Chính trị

Tạo sức bật cho khoa học, công nghệ: Khơi thông dòng vốn đầu tư vào khoa học, công nghệ

Gia Nguyễn 17/05/2025 04:39

Nghị quyết số 57-NQ/TW nhấn mạnh các bước đột phá về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để định vị Việt Nam là một quốc gia dẫn đầu trong khu vực ở các lĩnh vực này.

Tại phiên họp ngày 17/5, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Đóng vai trò là nền tảng quan trọng trong việc định hình môi trường đầu tư kinh doanh, tuy nhiên, để giải quyết các thách thức mới, nâng cao khả năng cạnh tranh kinh tế, thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững của Việt Nam trong thời gian tới cần thiết phải sửa đổi Luật Đầu tư.

huyen trang
Luật sư Trần Thị Huyền Trang

Đây là chia sẻ của Luật sư Trần Thị Huyền Trang - Đoàn Luật sư TP Hà Nội với Diễn đàn Doanh nghiệp.

- Tháng 11/2024, Quốc hội thông qua Luật số 57/2024/QH15 sửa đổi hàng loạt luật, trong đó có Luật Đầu tư. Vì sao tại Dự thảo một luật sửa 7 luật về đầu tư, tài chính, ngân sách mới đây, Luật này lại tiếp tục được đưa vào diện sửa đổi, thưa bà?

Gần đây nhất, vào tháng 11/2024, Quốc hội thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (Luật số 57/2024/QH15) sửa đổi hàng loạt luật, trong đó có Luật Đầu tư. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, những tiến bộ công nghệ và các ưu tiên phát triển trong nước đòi hỏi cần phải có những sửa đổi về Luật Đầu tư nhằm đảm bảo sự thích ứng với bối cảnh mới.

Đặc biệt, Nghị quyết số 57-NQ/TW năm 2024 của Bộ Chính trị nhấn mạnh các bước đột phá về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để định vị Việt Nam là một quốc gia dẫn đầu trong khu vực ở các lĩnh vực này. Nghị quyết kêu gọi các chính sách nhằm tháo gỡ các nút thắt, huy động nguồn lực và khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong khi, Luật Đầu tư hiện hành, mặc dù đã được xây dựng khá toàn diện nhưng còn thiếu các quy định cụ thể để khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, cơ sở hạ tầng số và các startup đổi mới sáng tạo.

- Theo bà, đâu là mục tiêu thúc đẩy việc sửa đổi Luật Đầu tư hiện nay?

Tại Nghị quyết số 192/2025/QH15 của Quốc hội về bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng là 8% trong năm 2025. Để đạt được điều này, Chính phủ tìm cách thúc đẩy tăng trưởng dựa trên xuất khẩu và gia tăng giá trị nội địa đồng thời giảm phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô.

Do đó, Luật Đầu tư 2020 cần được điều chỉnh để hỗ trợ các mục tiêu này bằng cách đưa ra các ưu đãi cho các ngành công nghiệp góp phần vào sản xuất giá trị gia tăng, chẳng hạn như ngành bán dẫn và các doanh nghiệp sản xuất ứng dụng các công nghệ tiên tiến.

Chưa kể, tại Quyết định số 1018/QĐ-TTg năm 2024 về Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 cũng đòi hỏi một môi trường đầu tư thuận lợi, bao gồm các cơ chế nhanh chóng cho các doanh nghiệp phụ trợ và hoạt động xuất nhập khẩu.

Vì vậy, để đáp ứng chủ trương này, đòi hỏi Luật Đầu tư 2020 phải sửa đổi để đưa ra những cơ chế, chính sách nhằm tạo ra một “làn xanh” cho các ngành công nghiệp bán dẫn, giảm các rào cản quan liêu và thúc đẩy một môi trường đầu tư cạnh tranh.

startup2.jpg
Luật Đầu tư hiện hành dù đã được xây dựng khá toàn diện nhưng còn thiếu các quy định cụ thể để khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, cơ sở hạ tầng số và các startup đổi mới sáng tạo. (Ảnh: Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam tham dự sự kiện DAPInnovFest x Asia 2024)

Thực tế, dù Luật Đầu tư 2020 đã được đánh giá cao vì thiết lập một khung pháp lý thống nhất cho các hoạt động đầu tư, tuy nhiên, các thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, đặc biệt là đối với các dự án liên quan đến phân bổ đất đai và quan hệ đối tác công tư (PPP).

Cụ thể, Điều 44 của Luật Đầu tư 2020 quy định, các chậm trễ trong việc bàn giao đất của Nhà nước không được tính vào thời hạn hoạt động của dự án, nhưng không đề cập đến các trường hợp đất chưa được phân bổ, dẫn đến việc kéo dài thời gian thực hiện dự án.

- Ngoài những vấn đề đã nêu, sửa đổi Luật Đầu tư cần lưu ý điều gì, thưa bà?

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cũng như Luật Công nghiệp công nghệ số, trong đó đã xuất hiện sự chồng chéo với Luật Đầu tư ở các lĩnh vực như ưu đãi đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ.

Vì vậy, để tránh xung đột pháp luật, việc sửa đổi Luật Đầu tư sẽ giúp đồng bộ hóa các định nghĩa, ưu đãi và cơ chế quản lý giữa các luật, tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Đáng nói, việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại quốc tế như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), đòi hỏi các luật của Việt Nam phải tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu.

Do đó, việc đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư 2020 cần đảm bảo rằng các quy định về ưu đãi đầu tư, ưu tiên đấu thầu và quy định xuất nhập khẩu phù hợp với các cam kết này, đặc biệt liên quan đến quy tắc xuất xứ và đối xử không phân biệt đối xử với các nhà đầu tư nước ngoài.

Như vậy, đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư 2020 tại Dự thảo một luật sửa 7 luật về đầu tư, tài chính, ngân sách không chỉ giải quyết các thách thức mới nổi, nâng cao khả năng cạnh tranh kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, mà còn hướng tới tháo gỡ các điểm nghẽn để khơi thông dòng đầu tư vào công nghệ.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Gia Nguyễn