Làm rõ các tiêu chí, tránh tăng chi phí cho doanh nghiệp
VCCI đề nghị xây dựng các quy định trên cơ sở phân loại rủi ro hợp lý, rõ ràng và minh bạch, tránh gây cản trở không đáng, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 1 mục II Phụ lục XII của Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn (Dự thảo) nhằm đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu phòng chống dịch bệnh và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo đánh giá của VCCI, một trong những mục tiêu quan trọng của Dự thảo là sửa đổi các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân. Trên thực tế, Dự thảo đã có những điều chỉnh tích cực, đặc biệt trong việc lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu như Salmonella, E.coli đối với nhóm động vật có nguy cơ cao.
Tuy nhiên, VCCI lưu ý một số điểm trong Dự thảo có thể dẫn đến cách hiểu không thống nhất hoặc phát sinh chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp. Cụ thể, Dự thảo quy định lấy mẫu 03 lô hàng liên tiếp (của cùng một chủ hàng và cùng một quốc gia, vùng lãnh thổ) để kiểm tra, xét nghiệm. Nếu kết quả đạt, cứ 03 lô hàng tiếp theo chỉ lấy mẫu của 01 lô hàng ngẫu nhiên để kiểm tra xét nghiệm. Trường hợp phát hiện lô hàng không đạt yêu cầu thì áp dụng lấy mẫu của 03 lô hàng liên tiếp tiếp theo để kiểm tra, xét nghiệm. VCCI cho rằng cần làm rõ "3 lô hàng tiếp theo" có bắt buộc cùng chủ hàng và cùng quốc gia, vùng lãnh thổ hay không. Nếu không có quy định cụ thể, việc áp dụng có thể khác nhau giữa các cơ quan kiểm dịch, dẫn tới rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp.

Một điểm đáng chú ý khác là quy định về kho bảo quản của chủ hàng. Dự thảo thay đổi tiêu chí từ “kho phải đủ điều kiện vệ sinh thú y” sang “kho phải đủ điều kiện để bảo quản hàng hóa”, nhưng không nêu rõ thế nào là “đủ điều kiện”. VCCI đề nghị cần có hướng dẫn chi tiết hoặc viện dẫn cụ thể văn bản quy phạm pháp luật để tránh hiểu nhầm và tùy tiện trong thực thi.
Đặc biệt, với trường hợp “trường hợp hàng hóa là sản phẩm động vật không thể lấy mẫu tại cửa khẩu”, Dự thảo chưa chỉ rõ nguyên nhân đến từ doanh nghiệp hay cơ quan kiểm dịch, cũng như các tiêu chí xác định thế nào là “không thể lấy mẫu”. Vì vậy, VCCI đề xuất, trong trường hợp, lấy mẫu tại kho bảo quản có thể đảm bảo được điều kiện kiểm tra, cơ quan soạn thảo cân nhắc cho phép việc lấy mẫu tại kho bảo quản của doanh nghiệp cho tất cả các trường hợp để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, về việc lấy mẫu để kiểm tra, xét nghiệm đối với nhóm động vật có nguy cơ thấp, Dự thảo quy định “cứ 5 lô hàng liên tiếp (cùng chủ hàng và quốc gia, vùng lãnh thổ) thì lấy mẫu ngẫu nhiên 1 lô để xét nghiệm”. Trong khi đó, quy định hiện hành chỉ yêu cầu 05 lô hàng có thể đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau và chỉ cần lấy mẫu 01 lô hàng ngẫu nhiên.
“Thay đổi này sẽ dẫn đến việc gia tăng số mẫu xét nghiệm thực tế, đồng nghĩa với tăng chi phí cho doanh nghiệp, trong khi đây là nhóm sản phẩm vốn được đánh giá là ít rủi ro. Điều này có thể đi ngược lại tinh thần cải cách hành chính mà Dự thảo hướng tới”, VCCI cảnh báo.
Do đó, VCCI kiến nghị giữ nguyên quy định hiện hành đối với nhóm sản phẩm động vật có nguy cơ thấp.