Tổng Bí thư: Nghệ An phải phát triển hiện đại trong kỷ nguyên mới
Nghệ An không chỉ “phấn đấu trở thành tỉnh khá”, mà xa hơn phải trở thành mô hình phát triển hiện đại của miền Trung trong kỷ nguyên mới.
Sáng 15/5, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn công tác Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho biết trong 4 năm 2021-2024, tốc độ tăng trưởng bình quân của tỉnh đạt 7,89%, cao hơn giai đoạn 2016 - 2020 (6,97%). Quy mô GRDP năm 2024 đạt 216,9 nghìn tỷ đồng, cao gấp 1,5 lần năm 2020, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành. GRDP bình quân đầu người đạt 62,5 triệu đồng, tăng 1,45 lần so với năm 2020.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 89.427 tỷ đồng, tăng bình quân 9,4%/năm, dự kiến năm 2025 đạt khoảng 26.000 tỷ đồng, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra.
Điểm đáng chú ý, trong 3 năm gần đây, Nghệ An liên tục đứng trong nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước, tổng vốn đăng ký đạt trên 4,81 tỷ USD, gấp 4,5 lần số vốn lũy kế từ năm 2020 trở về trước.
Nghệ An đã thực hiện nghiêm túc chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính cấp xã theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Tỉnh có 412 đơn vị hành chính cấp xã, sau sắp xếp còn 130 đơn vị, tỷ lệ giảm 68,45%. Quy trình thực hiện bài bản, linh hoạt, tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, nhân dân.
Tuy nhiên, tỉnh Nghệ An cũng thẳng thắn nhìn nhận, kinh tế tăng trưởng khá nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, chất lượng tăng trưởng chưa cao. Một số dự án hạ tầng chiến lược và công trình thiết yếu triển khai chưa đạt như dự kiến. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn bình quân chung cả nước.
Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành cũng đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và các nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của tỉnh Nghệ An. Đồng thời, chỉ ra thêm những tồn tại, hạn chế của tỉnh trên các lĩnh vực nông nghiệp, hạ tầng chiến lược về giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, cơ cấu thu ngân sách...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng Nghệ An là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, nơi hun đúc khí chất của những con người kiên trung, tài hoa và khí phách. Đây không chỉ là mảnh đất lịch sử, mà còn là vùng đất tiêu biểu của khát vọng vươn lên, vượt khó, chinh phục mọi đỉnh cao.
“Chính truyền thống “sâu rễ, bền gốc” ấy là điểm tựa tinh thần vững chắc, là nguồn lực nội sinh quý báu nuôi dưỡng bản lĩnh, khí chất và khát vọng đi lên của đất và người xứ Nghệ” - Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Bên cạnh những kết quả quan trọng, đồng chí Tổng Bí thư cũng chỉ ra những “nút thắt” phát triển của tỉnh như: GDP đứng thứ 10, nhưng ngân sách tỉnh mới chỉ tự cân đối được 50%. Thu nhập bình quân đầu người vẫn thấp, chỉ bằng khoảng 50% thu nhập trung bình cả nước. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững; tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn bình quân chung cả nước.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, Nghệ An còn nhiều tiềm năng nhưng chưa được phát huy, chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa có nhiều dự án lớn, có tính động lực, tạo đột phá cả về chuyển dịch cơ cấu và lan tỏa công nghệ. Doanh nghiệp quy mô nhỏ, đông nhưng chưa mạnh. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập. Tinh thần đột phá, đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu cần quyết liệt, mạnh mẽ hơn...
Những tiềm năng chiến lược đó không tự trở thành sức mạnh, chỉ có tư duy đột phá, hành động quyết liệt và khát vọng đủ lớn mới biến tiềm lực thành hiện thực, đưa Nghệ An thành cực tăng trưởng tầm quốc gia. Do vậy, Tổng Bí thư đề nghị tỉnh cần mạnh dạn bước ra khỏi quán tính phát triển cũ, hướng tới một mô hình tăng trưởng hiện đại hơn, lấy công nghệ và tri thức làm động lực, lấy đổi mới thể chế và quản trị làm đòn bẩy, lấy con người và văn hóa xứ Nghệ làm nền tảng.
“Nghệ An cần tận dụng thời cơ lịch sử khi được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW, được trao cơ chế đặc thù để không chỉ “phấn đấu trở thành tỉnh khá” như Bác Hồ từng căn dặn, mà xa hơn, phải trở thành mô hình phát triển hiện đại của miền Trung trong kỷ nguyên mới”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, trước mắt là chỉ tiêu tăng trưởng 10,5% năm 2025 - thách thức không nhỏ đối với tỉnh, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ một số định hướng lớn tỉnh Nghệ An cần tập trung.
Trước tiên là phải đảm bảo môi trường an ninh, an toàn, thuận lợi để phát triển, nâng cao đời sống nhân dân. Đảng phải giữ vai trò trung tâm trong tất cả các quyết sách. Phải tiếp tục giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh, quân khu và cả vùng, tạo thế trận phòng thủ vững chắc bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Nhiệm vụ rất quan trọng tiếp theo là tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW, bảo đảm “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”. Nghệ An cần triển khai mô hình chính quyền 2 cấp (tỉnh và cơ sở) đảm bảo hiệu quả, thông suốt để phát huy tốt nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh, tỉnh cần đột phá về tư duy và thể chế phát triển. Theo đó, tỉnh cần mạnh dạn chuyển từ “phát triển theo chiều rộng” sang “tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo, hiệu quả và giá trị gia tăng cao” dựa trên khoa học, công nghệ và con người, bảo đảm hài hòa, bền vững giữa kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường. Chuyển đổi tư duy từ “quản lý” sang “kiến tạo – phục vụ”…
Bên cạnh đó, Nghệ An cần xây dựng một mô hình tăng trưởng hiện đại, có chiều sâu và năng lực thích ứng cao, dựa trên 4 trụ cột kinh tế chiến lược bao gồm: kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế biển, kinh tế tri thức. Phát triển nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp sạch, đô thị sinh thái và kinh tế tuần hoàn, các ngành dịch vụ chất lượng cao.
Tổng Bí thư Tô Lâm đặc biệt lưu ý tỉnh chú trọng phát triển kinh tế tư nhân trở thành “một động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế. Chính quyền các cấp phải coi sự thành công của doanh nghiệp là thành công của địa phương, chủ động tháo gỡ khó khăn, bảo vệ quyền tài sản, bảo đảm an toàn đầu tư và tạo dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, tin cậy, chi phí thấp.
“Là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khai sáng tư tưởng và mô hình tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghệ An có trách nhiệm chính trị và đạo lý đặc biệt trong việc xây dựng Đảng bộ tỉnh thật sự trong sạch, vững mạnh, kiểu mẫu về bản lĩnh chính trị, trí tuệ tổ chức, đạo đức công vụ và phương pháp lãnh đạo. Đây không chỉ là nhiệm vụ thường xuyên, mà phải trở thành một trụ cột phát triển mang tầm chiến lược.
Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của khát vọng hùng cường, hội nhập toàn diện và đổi mới sâu rộng, tinh thần ấy càng phải được thắp sáng bằng hành động cụ thể của Đảng bộ, chính quyền và cả hệ thống chính trị của Nghệ An”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.