Nhãn mác ngoại - “Vỏ bọc” của hàng lậu thời công nghệ
Cả trăm tấn hàng giả khoác mác ngoại vừa bị phanh phui, hé lộ một chuỗi lừa đảo tinh vi đang chiếm lĩnh thị trường bằng lớp vỏ niềm tin giả tạo…
Những vỏ hộp in chữ Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha… viên nang óng ánh, mã QR hiển thị chuẩn chỉnh… tất cả bày trên kệ hiệu thuốc như hàng nhập khẩu chính hãng. Nhưng ít ai ngờ, chúng lại được sản xuất trong một xưởng nhỏ ở Hưng Yên, nơi ánh sáng mờ, nguyên liệu đổ đống, và tem nhãn được in ngay trên sàn nhà. Một lớp hóa trang hoàn hảo cho hàng giả vừa bị bóc trần với quy mô không còn là vài tấn lẻ tẻ, mà là cả trăm tấn, tung hoành khắp hơn 20 tỉnh, thành.

Chiếc vỏ ngoại và cú lừa từ tâm lý tiêu dùng
Theo Công an TP Hà Nội, Phạm Ngọc Tiến từng là dược sĩ đã thiết lập một mạng lưới 17 công ty để hợp pháp hóa quy trình sản xuất và phân phối hàng giả. Trong đó, có 6 công ty nhập khẩu nhỏ giọt hàng thật, làm “vỏ bọc” cho 11 công ty còn lại chuyên đóng gói, dán nhãn và đưa sản phẩm ra thị trường trong nước.
Gần 20 địa điểm bị khám xét, lực lượng chức năng thu giữ khoảng 100 tấn thực phẩm chức năng và thiết bị y tế giả: từ viên uống sinh lý đến máy đo đường huyết. Tất cả được đóng gói kỹ lưỡng, bao bì in tiếng Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha. Tem nhãn phụ vốn để xác nhận xuất xứ Việt Nam được in giả tại xưởng, dán tay tại kho Hà Đông.
Dây chuyền làm giả vận hành như thật: có công thức pha chế, có mã vạch, có mạng lưới phân phối chính thức đến các nhà thuốc, thậm chí bệnh viện. Nhiều sản phẩm còn được rao bán trên sàn thương mại điện tử, tự xưng là “xách tay Âu – Mỹ”, đội giá lên gấp ba, bốn lần giá trị thật.
Theo các chuyên gia nghiên cứu thị trường, đây là một cú lừa dựa trên tâm lý “tin vào bao bì hơn vào kiểm định”. Người tiêu dùng mặc định rằng sản phẩm in chữ nước ngoài, mã QR có vẻ xác thực, thì nghiễm nhiên là hàng tốt. Sự sính ngoại, cộng với thiếu cảnh giác, đã trở thành mảnh đất màu mỡ để hàng giả sống ký sinh.
Khi hàng giả có thể sống như hàng thật, điều đáng sợ không chỉ là người tiêu dùng bị lừa, mà là niềm tin thị trường đang bị chiếm đoạt một cách có hệ thống. Một sản phẩm y tế lẽ ra phải qua kiểm định, được giám sát chặt chẽ, lại có thể hợp thức hóa bằng một tờ hóa đơn và con tem dán tay. Điều đó không chỉ phơi bày lỗ hổng quản lý, mà còn đặt doanh nghiệp thật vào thế cạnh tranh bất công.
Ở chiều ngược lại, người dân, vốn không có công cụ phân biệt buộc phải “tin vào hình ảnh”, mua hàng bằng cảm giác. Thị trường hàng thật, niềm tin tiêu dùng đã bị gặm nhấm từ trong cấu trúc phân phối.
Khi hàng giả “lách luật”
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, bác sĩ Hoàng Văn Trung – Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Thái Nguyên cho biết, tác hại của hàng giả trong ngành y tế vượt xa thiệt hại kinh tế.
“Nhiều bệnh nhân tin rằng mình đang dùng thuốc bổ xương khớp nhập từ Pháp nhưng thực chất là bột vô danh. Hậu quả là chẩn đoán bị sai lệch, điều trị chậm trễ, thậm chí chuyển biến nặng. Với thiết bị y tế giả, đặc biệt là máy đo huyết áp, máy thử đường huyết sai số chỉ vài đơn vị cũng có thể gây tai biến”, bác sĩ Hoàng Văn Trung chia sẻ.
Bác sĩ Trung cho rằng, không thể tiếp tục dựa vào cảnh báo thụ động. Ngành y tế cần lập hệ thống kiểm soát dữ liệu đầu vào, nơi mỗi sản phẩm có thể được truy xuất tức thì theo mã thật, không thể làm giả. Ông cũng cảnh báo, hậu kiểm yếu sẽ khiến hàng giả dần trở thành “một phần bình thường” trong hệ thống cung ứng, điều đáng sợ hơn cả sự gian lận.

Ở góc độ pháp lý, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Luật L&A Legal Experts phân tích, đây là dạng tội phạm có tổ chức, có yếu tố lặp lại và che giấu dấu vết bằng chuỗi pháp nhân ảo, một hình thức rửa giấy tờ phổ biến hiện nay.
“Về cấu thành, vụ việc đã vi phạm Điều 192 Bộ luật Hình sự, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, sử dụng giấy tờ giả và lừa dối người tiêu dùng. Tuy nhiên, điểm đáng nói nhất là: hàng giả không cần đi theo đường tiểu ngạch mà đi thẳng vào kênh phân phối chính thống”, luật sư Nhung nói.
Bên cạnh đó, luật sư Nhung cũng nhấn mạnh, sơ hở nằm ở chỗ các đối tượng không cần sản xuất chui, mà dựa vào pháp nhân hợp pháp để hợp thức hóa hàng hóa từ đầu vào đến đầu ra. Chỉ cần một vài lô hàng thật, cộng thêm giấy công bố tiêu chuẩn, tem phụ và hóa đơn khớp, thì hàng giả có thể vượt qua vòng hậu kiểm như một doanh nghiệp bình thường.
“Chúng ta đang chống hàng giả như thể chúng vẫn là “ngoài luồng”, trong khi chính hệ thống pháp lý hiện hành lại đang vô tình mở cửa cho chúng bước vào bằng cổng chính. Trách nhiệm không thể chỉ dừng ở người làm giả, mà phải lan đến cả hệ thống tiếp nhận, tiêu thụ, thẩm định và cấp phép”, luật sư Nhung nhấn mạnh.
Cùng với đó, luật sư cũng kiến nghị sửa đổi cả luật quản lý thị trường và luật xử lý vi phạm hành chính theo hướng áp dụng chế tài liên đới đối với đơn vị phân phối nếu thiếu kiểm soát đầu vào; bổ sung cơ chế kiểm định ngẫu nhiên và hậu kiểm độc lập; xây dựng cơ sở dữ liệu cảnh báo sản phẩm nghi vấn, cho phép kết nối giữa Bộ Y tế, Hải quan và Quản lý thị trường.
Cũng trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng chống hàng giả hiện nay không còn là câu chuyện xử lý đơn lẻ từng vụ việc, mà là thách thức toàn hệ thống, nơi pháp lý, quản lý thị trường và nhận thức người tiêu dùng phải cùng chuyển động. Nếu mỗi khâu chỉ làm tròn trách nhiệm phần mình mà thiếu liên kết, cái giả sẽ tiếp tục tìm thấy đường sống ngay trong những kẽ hở hợp pháp.
Một thị trường minh bạch không thể tồn tại nếu người tiêu dùng tiếp tục bị dẫn dắt bằng mã vạch giả, hộp in đẹp và lời quảng cáo thuyết phục. Những gì vừa bị bóc trần trong vụ án này không chỉ là sản phẩm lừa đảo, mà là cơ chế lừa đảo đã kịp hóa thân thành hình thức kinh doanh “bình thường mới”. Nếu không ngăn chặn kịp thời, cái giả sẽ chiếm chỗ của cái thật, không chỉ trên kệ hàng, mà ngay trong lòng tin xã hội.