Kinh tế thế giới

Apple bị yêu cầu chuyển sản xuất về Mỹ, quan hệ Mỹ - Ấn sẽ ra sao?

Nam Trần 17/05/2025 03:34

Trong chuyến thăm vừa qua tới Qatar, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã yêu cầu CEO Tim Cook của Apple ngừng mở rộng sản xuất iPhone tại Ấn Độ.

Tổng thống Mỹ gây sức ép lên nhà sản xuất iPhone phải chuyển sản xuất về trong nước (Ảnh: Bloomberg)

Thay vào đó, ông Trump khẳng định Apple cần tăng cường sản xuất trong nước như một phần trong nỗ lực đưa chuỗi cung ứng công nghệ trở lại Mỹ.

“Tôi có một chút bất đồng với Tim Cook ngày hôm qua,” ông Trump chia sẻ. “Ông ấy đang xây dựng nhà máy khắp nơi tại Ấn Độ. Tôi không muốn ông làm điều đó. Tôi muốn Apple sản xuất tại Mỹ.” Theo ông Trump, kết quả của cuộc thảo luận là Apple sẽ “gia tăng sản xuất nội địa tại Hoa Kỳ”.

Phát biểu của ông Trump lập tức gây lo ngại về các kế hoạch lớn của Apple. Phần lớn iPhone bán tại thị trường Mỹ từ cuối năm 2026 sẽ đến từ Ấn Độ. Hãng công nghệ này đã chuyển phần lớn hoạt động sản xuất iPhone từ Trung Quốc sang Ấn Độ do lo ngại về thuế quan và căng thẳng địa chính trị.

Cơn đau đầu mang tên “sản xuất tại Mỹ”

Như nhiều công ty khác, Apple hiện không sản xuất iPhone tại Mỹ sau khi đã xây dựng được chuỗi cung ứng tinh vi và lực lượng lao động kỹ thuật lành nghề cho sản phẩm này tại Trung Quốc suốt hơn một thập kỷ qua.

Việc tái thiết lập toàn bộ chuỗi cung ứng này tại Mỹ sẽ cực kỳ tốn kém và khó khả thi trong ngắn hạn, đặc biệt khi chi phí lao động và sản xuất tại Mỹ cao hơn nhiều so với tại Ấn Độ hay Trung Quốc, theo các chuyên gia.

Ông Tarun Pathak, Giám đốc nghiên cứu tại công ty phân tích Counterpoint, “Đây là chiến thuật quen thuộc của ông Trump. Ông muốn Apple nội địa hóa sản xuất, xây dựng chuỗi cung ứng tại Mỹ – điều sẽ không thể xảy ra một sớm một chiều. Làm iPhone tại Mỹ sẽ đắt đỏ hơn rất nhiều so với việc lắp ráp tại Ấn Độ.”

Dưới sức ép từ Donald Trump nhiệm kỳ đầu và sau đó là những gián đoạn do đại dịch COVID-19 tại Trung Quốc, Apple đã bắt đầu tăng tốc quá trình đa dạng hóa sản xuất. Ấn Độ nổi lên như một điểm đến thay thế lý tưởng nhờ vào lực lượng lao động đông đảo, chi phí thấp và các ưu đãi từ chính phủ nhằm thúc đẩy công nghiệp điện tử.

Hiện nay, Apple đã lắp ráp khoảng 40 triệu chiếc iPhone mỗi năm tại Ấn Độ – tương đương khoảng 20% tổng sản lượng toàn cầu. Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2025, Apple đã sản xuất lượng iPhone trị giá khoảng 22 tỷ USD tại Ấn Độ, tăng gần 60% so với năm trước.

Các đối tác chính của Apple tại Ấn Độ bao gồm Foxconn, Tata Electronics (sở hữu mảng sản xuất của Wistron), và Pegatron. Những tập đoàn này đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất tại miền Nam Ấn Độ.

Mỹ Ấn
Những diễn biến mới đang xuất hiện những rạn nứt trong quan hệ thương mại Mỹ và Ấn Độ (Getty Images)

Mâu thuẫn thương mại Mỹ - Ấn leo thang

Dù đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng của Apple, quan hệ thương mại giữa Washington và New Delhi đang có dấu hiệu rạn nứt. Ấn Độ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế của Mỹ mà ông Trump tái khởi động, bất chấp nỗ lực ngoại giao của Thủ tướng Narendra Modi. Trong lúc hai bên đang đàm phán nhằm giảm căng thẳng, thì căng thẳng lại bất ngờ leo thang.

Ngày 15/5/2025, ông Trump tuyên bố Ấn Độ đã đề xuất một thỏa thuận thương mại không thuế quan với Mỹ để tránh mức thuế mới mà Washington dự kiến áp dụng. Tuy nhiên, chính phủ Ấn Độ nhanh chóng bác bỏ thông tin này và cho biết đang xem xét các biện pháp trả đũa nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia.

Theo Reuters, Ấn Độ đang cân nhắc áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa Mỹ để đáp trả mức thuế mà Mỹ đã áp dụng với thép và nhôm của Ấn Độ, ảnh hưởng tới khoảng 7,6 tỷ USD xuất khẩu mỗi năm. Dù hai bên đã đạt được một số tiến triển trong đàm phán thương mại, các hành động đáp trả thuế quan có thể làm phức tạp thêm quá trình này. New Delhi đang nỗ lực đạt được thỏa thuận trước thời hạn 90 ngày tạm hoãn thuế kết thúc vào ngày 8/7.

Ông Trump tiếp tục chỉ trích Ấn Độ là “một trong những quốc gia có hàng rào thuế quan cao nhất thế giới”, gây khó khăn cho hàng hóa Mỹ tiếp cận thị trường đông dân nhất hành tinh.

Tình hình hiện tại có thể làm chậm lại quá trình cải thiện quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn. Dù đã có những bước tiến trong hợp tác quốc phòng và công nghệ, tranh chấp thương mại vẫn là điểm nóng nhạy cảm.

Giới phân tích cho rằng, chiến lược “nước Mỹ trên hết” của ông Trump đang tạo áp lực lớn lên các tập đoàn công nghệ toàn cầu. Việc buộc Apple đưa sản xuất về Mỹ không chỉ phi thực tế, mà còn có thể gây gián đoạn nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Apple có một trong những chuỗi cung ứng tinh vi nhất thế giới, được xây dựng qua nhiều năm. Làm gián đoạn hoặc buộc họ rời khỏi Ấn Độ hay Trung Quốc hoàn toàn sẽ là điều vô cùng khó khăn,” ông Tarun Pathak nhận định.

Về phần mình, ông Trump không phản đối việc Apple sản xuất tại Ấn Độ để phục vụ thị trường nội địa nước này. “Nếu các bạn muốn xây dựng nhà máy để phục vụ người Ấn Độ, tôi không có vấn đề,” ông nói. “Nhưng sản xuất cho thị trường Mỹ thì phải quay về nước Mỹ.”

Với nguy cơ leo thang trả đũa thương mại và áp lực từ chính trị, các tập đoàn đa quốc gia như Apple đang đứng trước bài toán khó: cân bằng giữa hiệu quả kinh tế, ổn định chuỗi cung ứng và rủi ro địa chính trị.

Nam Trần