Chính trị

Thông qua cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật

Gia Nguyễn 17/05/2025 12:16

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 9, tại phiên họp sáng 17/5, Quốc hội đã thông qua một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Theo đó, với 416/443 (chiếm 87,03%) đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, tại phiên họp sáng 17/5, Quốc hội đã biểu quyết và chính thức thông qua Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

co-che-chinh-sach-dac-thu-xay-dung-thuc-thi-phap-luat-17.5.1.jpg
Sáng 17/5, Quốc hội đã biểu quyết và chính thức thông qua Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật - Ảnh: Media Quốc hội

Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự thảo Nghị quyết trước biểu quyết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp – Nguyễn Hải Ninh cho biết, qua thảo luận, các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội đều thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Nghị quyết để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025; nhiều cơ chế, chính sách vượt trội, đặc biệt nêu tại dự thảo Nghị quyết đã thể hiện rõ tư duy đổi mới mạnh mẽ, đặt công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật đúng tầm mức là “đột phá của đột phá” trong hoàn hiện thể chế phát triển.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ về nội dung Dự thảo Nghị quyết đã được tiếp thu, chỉnh lý, trong đó có nội dung đề xuất của Chính phủ về một số vấn đề lớn mà đại biểu Quốc hội quan tâm”, Bộ trưởng chia sẻ.

co-che-chinh-sach-dac-thu-xay-dung-thuc-thi-phap-luat-17.5.2.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường tham gia biểu quyết tại phiên họp - Ảnh: Media Quốc hội

Theo Bộ trưởng, về thể chế hóa Quy định 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ đã tiếp thu, chỉnh lý Điều 3 theo hướng: bổ sung khoản 1 nguyên tắc “bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”; sửa đổi, bổ sung khoản 3 về “bảo đảm áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt đúng đối tượng, quản lý công khai, minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi trong công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật và trong thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt quy định tại Nghị quyết này”;

Bổ sung nguyên tắc mang tính chế tài tại khoản 4 “Xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm bằng các biện pháp kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính, xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.

Về định mức khoán chi cho nhiệm vụ, hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế, giải trình về tiếp thu, chỉnh lý Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho hay, Tổng mức khoán chi cho từng loại văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế nêu trong Phụ lục II là tổng mức tối đa ngân sách chi trả nếu thực hiện đầy đủ, trọn vẹn các hoạt động trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, còn định mức cụ thể cho từng hoạt động sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ quy định.

Theo đó, hoạt động nào không thực hiện (chẳng hạn văn bản được xây dựng trong trường hợp cấp bách thì không phải đánh giá tác động của chính sách; văn bản được xây dựng trong trường hợp đặc biệt có thể không phải thẩm định) thì ngân sách không chi trả theo định mức cho hoạt động đó.

Đồng thời, tiếp thu, chỉnh lý Phụ lục II theo hướng về cơ bản giảm tổng định mức khoảng 30% cho việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế của cơ quan ở Trung ương; tăng định mức kinh phí cho xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp tỉnh; giữ nguyên định mức cho việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã.

“Về Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật, Chính phủ xin tiếp thu, giải trình như sau: Việc thành lập Quỹ chủ yếu để hỗ trợ nghiên cứu chính sách từ sớm, nhằm chủ động đánh giá, lựa chọn chính sách làm cơ sở xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị; không tập trung hỗ trợ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cụ thể (trừ trường hợp một số ít dự án, nhiệm vụ, hoạt động cần bổ sung kinh phí).

Do vậy, dù Quỹ được tiếp nhận các nguồn hỗ trợ hợp pháp ngoài ngân sách nhưng không phải để tài trợ trực tiếp cho các dự án luật nên khó có điều kiện tác động cụ thể tới các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ tiếp thu, quy định chặt chẽ các điều kiện trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết (như dự kiến mời đại diện Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham gia Hội đồng quản lý Quỹ), bảo đảm quản lý công khai, minh bạch, hiệu quả, phòng ngừa, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hướng lái chính sách”, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh chia sẻ.

Ngoài các nội dung đã nêu, tại Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý, Bộ trưởng cũng chia sẻ về nội dung liên quan đến việc hỗ trợ hàng tháng cho người tham gia công tác xây dựng pháp luật; Và việc giao Chính phủ quy định định mức khoán chi xây dựng một số loại văn bản quy phạm pháp luật chưa có trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025.

Gia Nguyễn