chúng tôi kiến nghị trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa phân 3 nhóm theo nguy cơ rủi ro thấp, rủi ro trung bình và rủi ro cao để Nhà nước thiết kế chế độ kiểm tra phù hợp, để người dân lựa chọn những cách kiểm soát phù hợp”, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam đề xuất.
Cũng đề cập đến việc quản lý chất lượng sản phẩm theo cấp độ rủi ro, ông Nguyễn Như Tiệp - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đề xuất, nên phân loại cấp độ rủi ro.
Theo ông Tiệp, biện pháp quản lý dựa trên rủi ro nên xây dựng, rà soát, ban hành tiêu chuẩn, văn bản pháp quy kỹ thuật dựa trên tham khảo chuẩn mực quốc tế, quy định của các đối tác thương mại và hồ sơ đánh giá rủi ro theo nhóm sản phẩm/lĩnh vực.
Bên cạnh đó, cần phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức và hiểu biết cho các bên về rủi ro và biện pháp phòng ngừa, khống chế rủi ro tương ứng với từng nhóm sản phẩm/lĩnh vực. Xây dựng chính sách và đào tạo, tập huấn nhằm hỗ trợ tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thiết lập và vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng, an toàn dựa trên nhận diện và kiểm soát, phòng ngừa, khống chế rủi ro tương ứng với từng nhóm sản phẩm/lĩnh vực...
Ngoài những nội dung đã nêu, trong những phiên bản gần đây, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã bổ sung khoản 35 Điều 1 liên quan đến trách nhiệm của sàn thương mại điện tử trong việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa được giao dịch trên nền tảng.
Theo đó, trước khi cho phép niêm yết sản phẩm, các sàn thương mại điện tử sẽ phải thiết lập cơ chế xác minh và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm. Sản phẩm có thông tin không đầy đủ, sai lệch hoặc không đáp ứng quy định pháp luật sẽ bị các sàn từ chối niêm yết hoặc gỡ bỏ...
Nhìn nhận về quy định này, một số ý kiến cho hay, việc yêu cầu sàn thương mại điện tử “xác minh nguồn gốc” và “giám sát chất lượng” một cách chủ động là bất hợp lý, đẩy doanh nghiệp vào vai trò mà cả về pháp lý lẫn kỹ thuật đều không đảm bảo, và tiềm ẩn nguy cơ bị quy trách nhiệm đối với các hành vi nằm ngoài tầm kiểm soát.
Không chỉ có vậy, hiện chưa có cơ sở pháp lý và thực tiễn để giao nghĩa vụ xác minh, truy xuất nguồn gốc cho các nền tảng thương mại điện tử. Bởi, theo pháp luật hiện hành như: Luật Hải quan, Luật Quản lý ngoại thương hay Nghị định 43/2017/NĐ-CP, trách nhiệm này thuộc về nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, hoặc cơ quan chức năng chứ không phải doanh nghiệp nền tảng trung gian.
Từ đó, các ý kiến này đề xuất, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa nên tập trung vào việc bảo đảm hàng hóa tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đúng với phạm vi điều chỉnh chuyên biệt của Luật. Việc đưa vào Dự thảo Luật các yêu cầu điều chỉnh thuộc các lĩnh vực khác như thương mại điện tử hay bảo vệ người tiêu dùng không chỉ làm suy yếu hiệu lực nội tại của từng đạo luật, mà còn tạo ra sự thiếu nhất quán trong hệ thống pháp luật, làm gia tăng rủi ro pháp lý và gánh nặng tuân thủ cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan thực thi.
Được biết, theo Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là một trong các Luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua tại Kỳ họp này.