Chuyên đề

Triển vọng nâng tầm Việt Nam lên nhóm nền kinh tế phát triển

Lê Mỹ 16/05/2025 13:00

Nghị quyết 57, Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 do Bộ Chính trị ban hành, dẫn dắt việc hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2045 – đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao.

Bản đồ chiến lược cho một Việt Nam hùng cường

Cuối năm 2024 và đầu năm 2025, Bộ Chính trị đã ban hành ba nghị quyết quan trọng nhằm tạo đột phá cho nền kinh tế Việt Nam từ cuối 2024 - đầu 2025: Nghị quyết 57-NQ/TW (22/12/2024) về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 66-NQ/TW (30/04/2025) về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Nghị quyết 68-NQ/TW (04/05/2025) về phát triển kinh tế tư nhân.

nang-hang.jpeg
Tầm nhìn chiến lược về một cuộc chuyển động sâu xa trong cấu trúc tăng trưởng quốc gia dẫn dắt kỳ vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Ảnh minh họa

Các Nghị quyết với các định hướng kỳ vọng sẽ cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh Việt Nam theo hướng minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận và tiệm cận chuẩn quốc tế, tạo nền tảng cho cả doanh nghiệp hiện hữu và doanh nghiệp mới phát triển.

Theo ông Nguyễn Minh Hạnh - Giám đốc Khối Phân tích CTCK SHS, có thể nói các Nghị quyết vừa được ban hành không chỉ là định hướng điều hành, mà chính là tầm nhìn chiến lược về một cuộc chuyển động sâu xa trong cấu trúc tăng trưởng quốc gia nơi khoa học công nghệ và khu vực kinh tế tư nhân được đặt làm hai trụ cột chủ lực, dẫn dắt nền kinh tế bước vào giai đoạn phát triển chất lượng cao.

Tuy nhiên, tác động thực tiễn phụ thuộc vào mức độ quyết liệt và đúng tiến độ trong triển khai cải cách, với yếu tố then chốt là luật hóa chính sách và giám sát thực thi hiệu quả, nhằm hướng tới mục tiêu top 3 ASEAN.

Trong đó, Nghị quyết 57 mở ra triển vọng tích cực cho hệ sinh thái khởi nghiệp, tháo gỡ các điểm nghẽn về vốn, thể chế và văn hóa; đa Việt Nam trở thành trung tâm khởi nghiệp mới của Đông Nam Á, sánh vai cùng Singapore và Indonesia. Cùng với Nghị quyết 57, tại Nghị quyết 68, kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo cũng được xác định là động lực tăng trưởng quan trọng, với loạt chính sách đột phá như sandbox, quỹ đầu tư, bảo vệ quyền lợi startup, giúp thúc đẩy startup trong lĩnh vực AI, thương mại điện tử, logistics công nghệ...

Nâng cao và phát triển sâu thị trường tài chính

Đặc biệt, các Nghị quyết đều có định hướng về mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, hiện đại hóa và làm sâu thị trường tài chính, với việc phát triển đa tầng từ vốn mạo hiểm, tín dụng SME đến chứng khoán – trái phiếu cho doanh nghiệp lớn, đồng thời bắt kịp xu hướng tài chính số toàn cầu. Cụ thể:

Thị trường chứng khoán: Được định hướng nâng cấp lên nhóm mới nổi, nhằm thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài.

Các cải cách trọng tâm gồm: tăng minh bạch, cải thiện quản trị, đa dạng hóa sản phẩm và nâng năng lực các sở giao dịch. Đồng thời, hoàn thiện khung pháp lý cho trái phiếu doanh nghiệp để khôi phục niềm tin và phát triển kênh huy động vốn dài hạn.

Kênh vốn dài hạn: Ngoài ra, đa dạng hóa kênh huy động vốn cho khu vực tư nhân, giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, phát triển thị trường bảo hiểm như một kênh vốn dài hạn. Đồng thời, việc nghiên cứu chứng khoán hóa các khoản nợ sẽ giúp ngân hàng phân tán rủi ro, mở rộng dư địa cho vay.

Thúc đẩy tài chính số và fintech: Phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt và hoàn thiện pháp lý cho fintech, tài sản ảo, sandbox. Hệ sinh thái fintech sẽ phát triển sôi động với các mô hình như P2P lending, blockchain, ngân hàng số, bảo hiểm số…

Mục tiêu xuyên suốt của các Nghị quyết là đóng góp vào việc hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2045 – đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu này, Nghị quyết đã đề ra các định hướng chiến lược giúp Việt Nam chuyển mình, và vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

“Các Nghị quyết tác động trực tiếp đến trụ cột cốt lõi của tăng trưởng dài hạn, bao gồm năng suất lao động, đổi mới công nghệ và phát triển khu vực kinh tế tư nhân”, ông Nguyễn Minh Hạnh chia sẻ.

Kích hoạt nguồn lực, phát triển bền vững

Thực tiễn từ các nền kinh tế công nghiệp Hàn Quốc, Đài Loan hay Singapore cho thấy, đổi mới sáng tạo và sự trỗi dậy của các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn chính là hai động lực then chốt giúp các quốc gia này vượt qua bẫy thu nhập trung bình và vươn lên nhóm nước thu nhập cao. Theo đó, thúc đẩy tăng năng suất và giá trị gia tăng hướng mục tiêu TFP đóng góp trên 55% và năng suất khu vực tư tăng ~9%/năm. Đồng thời, đặt mục tiêu >50% hàng xuất khẩu là sản phẩm công nghệ cao vào 2030; qua đó nâng chuỗi giá trị hàng xuất khẩu Việt Nam từ gia công lắp ráp lên sản phẩm hàm lượng công nghệ.

Tang truong nang suat
Chiến lược phát triển mang tính trụ cột để thúc đẩy tăng trưởng dài hạn sẽ giúp Việt Nam hội nhập, tự cường vào 2025. (Nguồn: WB, SHS)

Các yếu tố này quyết định khả năng bứt phá về thu nhập quốc dân trong dài hạn, tạo nền tảng chuyển mô hình tăng trưởng từ “dựa vào gia tăng đầu vào” sang “dựa vào hiệu suất và đổi mới”.

Cùng với đó, định hướng giải phóng và huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy tối đa tiềm năng từ người dân và doanh nghiệp tư nhân – tương tự như Trung Quốc từng “cởi trói” khu vực tư nhân những năm 1980, 1990 giúp kinh tế cất cánh.

“Mục tiêu 3 triệu doanh nghiệp năm 2045 nghĩa là số doanh nghiệp bình quân/dân số sẽ ngang ngửa các nước phát triển, giúp chuyển nguồn lực từ nơi kém hiệu quả sang nơi hiệu quả hơn, kích hoạt vốn, đất, trí tuệ trong dân phục vụ tăng trưởng - yếu tố then chốt duy trì tăng trưởng 7–8%/năm một cách bền vững”, chuyên gia phân tích.

Phát triển doanh nghiệp dẫn dắt, nâng tầm thương hiệu Việt: Nghị quyết 68 định hướng mục tiêu hình thành doanh nghiệp đầu tàu tầm cỡ khu vực và thế giới. Theo đó, hiện thực hóa mục tiêu thành công, đến 2030–2045, Việt Nam sẽ xuất hiện thế hệ tập đoàn tư nhân lớn, giống như Samsung, Hyundai của Hàn Quốc, đóng vai trò “đầu kéo” cho nền kinh tế. Họ không chỉ tạo việc làm, đóng góp NSNN, mà còn dẫn dắt chuỗi cung ứng trong nước (liên kết hàng nghìn SME), lan tỏa công nghệ, đào tạo nhân lực và xây dựng thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.

Đặc biệt, nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với hội nhập sâu được xác lập. Theo đó, Nghị quyết xác định khu vực tư nhân, cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, là trụ cột xây dựng nền kinh tế độc lập, tự cường, giảm phụ thuộc vào FDI, đồng thời tạo nguồn lực nội địa vững chắc. Các doanh nghiệp hàng đầu sẽ vươn ra nước ngoài, giành thị phần quốc tế, giúp Việt Nam kết nối sâu vào mạng lưới thương mại, đầu tư toàn cầu.

“Sự cân bằng giữa nội lực và ngoại lực (đầu tư, công nghệ từ ngoài) tạo nên nền kinh tế vừa linh hoạt hội nhập vừa bền bỉ trước cú sốc bên ngoài. Đây là hình mẫu của các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản – các nước đã phát triển thành công”, chuyên gia nhìn nhận.

Mặc dù trọng tâm là kinh tế số và tư nhân, các nghị quyết đều không quên yếu tố phát triển bền vững. Trong đó, Nghị quyết 68 thúc đẩy tái cấu trúc kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, nhằm tránh mô hình “phát triển trước, xử lý sau”. Dù tốn kém ban đầu, chuyển đổi xanh sẽ nâng cao chất lượng tăng trưởng và giúp Việt Nam đạt chuẩn mực của một quốc gia phát triển vào năm 2045.

“Nghị quyết 57 và 68 được thiết kế toàn diện, bổ sung cho nhau để thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức lớn nằm ở khâu thực thi, đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt và phối hợp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Nếu duy trì quyết tâm cải cách trong 5–10 năm tới, Việt Nam có cơ hội lớn để bứt phá và đạt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045”, ông Nguyễn Minh Hạnh cho biết.

Chuyên gia kỳ vọng, với Việt Nam, tương lai không nằm ở những khẩu hiệu, mà ở sự kiên trì cải cách, sự lắng nghe thực tiễn, và khả năng biến chủ trương thành hành động nhất quán. Các Nghị quyết 57, 66, 68 nếu được thực thi nghiêm túc, sẽ không chỉ là kim chỉ nam, mà còn là chìa khóa mở ra một kỷ nguyên mới – nơi Việt Nam
bước vào hiện đại hóa bằng đôi chân tự lực, với bản sắc riêng và tâm thế hội nhập.

Lê Mỹ